(KTSG Online) – Gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian gần đây và đã vượt mốc 550 đô la Mỹ/tấn. Đây là diễn biến mới nhất sau khi quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất các loại gạo trắng (trừ gạo Basmati) kể từ ngày 20-7 vừa qua.
- Doanh nghiệp gạo Việt thận trọng sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, vì sao?
- Việt Nam có bao nhiêu gạo dành cho chế biến và xuất khẩu năm 2023?
Ngày hôm qua, 26-7, mức chào giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc gạo 5% và 25% tấm so với ngày trước đó, đạt mức 548-552 đô la Mỹ/tấn đối với loại 5% tấm và 528-532 đô la Mỹ/tấn đối với loại 25% tấm, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).
Được biết, đây cũng là mức giá chào bán cao nhất mà các doanh nghiệp gạo Việt Nam đưa ra kể từ tháng 7-2021 đến nay.
Còn nếu so với thời điểm ngày 20-7, tức thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, thì giá chào bán của Việt Nam hiện đã tăng thêm 15 đô la Mỹ/tấn đối với cả phân khúc 5% và 25% tấm (ngày 20-7, gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam được chào bán lần lượt với mức giá 533-537 đô la Mỹ/tấn và 513-517 đô la Mỹ/tấn).
Trong khi đó, nếu so sánh với mức giá được thiết lập vào đầu năm 2023, thì hiện giá gạo 5% và 25% tấm được doanh nghiệp Việt Nam chào bán tăng khoảng 75 đô la Mỹ/tấn đối với cả phân khúc 5% và 25% tấm.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 539 đô la Mỹ/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giá bán cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 7-2021 đến nay.
Tuy nhiên, nếu so với các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, thì mức giá được ghi nhận vào ngày 26-7-2023 của Việt Nam đối với phân khúc 5% tấm vẫn thấp hơn 40 đô la Mỹ/tấn, nhưng cao hơn 6 đô la Mỹ/tấn đối với phân khúc gạo 25% tấm.
Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, khiến khách hàng nhập khẩu tập trung sang các nguồn cung khác, trong đó, có Việt Nam, làm giá gạo tăng cao.
Không chỉ giá xuất khẩu, giá lúa thị trường nội địa cũng khá sôi động và tiếp tục tăng 100-300 đồng/kg (tuỳ loại) so với mức giá được ghi nhận cách đây 4 ngày. Cụ thể, đạt mức 6.600-6.700 đồng/kg đối với lúa OM 380 (lúa tươi tại ruộng); IR 50404 có giá 6.900-7.000 đồng/kg; Nàng Hoa 8 có giá 7.200-7.300 đồng/kg; OM 18 đạt mức 7.100-7.200 đồng/kg; OM 4900 có giá từ 7.000-7.200 đồng/kg...
Theo báo cáo của VFA, luỹ đến đến ngày 15-7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,483 triệu tấn, trị giá đạt 2,39 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,48% về lượng và 28,04% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam cả năm nay sẽ đạt mức 6,3-6,5 triệu tấn, thậm chí cao hơn nếu nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu dồi dào.