(KTSG Online) - Hành vi truyền thông, công bố thông tin về phát triển bền vững thiếu cơ sở hoặc gian dối có thể khiến doanh nghiệp đánh mất lòng người tiêu dùng vào sản phẩm, dịch vụ bền vững. Đồng thời, bỏ lỡ cơ hội đón nhận dòng vốn trị giá hàng tỉ đô la Mỹ từ các quỹ nước ngoài.
- ‘Thước đo’ PGI và giải pháp xanh hóa nào cho ĐBSCL?
- Doanh nghiệp được trao danh hiệu bền vững toàn cầu nhờ phát triển du lịch xanh
Cẩn trọng với “tẩy xanh”
“Tẩy xanh” là cụm từ miêu tả việc một chức công bố thông tin sai lệch hoặc thiếu cơ sở, với mục tiêu thu hút sự chú ý của khách hàng và quỹ tài chính xanh.
Tại Việt Nam, hiện chưa có cảnh báo cụ thể về tình trạng “tẩy xanh”, nhưng một nghiên cứu của TS Seng Kiong Kok, giảng viên Trường Đại học RMIT Việt Nam cho thấy, một số chuỗi siêu thị xuất hiện ở nhiều thị trường, gồm Việt Nam, đã đưa vào sử dụng túi ni lông “tự hủy sinh học” để trở nên xanh hơn. Nhưng thực tế, một số loại túi không thực sự mang lại hiệu quả như đã hứa, thậm chí có thể phân hủy thành vi nhựa gây hại.
Trên thị trường khởi nghiệp, nhiều sản phẩm ống hút tre, túi vải và dụng cụ ăn uống có nguồn gốc thiên nhiên, thực phẩm cũng được một số startup quảng bá là "xanh và thân thiện với môi trường". Tuy nhiên, quy trình xử lý sản phẩm để lưu trữ được lâu vẫn khiến chuyên gia này đặt câu hỏi: “Họ có rơi vào cái bẫy cố trở thành xanh của chính mình?”.
Với các doanh nghiệp niêm yết, ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch IIA Việt Nam đánh giá, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn thực hiện báo cáo PTBV theo tiêu chuẩn quốc tế, còn lại dừng ở mức công bố thông tin tối thiểu, không có nhiều giá trị trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong quá trình tham gia chấm giải Báo cáo Phát triển Bền vững (VLCA), vị này phát hiện trên 50% các báo cáo PTBV là mang tính truyền thông chứ không có ý nghĩa thực tế.
“Là người sử dụng báo cáo phát triển bền vững, mình phải nhận thấy có sự tin cậy. Nhưng trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp làm những báo cáo này thì thấy phần lớn làm rất rập khuôn, dẫn tới rủi ro không chính xác rất cao”, ông Hùng nói tại một toạ đàm về phát triển tài chính xanh.
Bên cạnh hành vi cố tình “tẩy xanh”, bà Phạm Thị Minh Hương, Phó giám đốc dịch vụ phát triển bền vững (Deloitte Việt Nam) cho biết, việc tồn tại quá nhiều khung tiêu chuẩn xanh cũng khiến doanh nghiệp không biết tuân theo tiêu chuẩn nào. Chẳng hạn, có doanh nghiệp kêu gọi vốn để sản xuất “ô tô xanh”, với định hướng đây là dòng sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và sạch hơn. Nhưng tiêu chí phân loại xanh của EC yêu cầu ô tô xanh phải đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe, như phát thải dưới 95g CO2/km.
“Khi có đơn vị khác vào thẩm tra, doanh nghiệp thường không đủ cơ sở, giấy tờ chứng minh những gì đã làm, dẫn tới rủi ro bị hiểu nhầm thành hành vi tẩy xanh”, bà Hương nói.
Còn tại một hội thảo diễn ra gần đây, bà Trịnh Thị Minh Thùy, Giám đốc Công ty MT Food cho hay, doanh nghiệp đã sử dụng bao bì giấy khi xuất khẩu. Nhưng bản thân bà vẫn băn khoăn “còn nguyên liệu nào làm bao bì tốt hơn, nhưng vẫn bảo vệ môi trường không?”, vì đối tác nước ngoài cho rằng dùng bao bì giấy đồng nghĩa với phá rừng.
“Dù có giải thích là chúng ta chặt cây và có trồng lại, nhưng đôi khi khách hàng vẫn chưa hài lòng”, bà Thùy nói.
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn có nhiều chính sách nhằm cấm hành vi “tẩy xanh”, bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) lo ngại, doanh nghiệp có thể đối mặt với sự quay lưng, thậm chí làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng, nếu có những hành động “có vẻ” như đang bảo vệ môi trường, nhưng không thực chất.
Bổ sung, bà Nguyễn Thu Thủy, Phụ trách Ban chiến lược, phát triển và quan hệ quốc tế của VSDC cho biết, gần 10 tỉ đô la Mỹ đã rút khỏi các quỹ ESG toàn cầu tính tới tháng 10-2023, do bối cảnh kinh tế quốc tế không thuận lợi và tính hiệu quả của các khoản đầu tư không được bảo đảm.
“Tình trạng ‘tẩy xanh’ khiến họ đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và thực tế của khoản đầu tư”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Để cam kết bền vững không là ‘lời hứa suông’
Thực tế, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định nhằm ngăn chặn hành vi tẩy xanh của doanh nghiệp, như: công cụ nhãn dán sinh thái, phân loại sản phẩm xanh. Nhưng để ngăn chặn triệt để hành vi “tẩy xanh”, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, cần nhấn mạnh trách nhiệm của bên thứ ba, tức là các đơn vị truyền thông và người nổi tiếng có cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Theo đó, bên thứ ba phải nêu rõ bản thân mình đang quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, thực hiện mọi biện pháp nhằm kiểm chứng thông tin về sản phẩm, dịch vụ, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thông tin cung cấp sai sự thật.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng của UNDP cho rằng, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó minh bạch hóa thông tin tới người tiêu dùng.
“Điều này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường ngày càng yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn bền vững của sản phẩm nhập khẩu”, ông Lai nhấn mạnh.
Với bản thân doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính PAN Group cho rằng, động lực từ phía các nhà đầu tư, định chế lớn là một chốt kiểm soát để hạn chế rủi ro “tẩy xanh”. Cụ thể, PAN Group phải trải qua các đợt thanh tra của IFC và ADB với tần suất hai lần/năm sau khi nhận các khoản đầu tư từ hai nhà tổ chức tài chính này.
Để đáp ứng yêu cầu, doanh nghiệp đã xây dựng bộ phận chuyên trách về PTBV ở tập đoàn và các công ty thành viên, nhằm thu nhập và cung cấp đầy đủ thông tin về chiến lược, hoạt động thực hành PTBV toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, thống kê chính xác các số liệu, gồm: lượng CO2 xả thải ra môi trường, tỷ lệ sử dụng chất đốt hoá thạch, khối lượng nước được xử lý trước khi thải ra môi trường, có kiện tụng liên quan tới môi trường hay không, số vụ tai nạn lao động, mức lương bình quân, tỷ lệ lao động nam - nữ… trong báo cáo PTBV hàng năm.
Trước đó, sau khi huy động 1.135 tỉ đồng vốn trái phiếu dưới sự bảo lãnh của CGIF, PAN cũng phải tuân theo yêu cầu của tổ chức này về việc sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà và công nghệ lò đốt bằng điện - thay vì sử dụng chất đốt bằng than - khi xây dựng nhà máy bánh kẹo thuộc Bibica.
“PTBV dần trở thành nếp sống và được thực hành như một hoạt động bình thường của doanh nghiệp” ông Tuấn nói và cho rằng hoạt động PTBV được thúc đẩy rất nhiều nhờ các nhà đầu tư quốc tế.