(KTSG) - Xuất khẩu gạo đã có những bước đột phá. Kim ngạch xuất khẩu gạo nhanh chóng đạt tới 1 tỉ đô la, vươn lên 2 rồi 3 tỉ đô la Mỹ, vững vàng trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những vấn đề gợi lên nhiều suy nghĩ.
Về số lượng thì xuất khẩu gạo thuộc tốp 3 thế giới, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu nông phẩm. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng được cải thiện. Cách đây 20 năm, khoảng 80% gạo xuất khẩu của Việt Nam ở phân khúc thấp (loại 25% tấm), đến năm 2021 thì tỷ trọng gạo chất lượng cao đã cải thiện hơn, giá bán cũng cao hơn.
Việc tích tụ ruộng đất để tạo ra nền sản xuất lúa gạo lớn chưa thành đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất, phẩm cấp, giá thành lúa và giá xuất khẩu gạo. Tầng lớp khá giả vẫn ăn gạo Thái Lan. Đó là chưa nói hàng năm vào dịp Tết hoặc giáp hạt lại phải mở kho dự trữ gạo để trợ cấp cho nhiều người được tiếp cận với... cơm.
Việc điều hành xuất khẩu gạo cũng có nhiều vấn đề. Khi nhận ra một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam thua kém thiên hạ mặc dù hơn hẳn về số doanh nghiệp tham gia thị trường, Nghị định 109 ra đời nhằm điều chỉnh tình trạng này. Nghị định quy định các thương nhân được chọn là đầu mối xuất khẩu gạo phải có một số điều kiện, nhưng cũng đã bộc lộ không ít bất cập, doanh nghiệp có gạo thì không có khách hàng, doanh nghiệp có khách hàng thì lại không có gạo.
Trước tình thế đó, trong cao trào cải tiến thủ tục hành chính, Nghị định 107 ra đời, thay thế Nghị định 109. Theo đó, nghị định quy định không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa, cơ sở xay xát mà có thể đi thuê các cơ sở này... Mặt hàng gạo hữu cơ, gạo trắng, gạo tăng cường chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không cần giấy tờ, không chờ đủ lượng... Bãi bỏ một số thủ tục kiểm tra, thương nhân tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh...
Đây là cơ chế rất thoáng, nhờ vậy đầu năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu gạo lại tăng ngoạn mục. Tuy nhiên, một điểm đáng ngờ là Trung Quốc ồ ạt vét gạo Việt Nam. Vì thế lại “phanh” gấp. Doanh nghiệp một phen lao đao.
Một vấn đề nữa là: vào EVFTA, nhưng EU chỉ chấp nhận mua gạo Việt với số lượng chẳng bõ bèn mà lại lắm phiền toái. Việc phân bổ hạn ngạch đó không thuộc quyền Việt Nam mà EU “chia” cho các doanh nghiệp nhập khẩu của họ.
Riêng gạo thơm, EU mới cấp cho 23 chủng loại gạo thơm của Việt Nam, với hai điều kiện, (1) gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thông tin về diện tích, địa điểm trồng; (2) lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (tỷ lệ phần trăm số cây) không nhỏ hơn 95%.
Song khi thực hiện, chỉ riêng việc cấp giấy chứng nhận đảm bảo đúng giống gạo thơm đã gặp trục trặc nên doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, dù chỉ là hạn ngạch 30.000 tấn gạo thơm nói trên.
Gạo Việt Nam vào châu Á khoảng hai phần ba tổng lượng gạo xuất khẩu. Châu Phi thì gần 20%. Điều đó chứng tỏ phẩm cấp gạo Việt chủ yếu chỉ đáp ứng cho cấp độ tiêu dùng bình dân.
Việc xây dựng thương hiệu gạo cũng quá gập ghềnh. Đã 33 năm (từ 1989) gia nhập thị trường xuất khẩu gạo quốc tế, đến nay gạo Việt Nam vẫn chưa có chính danh. Đã 20 năm (từ 2003) khởi xướng Chương trình Thương hiệu quốc gia đến nay đã có hàng trăm loại hàng hóa - dịch vụ được công nhận là thương hiệu quốc gia, nhưng gạo thì chưa. Đã sáu năm (từ 2015), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nay, năm 2020 đã qua, thương hiệu cho gạo Việt vẫn xa vời vợi.
Cứ tưởng đoạt giải thương hiệu quốc tế lừng danh là xong. Cũng cứ tưởng ra lệnh về xây dựng thương hiệu gạo là việc sẽ thành. Càng tin có chương trình thương hiệu quốc gia là mặc nhiên gạo có thương hiệu quốc gia. Lại càng tin có truyền thống văn minh lúa nước, đồng bằng phì nhiêu, nông dân cần cù mọi thành công sẽ tới. Nhưng, chờ mãi...