Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gấp rút gieo sạ, cung-cầu lúa gạo bị ‘quá tải’?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lúa đông xuân 2023-2024 đồng loạt “bể đồng” khiến nguồn cung bên bán tăng cao, trong khi hạ tầng và phương tiện của bên mua chưa đáp ứng. Điều này đã dẫn đến nhiều “hệ luỵ” trong ngành hàng lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những ngày qua, thậm chí là lý do khiến các nhà nhập khẩu “ép giá” doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Lúa của nông dân bị "ngâm" đến ngày thứ 3 vẫn chưa được lái đến cân như cam kết. Ảnh: Trung Chánh

Nông dân bị ép giảm giá, doanh nghiệp mang nợ!

Ông Nguyễn Văn Cọp, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, một nông dân có hơn 5 héc ta sản xuất, cho biết, thông qua môi giới, ông đã nhận tiền cọc bán lúa cho một công ty lương thực ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ với thoả thuận giá bán là 8.500 đồng/kg (lúa tươi, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp- PV) đối với giống Đài Thơm 8, nhận trước tiền cọc đảm bảo thực hiện là 4 triệu đồng/héc ta.

Theo ông Cọp, đến thời điểm lúa thu hoạch, ông và nhiều hộ nông dân khác (cùng bán lúa cho doanh nghiệp nêu trên) đồng ý giảm 200 đồng/kg, xuống còn 8.300 đồng/kg khi đại diện phía công ty yêu cầu giảm. “Dù giảm giá theo yêu cầu, nhưng họ vẫn trì hoãn, “ngâm” lúa của nông dân rất nhiều ngày”, ông cho biết và dẫn chứng máy vào thu hoạch trễ hơn so với cam kết 3 ngày, trong khi lúa sau khi thu hoạch bị cân trễ đến 4 ngày.

Ông Cọp nói rằng việc bị “neo” trên đồng quá ngày thu hoạch khiến lúa khô bông, hao hụt khá nhiều, trong khi lúa sau khi thu hoạch cân trễ cũng khiến nông dân thua thiệt. “Ở đây có một trường hợp, 10 tấn lúa cân bán cho người này nhưng họ không có tiền mặt thanh toán, cho nên nông dân đã bán cho người khác lấy tiền mặt vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, qua một đêm, 10 tấn lúa khi cân lại mất 200 kg”, ông Cọp dẫn chứng.

Tình trạng lúa thu hoạch và cân chậm trễ như nêu trên cũng xảy ra đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết, mức giá phía doanh nghiệp yêu cầu bà và nhiều hộ nông dân khác cùng bán giảm đến 500 đồng/kg đối với giống Đài Thơm 8, tức còn 8.000 đồng/kg so với mức 8.500 đồng/kg được thoả thuận khi nhận tiền cọc.

Bà Tuyết cho biết, có một số hộ nông dân không chấp nhận giảm giá, quyết định bán cho đơn vị khác. “Mấy ông không chịu giảm, bán cho lái khác được 8.300 đồng/kg”, bà nói.

Tuy nhiên, theo ông Cọp, vấn đề khiến hàng trăm hộ nông dân trong khu vực kéo đến nhà máy của doanh nghiệp hôm 4-3-2024, đó là do doanh nghiệp không thực hiện thanh toán tiền lúa như thoả thuận. “Điều khoản thanh toán của thoả thuận mua bán là tiền mặt”, ông Cọp cho biết và thông tin lúa vụ hè thu 2024 nông dân sạ đã lên xanh nhưng vẫn chưa nhận được thanh toán tiền của vụ đông xuân, dù phía công ty đã ít nhất hai lần cam kết thanh toán.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, đối với những trường hợp doanh nghiệp có đầu tư thuốc cho nông dân thì họ thực hiện đúng cam kết về giá thu mua, tuy nhiên tình trạng nợ tiền cũng như chậm trễ trong cân lúa xảy ra phổ biến.

Ông Phan Văn Quân, ngụ ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết, những trường hợp có nhận đầu tư thuốc sẽ được công ty mua với mức giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg, nếu bán lúa cho công ty.

Theo ông, phía công ty cho nông dân có sự lựa chọn, tức có quyền bán ra bên ngoài hoặc bán cho công ty. “Bán cho công ty, nếu giá thị trường là 7.000 đồng/kg thì họ mua cho mình 7.200 đồng/kg, tức trợ giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg”, ông Quân nói. Đối với trường hợp của ông, công ty định giá mua là 8.400 đồng/kg và trợ giá thêm 200 đồng/kg, tức đạt mức giá 8.600 đồng/kg.

Ông Quân cho biết, phía công ty thực hiện đúng cam kết, tức không xin giảm giá như đối với những trường hợp “không đầu tư thuốc đầu vụ”. “Nhưng tiền mua lúa đến nay họ vẫn chưa thanh toán”, ông nói. Công ty đã 3 lần “hứa” thanh toán, nhưng vẫn còn nợ tiền.

Theo ông, việc thiếu máy thu hoạch cũng như ghe vận chuyển khiến tình trạng nông dân bị “ngâm” lúa diễn ra khắp nơi.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Phong, doanh nghiệp Vạn Lợi, cũng thừa nhận tình trạng thiếu hụt phương tiện vận chuyển, quá tải hạ tầng phơi sấy diễn ra khắp nơi, khiến việc thu mua sản phẩm cho người nông dân bị chậm trễ.

Nguồn cung lúa gạo tăng cao trong một thời gian ngắn, trong khi hạ tầng phục vụ không đáp ứng, không chỉ khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm mạnh như thời gian qua, mà đây cũng là một trong những yếu tố để các đối tác nhập khẩu “đè” giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam như thực tế đang diễn ra.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho rằng một trong những lý do khiến giá lúa gạo thị trường nội địa sụt giảm mạnh là do nguồn cung trong nước tăng nhanh khi bước vào thu hoạch rộ.

Gạo về đến bến nhưng phải nằm chờ 1-2 ngày để đến lượt nhập kho. Ảnh: Trung Chánh

Điều tiết sản xuất phù hợp

Việc “quá tải” về nguồn cung đặt ra vấn đề cần thiết phải tính lại phương án phân bổ thời gian sản xuất cho phù hợp nhằm tránh tình trạng như nêu trên.

Thực tế, tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, do lo ngại diễn biến phức tạp của hạn, xâm nhập mặn, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu khu vực ven biển của các địa phương vùng ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang tập trung xuống giống đợt 1 khoảng 375.000 héc ta (chiếm gần 25% tổng diện tích vụ đông xuân- PV) chỉ trong 20 ngày (từ ngày 10 đến 30-10-2023).

Khoảng 46% diện tích lúa vụ đông xuân của ĐBSCL, tương đương khoảng 700.000 héc ta khác cũng được chỉ đạo gấp rút xuống giống trong 30 ngày của tháng 11-2023 (đợt 2), và khoảng 400.000 héc ta (26% diện tích lúa đông xuân của ĐBSCL) được chỉ đạo xuống giống trong 30 ngày của tháng 12-2023 (đợt 3).

Trong khi đó, số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt hiện tại cho thấy, bình quân năng suất vụ đông xuân 2023-2024 (đối với phần diện tích đã thu hoạch- PV) của vùng ĐBSCL đạt 6,25 tấn/héc ta. Điều này có nghĩa, trong khoảng 20 ngày đầu đợt 1 có khoảng 2,34 triệu tấn lúa được cung cấp ra, tức mỗi ngày có gần 117.200 tấn lúa; 30 ngày đợt 2 có 4,37 triệu tấn lúa được cung cấp, tương đương gần 146.000 tấn lúa mỗi ngày.

Riêng đợt 3, lượng lúa cung cấp ra tuy có ít hơn so với đợt 1 và 2, nhưng mỗi ngày cũng có khoảng 83.300 tấn lúa được cung cấp (2,5 triệu tấn lúa được cung cấp trong 30 ngày- PV).

Còn nếu tính cả lượng lúa đã được mua về từ Campuchia thì con số còn lớn hơn. Bởi lẽ, số liệu báo cáo của Liên đoàn lúa gạo Campuchia cho biết, chỉ trong tháng 1-2024, đã có khoảng 600.000 tấn lúa được bán sang Việt Nam, tương đương có 20.000 tấn đưa sang Việt Nam mỗi ngày trong tháng đầu năm.

Từ thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng việc tính toán lại chuyện phân bổ thời gian gieo sạ để điều tiết nguồn cung cho phù hợp nhằm tránh trình trạng quá tải dẫn đến giá lúa gạo sụt giảm, nhất là tránh bị các nước nhập khẩu “đè” giá, là điều cần quan tâm và có giải pháp trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới