(KTSG Online) – Đầu tư của khu vực tư nhân để chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh ở Đông Nam Á tăng 20% lên 6,3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023, theo một báo cáo chung của hãng tư vấn quản lý Bain và Temasek, tập đoàn đầu tư toàn cầu của chính phủ Singapore. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn còn quá chậm so với con số đầu tư cần thiết 1.500 tỉ đô la vào năm 2030 để giúp khu vực đạt các mục tiêu giảm khí thải nhà kính.
- Vốn xanh chảy chậm chờ cơ chế
- Tiềm năng của của hệ sinh thái ‘carbon xanh’ ở Đông Nam Á đang bị lãng phí
Đầu tư xanh thiếu hụt lớn so với nhu cầu cần thiết
Báo cáo của Bain và Temasek công bố hôm 15-4 ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư xanh nói trên ở ASEAN đánh dấu sự cải thiện sau khi suy giảm trong 2 năm liên tiếp từ năm 2021 đến 2022.
Dale Hardcastle, cố vấn quản lý của Bain, cho rằng sự cải thiện này là nhờ xuất hiện của tài chính đổi mới, cũng như sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp đối với các cơ hội năng lượng xanh.
Theo Hardcastle, mối quan tâm mới đối với xe điện cũng như nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu là những yếu tố khác góp phần thúc đẩy đầu tư xanh.
Báo cáo của Bain và Temasek cho biết, đối với ASEAN, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, vẫn là chủ đề đầu tư xanh lớn nhất trong năm 2023. Bên cạnh đó, đầu tư xanh trong khu vực được củng cố nhờ sự gia tăng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu xanh ở Malaysia và Singapore, cũng như các dự án quản lý chất thải theo hướng xử lý nước và tái chế nhựa trong khu vực.
Tuy nhiên, mức đầu tư xanh trong năm 2023 vẫn còn thấp so với mức 1,5 nghìn tỉ đô la cần thiết để tài trợ cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế xanh của Đông Nam Á vào năm 2030. Tính từ năm 2021 đến nay, chỉ có 45 tỉ đô la đầu tư xanh tích lũy từ cả khu vực công lẫn tư nhân.
Các chính phủ trong khu vực đã cam kết cắt giảm 32% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu quốc gia, hay còn được gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), một kế hoạch hành động khí hậu nhằm cắt giảm khí thải nhà kính và thích ứng với các tác động của khí hậu. Mỗi bên tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris được yêu cầu thiết lập NDC và cập nhật NDC 5 năm một lần.
Cam kết trên có nghĩa là ASEAN cần phải cắt giảm phát thải 2,4 tỉ tấn khí carbon từ mức 7,3 tỉ tấn khí thải dự báo vào năm 2030.
Để đẩy nhanh tốc độ khử carbon trong khu vực, báo cáo của Bain và Temasek xác định 13 cơ hội đầu tư có thể tạo ra thêm 150 tỉ đô la Mỹ doanh thu hàng năm vào năm 2030, đồng thời giúp giảm 1.000 tấn khí thải carbon.
13 cơ hội này nằm ở các lĩnh vực từ nông nghiệp đến bất động sản. Chúng bao gồm các ý tưởng như nông nghiệp tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió quy mô lớn, cũng như xe điện và cơ sở hạ tầng trạm sạc.
Các tác giả của báo cáo đã xem xét hơn 100 ý tưởng có thể đầu tư để khử carbon ở Đông Nam Á và chọn ra 13 ý tưởng dựa trên tác động cao và tính khả thi của chúng.
GDP tăng thêm 5% nếu tận dụng đầy đủ tiềm năng kinh tế xanh
Ngoài 13 ý tưởng ưu tiên nói trên, báo cáo ước tính tiềm năng kinh tế xanh của Đông Nam Á nếu được tận dụng đầy đủ có thể tạo ra thêm doanh thu hàng năm 300 tỉ đô la vào năm 2030. Con số này tương đương 5% GDP của khu vực vào thời điểm đó.
Các dự án đầu tư xanh dựa vào thiên nhiên và nông nghiệp, giao thông vận tải và sản xuất điện chiếm 220 tỉ đô la trong con số doanh thu tăng thêm tiềm năng này.
Ví dụ, đầu tư vào trồng lúa bền vững có thể cắt giảm việc sử dụng nước và phát thải khí mê-tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên như bảo vệ rừng nhiệt đới và trồng lại rừng ngập mặn có thể giúp hấp thụ lượng khí thải carbon đang làm nóng hành tinh, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương vì rừng ngập mặn là nơi nuôi thủy sản lý tưởng và giúp bảo vệ bờ biển trước các trận bão.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô vốn đầu tư xanh ở Đông Nam Á đang bị hạn chế vì nhiều yếu tố. Vấn đề lớn hiện nay là lợi nhuận tính theo rủi ro của các khoản đầu tư xanh thấp hơn những gì nhà đầu tư thường mong đợi. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại rủi ro ở các thị trường mới nổi liên quan đến ổn định chính trị, biến động tiền tệ và độ sâu của thị trường vốn.
Những thách thức khác bao gồm nhu cầu kép, vừa phát triển kinh tế đồng thời vừa khử carbon, sự phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, cũng như thiếu chương trình trợ cấp chống biến khí hậu quy mô lớn, chẳng hạn như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, cung cấp khoản trợ cấp trị giá 369 tỉ đô la Mỹ cho các dự án phát triển công nghệ và năng lượng sạch.
Báo cáo của Bain và Temasek đã đề xuất một số giải pháp để mở rộng quy mô đầu tư xanh vào Đông Nam Á. Báo cáo kêu gọi các chính phủ trong khu vực nên ưu tiên đầu xanh ở các lĩnh vực mà họ có lợi thế chiến lược hoặc có nhu cầu ngay lập tức. Họ cũng cần phát triển thị trường carbon nội địa và thiết lập một số tiêu chuẩn chung về thị trường này trong khu vực. Báo cáo đề xuất các chính phủ triển khai năng lượng tái tạo ở các cụm công nghiệp xanh, hợp tác xây dựng hạ tầng lưới điện và năng lượng tái tạo xuyên biên giới.
Báo cáo cũng xếp hạng tiến trình khử carbon của 10 nước thành viên ASEAN bằng cách đánh giá các số liệu như các mục tiêu, khung pháp lý hỗ trợ lộ trình giảm phát thải và hướng đến nỗ lực đưa phát thải carbon ròng về mức zero (Net – Zero).
Báo cáo ghi nhận Việt Nam đạt được tiến bộ lớn nhất về chỉ số nền kinh tế xanh trong năm 2023, với tổng điểm là 38, tăng 5 điểm so với năm 2022. Việc chính phủ Việt Nam thiết lập mục tiêu Net - Zero vào năm 2050 đóng góp lớn nhất cho cải thiện điểm số này.
Trong khi đó, chỉ số nền kinh tế xanh của Singapore trong năm ngoái tăng 4 điểm lên 55. Hiện nay, Singapore đứng đầu khu vực về chỉ số nền kinh tế tổng thể. Malaysia đứng thứ hai với 43 điểm, còn Indonesia bám sát phía sau với 41 điểm.
Theo báo cáo, nhìn chung, ASEAN đạt được tiến bộ về nền kinh tế xanh khi ngày càng có nhiều nước trong khu vực thiết lập lộ trình Net – Zero và nhiều công ty đặt ra mục tiêu Net - Zero. Hầu hết các nước ASEAN đều đang giảm dần nạn phá rừng.
Theo Business Times, Straits Times