(KTSG Online) - Trải qua hơn 3 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, không ít "trái ngọt" cũng đến với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, hành trình chinh phục thị trường “khó tính” này là con đường gập ghềnh với nhiều doanh nghiệp khi gam màu xám chiếm vị trí chủ đạo trong bức tranh nền kinh tế của khu vực này. Bên cạnh đó, các quy định mới được dựng lên cũng góp phần cản đường hàng hóa từ các nhà xuất khẩu Việt Nam.
- Để nhà sản xuất không đứng ngoài chuỗi cung ứng vùng nông nghiệp
- Nhiều mặt hàng xuất khẩu tận dụng được ưu đãi từ EVFTA
Bán thêm được nhiều hàng hóa, khó khăn cũng tăng lên
Hơn 3 năm EVFTA chính thức có hiệu lực (1-8-2020) đã mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Đáng chú ý, với Hiệp định này, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng những ưu đãi thuế quan, nỗ lực đầu tư công nghệ, cải thiện sản xuất đáp ứng các điều kiện cao để hàng hóa được đưa vào thị trường khu vực này nhiều hơn.
Cụ thể trong 2 năm đầu, dù bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, việc thực thi EVFTA vẫn đem lại kết quả khả quan. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm đầu thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt hơn 83 tỉ đô la Mỹ, tăng trưởng xấp xỉ 15% so với giai đoạn trước khi có hiệp định.
Đa số các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến hơn 200%; cà phê tăng 75,2%; hạt tiêu tăng trưởng 55,8%... Với các nhóm hàng truyền thống Việt Nam đã xuất khẩu mạnh sang EU từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia giày, đồ gỗ... mức tăng trưởng đạt khoảng 10-15%.
Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng năm 2022.
Từ góc độ của từng doanh nghiệp, thông tin từ kết quả khảo sát về EVFTA được đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI thông tin trước đó là tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất khả quan, với gần 41% doanh nghiệp cho biết đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.
Trong đó, lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận...
Về tổng thể, lãnh đạo Bộ Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận, trong 2 năm đầu thực thi EVFTA là xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.
"Chuyến tàu" EVFTA ngày càng được tăng tốc với cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ngày càng rộng mở thì bị ngăn lại bởi "màu xám" bao phủ kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao trong hơn một năm qua.
Đáng chú ý, nền kinh tế EU, ngay sau khi thoát đại dịch Covid-19, tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này khiến hoạt động tăng trưởng bị chậm lại đáng kể, lạm phát tăng cao và các giai đoạn căng thẳng tài chính trở thành hiện thực.
Cùng với khó khăn đó, người dân EU trong hơn một năm qua đã thắt chặt "hầu bao", hạn chế chi tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này bị sụt giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó khăn vì thiếu hoặc không có việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau gần 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã có sự tăng trưởng nhất định, với mức 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022. Tuy nhiên, thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường EU chỉ chiếm khoảng 2%.
Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong cùng thời gian trên, giá trị xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện vào thị trường này giảm 28,9%, thủy hải sản giảm 27,9%, giày dép giảm 15,4%, dệt may giảm 9,3%,...
Người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu
Có thể nói, kinh tế toàn cầu suy giảm sâu và lạm phát tăng cao gây nỗi ám ảnh đối với kinh tế thế giới. Các nước thuộc khu vực EU và nhiều nước khác phải gánh chịu mức lạm phát cao nhất trong mấy thập kỷ qua, làm giảm sức mua và thay đổi cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. Tổng cầu kinh tế thế giới và các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm.
Các doanh nghiệp cho biết do hàng hóa tiêu thụ không được nên các nhà mua hàng giảm mạnh đơn đặt hàng, dẫn đến hàng hóa sản xuất cho thị trường khu vực này sụt giảm đến 50%, thậm chí có doanh nghiệp sụt giảm 70-80%.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt (Viet Products), từ giữa năm ngoái đến nay, đơn hàng xuất khẩu vào thị trường các nước ở khu vực này bị giảm hơn 50%. Thậm chí có nhà nhập khẩu không đặt hàng trong thời gian dài.
"Mùa bán hàng dịp lễ hội và mua sắm cuối năm sắp đến, các nhà nhập khẩu rục rịch đặt hàng trở lại nhưng số lượng rất thấp. Thị trường tiêu thụ khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài", ông Sang nói.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, đánh giá dù sắp đến mùa giáng sinh và cuối năm nhưng lượng đơn hàng rất thấp, chưa thấy có dấu hiệu tốt hơn.
Hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc nhiều lĩnh vực cũng cho biết đơn hàng dù đang có xu hướng rục rịch trở lại nhưng còn rất thấp.
Tương tự, ngày 4-8 vừa qua, Cơ quan Thống kê châu Âu công bố chỉ số bán lẻ, theo đó, khối lượng hàng hoá bán lẻ khu vực này tiếp tục sụt giảm trong tháng 6. Dữ liệu đầy đủ về doanh số bán lẻ cho thấy, người tiêu dùng châu Âu tiếp tục thất chặt chi tiêu.
Trong tháng 6, khối lượng giao dịch bán lẻ so với tháng sát trước đã giảm 0,3% trong khối Eurozone, còn tính cả 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, mức sụt giảm là 0,2%, nhu cầu tiêu dùng đang rất yếu.
Tương tự, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực EU (Eurozone), do Ngân hàng Hamburg Commercial Bank của Đức phối hợp với S&P Global tổng hợp, cho thấy giảm xuống mức 48,9 trong tháng 7 so với mức 49,9 trong tháng 6.
PMI vốn được coi là “thước đo sức khỏe” nền kinh tế và một nền kinh tế chỉ được công nhận tăng trưởng khi chỉ số này vượt ngưỡng 50 điểm. Do vậy, chỉ số PMI nêu trên là chỉ dấu đáng quan ngại của kinh tế Eurozone nói riêng, châu Âu nói chung.
Thực tế này phản ánh kinh tế Lục địa già đang tiếp tục đi theo chiều hướng suy giảm trong những tháng tới do ngành dịch vụ đang mất đà tăng trưởng.
Một chỉ dấu nữa cho thấy sự “ốm yếu” của nền kinh tế khu vực này là nhu cầu vay vốn trong Eurozone giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố kết quả khảo sát theo quí cho thấy nhu cầu đi vay của các doanh nghiệp trong Eurozone đã giảm sâu. Trong bối cảnh thị trường bất động sản suy yếu, các ngân hàng trong Eurozone cũng báo cáo nhu cầu vay mua nhà trong quí 2 giảm dù mức giảm ít hơn các quí trước đó. Khảo sát cũng cho thấy việc các hộ gia đình trong Eurozone ngày càng bi quan cũng làm giảm nhu cầu tín dụng tiêu dùng.
Với những dữ liệu trên có thể thấy sự suy yếu của thị trường khu vực này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Và "rào cản" bởi các quy định mới
Trước thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường EU đã rất nỗ lực đầu tư máy móc thiết bị, cải thiện sản xuất và nguồn cung ứng... để có thể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn cao liên quan đến môi trường, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, thị trường khó khăn vì xung đột giữa Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát tăng cao, khó khăn kinh tế,… khiến nhiều quốc gia, nhất là khu vực EU đã đưa thêm các quy định siết chặt nhập khẩu, dựng hàng rào phi thuế quan khắt khe hơn.
Đó là việc thiết lập các hàng rào về tiêu chuẩn xanh, sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đến môi trường,… khiến doanh nghiệp đã khó còn khó hơn.
Đơn cử như quy định gần đây, để được phép bán sang khu vực này các mặt hàng như ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su, gỗ…, các công ty bên ngoài phải cung cấp bằng chứng chúng không được trồng trên đất rừng bị phá.
Điều này đòi hỏi các ngành thuộc các nhóm hàng trên cần đánh giá chuỗi cung ứng liên quan để đảm bảo rằng nguồn cung ứng các mặt hàng hoặc nguyên liệu không liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng. Các chuyên gia cho rằng đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp hiện nay.
Mặt khác, việc tuân thủ quy định mới đòi hỏi truy xuất nguồn gốc đầy đủ đối với các chuỗi sản xuất nông nghiệp đầy phức tạp, một nhiệm vụ có thể gây tốn kém nhiều.
Hoặc với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm, các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực này.
Hay theo thông tin từ Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), liên quan đến dư lượng hoá chất trong nông sản, EU đã đưa ra quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) về dư lượng hoá chất có trong thực phẩm.
Quy định này có hiệu lực từ 26-9-2023 và áp dụng trên các sản phẩm nông sản như rau, củ quả tươi và đông lạnh, nhóm các loại hạt như hạt điều, cà phê…. Trong khi đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này.
Trên thực tế việc “xuất hiện” thêm những quy định mới như trên dẫn đến rào cản và thách thức rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, đi vào các thị trường yêu cầu rất cao như thị trường EU.
Đã có không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó từ các rào cản kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, bao bì xanh… khiến các ưu đãi từ FTA chưa được phát huy tối đa.
Có thể thấy trong bối cảnh tình hình thị trường rất khó khăn và cầu thế giới sụt giảm thì các nước nhập khẩu như Eurozone ngày càng khắc khe với hàng hóa nhập khẩu, đưa ra những quy định khó khăn hơn với nhà xuất khẩu.
Tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu diễn ra ở TPHCM vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cũng lưu ý hiện nay, nhiều nước phát triển đã đặt ra các tiêu chuẩn cao trong nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, như đảm bảo chuyển đổi năng lượng xanh – sạch; sản xuất carbon thấp…
“Những chính sách mới nghe rất nhân văn nhưng đây là luật chơi mới trong cuộc đua không cân sức. Họ đã đi trước chúng ta xa và có điều kiện hơn rất nhiều”, ông Diên nói.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin, hoặc không nắm được thông tin chính xác và kịp thời về các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu và điều kiện liên quan đến môi trường của EU, do vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Nhận định sau 3 năm EVFTA có hiệu lực, Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên, cho rằng giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu được từ hoạt động xuất khẩu vẫn còn hạn chế do thương hiệu Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại các nước châu Âu. Dù một số doanh nghiệp đã tham gia vào việc chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sang EU, nhưng hầu hết vẫn chỉ là gia công hàng hóa cho các đối tác nước ngoài.
Có thể thấy cơ hội và uy tín của Việt Nam khi tham gia Hiệp định EVFTA là rất lớn, nhưng chuyến tàu này cũng lắm thách thức và không khỏi "gập ghềnh" với nhiều doanh nghiệp khi mà "luật chơi" ngày càng khó hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy, kịp thời thích ứng mới có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh khi kinh tế thế giới nói chung và khu vực EU phục hồi trở lại.
Để tận dụng cơ hội, ứng phó với những thách thức mà EVFTA mang lại, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động; Tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA...
"Nhìn chung, dư địa và cơ hội từ thị trường EU vẫn rất lớn", Tiến sĩ Nguyễn Thái Chuyên, Giảng viên Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT nói, và cho rằng: "Châu Âu là một thị trường khó tính với tiêu chuẩn hàng hoá rất khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường cần phải có nỗ lực thay đổi, thích ứng và được hỗ trợ từ các cơ quan quản lý".
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của EU trong châu Á và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhà sản xuất trong nước hiện nay.