Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 đô la Mỹ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam đạt 4.284 đô la Mỹ, còn cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 đô la Mỹ. Song, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỉ đô la Mỹ.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 11-1

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 11-1, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI. Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỉ đô la Mỹ với hàng loạt dự án chất lượng cao. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58%.

Cũng phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong đầu tư công, đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún; cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng.

Trong quy hoạch, loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.

“Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05%, mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực,” ông Dũng nói.

Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực nhưng là năm thứ ba liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và chiến lược 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 đô la Mỹ, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 đô la Mỹ. Do vậy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Cùng với đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ “dân số vàng”...

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2024 sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. bộ sẽ tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài.

2 BÌNH LUẬN

  1. Với GDP như vậy, quá sốt ruột. Cuối năm, tổng kết, báo cáo thành tích, vạch ra mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng… hoành tráng. Nhưng có một nội dung ít được/ hoặc thường né tránh thảo luận công khai từ các cơ quan chủ quản bộ ngành. Đó là tiến độ và chất lượng cải cách nền hành chính quốc gia. Đây là khâu đột phá, xung yếu nhất, khó cải biến về nhận thức điều hành nhất, trong chiến lược đổi mới, thúc đẩy tính năng động, sáng tạo từ địa phương, cơ sở, tạo động lực phát triển nhanh hơn nữa. Cần quyết liệt cải tổ câu chuyện này thì mới mong với đến mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 15.000 USD, hội đủ tư thế và tầm vóc để ngồi cùng mâm, đứng nói chuyện làm ăn với nhóm “Các nước thu nhập cao/ phát triển”

  2. Bốn vấn đề then chốt 1. Nguồn lực, 2. Động lực, 3. Nội lực, 4. Toàn lực. Kiểm điểm lại, ta còn rất nhiều nguồn lực (nhân/ tài/ vật lực) chưa được khai phá, phát huy hết tiềm năng, thậm chí còn đang bị đóng băng/ lãng phí… rất nhiều. Nếu không có chính sách kích hoạt, khởi động lại hợp lý thì sẽ không tạo đủ tiền đề để đưa nền kinh tế cất cánh. Động lực phải đến từ tư duy và cơ chế chính sách điều hành thông thoáng, khả thi, làm bật dậy mọi sức mạnh đang ở thế tiềm ẩn. Phải có giải pháp phát huy đầy đủ nội lực, làm nền tảng để sử dụng có hiệu quả ngoại lực, nếu không ta mãi chỉ là người làm thuê, bán mướn mà thôi. Cuối cùng, toàn lực chính là yếu tố quyết định. Khi lòng dân và sức dân được huy động tối đa, khi đó mới có thể tạo được thành tựu rực rỡ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới