Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gạo nuôi con rể

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cứ tầm tháng 11, 12 hàng năm là những triền đồi ở miền núi A Lưới đẹp đến nao lòng khi lúa ra dư tím ngắt, trĩu trịt bông. Những người Tà Ôi (nhóm địa phương Pacoh, Pahy, Kan Tua, Tà Uốt), Cơ Tu… đeo gùi ríu ran tuốt lúa. Lúa thơm bàn tay, lúa thơm lùa trong gió… thơm cả đường lúa vào kho, về nhà.

Ra dư là giống lúa tẻ quý hiếm được người dân tộc bản địa ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trồng từ lâu đời. Người Tà Ôi gọi Ra dư là “thóc thiêng”. Đây là giống lúa có chất lượng cao nhất trong tất cả các giống lúa ở địa phương.

Người Tà Ôi trỉa lúa Ra dư ở những đám rẫy nằm ở độ dốc nghiêng 30 độ thường ở lưng chừng núi. Vì sợ nữ thần lúa (yang xro) đau nên người ta vẫn thu hoạch bằng cách dùng tay tuốt từng bông chứ không dùng liềm cắt. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Từ truyền thuyết

Gạo Ra dư thường được họ để dành cúng yang trong dịp tết cổ truyền acha aza (Tết cơm mới) và lễ aza đánh dấu thời điểm kết thúc một năm lao động đã qua. Đặc biệt, Ra dư nghĩa là “gạo dành cho chàng rể”.

Truyền thuyết của người Tà Ôi kể rằng giống lúa này sinh ra từ quả trứng đá mà chàng Pút đưa cho vợ là nàng Tưr trước lúc đi xa, dặn nàng phải chôn dưới sân nhà mình. Chẳng bao lâu, từ chỗ chôn quả trứng mọc lên một cây giống như thân cây bầu. Cây này lớn nhanh như thổi và nhánh bò đi khắp các triền sông, triền suối.

Nhưng ngạc nhiên thay, cây chỉ cho được một trái. Đến ngày dân làng lên nương tuốt lúa thì trái đó cũng vừa chín. Khi vợ Pút đập vỡ trái đó thì bên trong chảy ra vô vàn là lúa, chảy cả ngày không hết. Dân làng thấy thế đổ xô nhau đến gùi về nhà, đã chất đầy kho mà lúa trong trái cây vẫn tuôn ra mãi. Khi họ giã lúa thành gạo rồi đem nấu thì cho một thứ cơm vừa dẻo, vừa bùi, lại có hương thơm ngát, ăn hoài không chán.

Nhớ ơn chàng Pút, dân làng kéo đến nhà chàng để tạ ơn. Vợ chàng nhớ lại lời chồng dặn trước lúc ra đi bèn cùng với mọi người ra bờ suối gọi tìm chồng. Nhưng gọi mãi mà chẳng thấy bóng dáng chàng Pút đâu.

Thế rồi, vợ chàng Pút nghĩ ra một cách là đem loại gạo đó ra bờ suối nấu cơm. Đến khi cơm chín tỏa hương thơm lừng, vợ Pút thấy chàng hiện ra trên dòng suối và được chàng cho biết: Chàng vốn là con của thần trời (yang arơbang), được cha phái xuống trần gian để giúp đỡ mọi người. Nay thời hạn ở trần gian đã hết nên Pút phải trở về trời. Sau này nếu dân làng gặp chuyện gì bất trắc hoặc khi nào nhớ chàng thì hãy đem thứ gạo đó nấu thành cơm để cúng thần và gọi thì chàng sẽ xuống giúp đỡ mọi người. Chàng đặt tên loại gạo đó là Ra dư, tức là “gạo dành cho chàng rể”. Vì chàng đã là rể của dân làng rồi và sau này cũng vậy, những ai được làm rể thì sẽ được ăn gạo Ra dư.

Nói xong, Pút biến mất, Tưr thôi khóc và dân làng cùng nhau cảm tạ vợ chồng chàng. Từ đó, lúa Ra dư đã trở thành một vật rất thiêng liêng đối với người Tà Ôi. Họ chỉ nấu cơm Ra dư trong những lần có con rể về thăm bố mẹ vợ hoặc nấu khi cả làng có ngày hội để cúng thần và đãi khách quý của cộng đồng.

Truyền thuyết là thế, còn trong tâm thức của người Tà Ôi, họ lý giải đơn giản “Vì thương con gái nên cha mẹ phải thương con rể. Mỗi lần con rể đến thăm nhà, bố mẹ đều chọn những món ngon, quý dành cho con rể ăn, có như vậy thì con rể mới yêu thương con gái mình”, ông Quỳnh Hoàng, sinh năm 1920, người Tà Ôi ở thôn Diên Mai, xã A Ngo, nói.

Ra dư hiện diện trong đời sống tình cảm của người Tà Ôi bằng những câu hát tình yêu:

Ôi chúng ta có cái bụng thương nhau

Thương nhiều hơn đá dưới dòng A Sháp

Thương nhiều hơn cột nhà Kopanha đầu làng

Nhớ nhau như nhớ cái rẫy mùa ra dư trổ bông.

Lúa ra dư không chỉ quý hiếm vì gắn liền với truyền thuyết mà trong thực tế nó còn đứng vị trí hàng đầu trong bộ hai mươi hai giống lúa bản địa của người Tà Ôi ở A Lưới. Sở dĩ như vậy vì nó có những đặc điểm mà không giống lúa nào có được.

Sau khi giã xong, gạo Ra dư thon và dài, màu tím hoặc trắng, hạt chắc, không bị vỡ nhiều đoạn. Lúa Ra dư có thể phơi khô, giã và nấu cơm như gạo bình thường, hoặc để nguyên hạt lúa rồi hấp cho chín tới. Tiếp đó, mang lúa hấp đi phơi khô, xát vỏ và nấu chín thêm lần nữa để ăn. Với mỗi cách chế biến, hạt cơm có một mùi vị riêng, hạt cơm không dính chặt với nhau nhưng vẫn dẻo, ngọt bùi.

Người Tà Ôi gùi lúa về nhà. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Trần Nguyễn Khánh Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Tà Ôi, cho biết: “Gạo Ra dư có đặc tính nấu cơm thơm ngon, chắc, dẻo; mùi thơm tỏa đến các nhà xung quanh, thơm dẻo hơn cả tám loại gạo nếp bản địa. Vì gạo nở ít nên một ký gạo chỉ nấu được ba chén cơm. Khi nấu xong, cơm Ra dư có màu hồng thẫm hoặc trắng, mùi thơm lưu lại trong suốt bữa ăn, kể cả khi cơm đã nguội. Khi ăn, nhai càng kỹ thì cơm càng ngọt”.

Khởi thủy, lúa Ra dư được người dân trồng ở các ruộng ven suối hoặc sông nhỏ nhưng sau đó do yếu tố khí hậu cộng thêm sự xói lở của bờ bãi nên lúa được mang lên trồng trên rẫy cao. Người Tà Ôi thường phát cốt, đốt rẫy rồi trỉa lúa vào tháng Tư đến tháng Năm Âm lịch và thu hoạch vào tháng Mười đến tháng Một Âm lịch hàng năm. Nơi trỉa lúa là những đám rẫy nằm ở độ dốc nghiêng 30 độ thường ở lưng chừng núi. Bởi đây sẽ là điểm cuối cùng của sự ngưng tụ phù sa, chất đất tốt từ đỉnh núi, đỉnh đồi trôi xuống tạo cho lúa ra dư có được nguồn dinh dưỡng tốt, làm lúa chắc hạt, lượng tinh bột trong gạo cao.

Từ năm 2019, khoảng 100 hộ dân Pacoh ở xã A Bung, huyện Dakrong, tỉnh Quảng Trị, giáp ranh với xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng trồng hơn 100 héc ta lúa Ra dư trên các triền đồi, diện tích lớn nhất từ trước đến nay, và cũng là năm được mùa nhất với năng suất 36 tạ/héc ta.

Tiến sĩ Trương Quang Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam (Đại học Nông lâm Huế), cho biết: “Ra dư là giống lúa cạn dài ngày, thời gian sinh trưởng khoảng 170-180 ngày và mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Đây là giống lúa có khả năng chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh. Chiều cao cây 120-130 cen ti mét, đẻ nhánh khỏe, bông to, dài 22 cen ti mét, mỗi bông có từ 115-120 hạt, tỷ lệ hạt chắc cao. Thời gian trổ bông từ bốn đến bảy ngày, độ thoát cổ bông tốt. Cây có độ cứng cao nên không bị nghiêng khi hạt lúa chín. Năng suất trung bình từ 18 tạ đến 22 tạ/héc ta, cá biệt có nơi lên đến 31 tạ/héc ta. Hạt thóc thon dài, vỏ trấu màu vàng. Gạo Ra dư hạt to, dẻo, có hai màu đỏ và trắng, mùi thơm đặc trưng.

Hạt gạo sạch tuyệt đối vì người dân canh tác theo hình thức thuận tự nhiên, không bón phân, không phun thuốc trừ sâu”.

Thế nhưng lúa Ra dư cho năng suất rất thấp. Trước đây chỉ có những gia đình quyền thế, giàu có, nhiều lao động mới có thể trồng được lúa Ra dư vì họ phải cất công sang các huyện Samouay, Ta Oy và Toumlane của tỉnh Salavan, Lào để trao đổi hạt giống. Sau khi thu hoạch, người dân thường cất lúa vào một nơi cao ráo hoặc giã lúa thành gạo rồi đổ vào gùi mây đặt lên kho. Chờ khi nào con rể về thăm bố mẹ vợ thì lấy gạo xuống nấu cơm đãi chàng.

…đến nhãn hiệu tập thể

Sau ba năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm mười một giống lúa nương, đầu năm 2013, huyện A Lưới đã tìm ra được giống lúa đặc sản ra dư phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sự chịu hạn cũng như độ kháng sâu bệnh tốt, để có thể nhân rộng mô hình thâm canh sản xuất.

Ra dư là giống lúa bản địa, phẩm chất gạo rất ngon, giá bán cao gấp hai đến ba lần so với các loại gạo thông thường, năng suất lúa đạt từ 26 tạ/héc ta đến 31tạ/héc ta. Ấy thế nhưng vì thời gian sinh trưởng dài ngày, năng suất thấp nên lúa ra dư ít được người dân địa phương trồng, diện tích trồng chỉ chiếm một phần ba trong tổng số 700 héc ta diện tích trồng lúa trên địa bàn.

Trước nguy cơ này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành tuyển chọn, khảo nghiệm nhằm phục tráng và hoàn thiện quy trình thâm canh giống lúa đặc sản ra dư, tạo điều kiện để các địa phương mở rộng diện tích…

Đến tháng 5-2020, đợt gieo lúa ra dư với diện tích lớn nhất đã khẳng định phục tráng thành công giống lúa đặc sản này. Hơn 100 hec ta lúa ra dư tại xã Hồng Thủy phát triển tốt. Bà Trần Thị Loan, Giám đốc HTX nông nghiệp Hồng Thủy, cho biết cùng với sự hỗ trợ của dự án Trường Sơn Xanh và nỗ lực của địa phương trong việc phục tráng giống lúa đặc sản bản địa, giống lúa ra dư đã được cấp chứng nhận hợp quy, đồng thời được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo ra dư – Hồng Thủy” vào tháng 5-2020.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, cho biết A Lưới có lợi thế trồng lúa cạn trên diện tích cây keo mới khai thác. Cây keo là cây cải tạo đất nên việc kết hợp trên rất hiệu quả, không cần phân, hóa chất bảo vệ thực vật. Hướng khai thác lợi thế trên phù hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch của khách hàng. Theo ông, với chu kỳ bốn năm khai thác, mỗi năm tại huyện khai thác và trồng mới 2.000 héc ta trên tổng diện tích 12.000 héc ta keo. Trong khi toàn huyện trồng 630-650 héc ta lúa cạn, trong đó lúa Ra dư chiếm khoảng 23-24% (150-200 héc ta), chủ yếu tại xã Hồng Thủy và một số xã như Quảng Nhâm, Hồng Vân, Hồng Bắc… nên vẫn còn diện tích có thể phát triển thêm lúa cạn.

Cùng với đó, một bước đi táo bạo là thay đổi tập quán canh tác của người dân cũng được thực hiện. Đầu năm 2017, trạm khuyến nông – lâm – ngư huyện A Lưới mạnh dạn đề xuất huyện triển khai thử nghiệm chuyển lúa ra dư từ vùng đồi xuống ruộng nước để mở rộng diện tích, cải thiện năng suất tại xã A Roàng. Lúc đầu triển khai cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong công tác vận động; nhiều hộ tuy tham gia mô hình nhưng lại muốn làm theo kinh nghiệm của bản thân, không hợp tác với cán bộ. Cán bộ khuyến nông phải kiên trì vận động, giải thích từng chút một, giúp người dân thay đổi nhận thức, nắm vững kỹ thuật.

“Lúa Ra dư quen sống trên nương rẫy. Mang về trồng dưới làng không biết có sống nổi không”, đó là nỗi băn khoăn của À Viết Cối, người Tà Ôi ở thôn A Ka, xã A Roàng. Nhưng rồi được cán bộ của trạm khuyến nông – lâm – ngư huyện A Lưới hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật (làm đất, bón phân, gieo hạt, làm cỏ, điều tiết nước ít hơn so với lúa thông thường…), ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm ba sào lúa Ra dư trên ruộng nước. Sau sáu tháng, lúa cho thu hoạch, năng suất đạt 30 tạ/héc ta, cao gấp rưỡi so với trồng trên đồi, nhưng thời gian sinh trưởng ngắn hơn một tháng, giảm chi phí, công chăm sóc. Thế là ông tự tin có thêm lựa chọn mới với giống “thóc thiêng” của dân tộc.

Có thương hiệu, lại có tiềm năng phát triển lúa ra dư, huyện A Lưới kết nối với tập đoàn Quế Lâm tiến tới sẽ có những ký kết hợp tác trong nhiều khâu, bao gồm cả bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản nhằm mở rộng đầu ra cho gạo Ra dư.

Đến nay, tổng diện tích lúa Ra dư được người Tà Ôi, Cơ Tu ở huyện A Lưới gieo cấy đạt gần 200 héc ta. Gạo Ra dư đã thơm ngon, lại có truyền thuyết hấp dẫn nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trung bình từ 80.000-100.000 đồng/ki lô gam, lúc thấp nhất cũng có giá 45.000 đồng/ ki lô gam, cao gấp hai đến ba lần các loại gạo bình thường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới