Thứ năm, 8/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ghen có phải là yêu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ghen có phải là yêu?

Chân Nhân

minh họa: Khều.

(TBKTSG) - Hôm qua trong lúc trà dư tửu hậu, anh bạn tôi cười buồn hỏi tôi: “Ghen có phải là yêu không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì anh ta nói thêm: “Bà xã mình ghen quá, khi nào cũng bảo vì yêu nên mới ghen”. Vấn đề đặt ra hơi đột ngột, nhưng tôi cũng cố gắng trả lời thắc mắc của bạn mình, rồi ghi lại đây như một lời bàn mà đúng sai có thể sẽ phải tranh luận tiếp!

Theo tôi có bốn bối cảnh chủ yếu để ghen. Bối cảnh thứ nhất: đây là dạng tình yêu chân chính, tình yêu lớn, tình yêu không có tính chiếm hữu, chiếm đoạt mà là sự dâng hiến, hy sinh. Những người này có tâm hồn cao thượng.

Thường họ giới thiệu đối tượng của mình với mọi người rằng: “Đây là người tôi yêu”. Khi nói rằng “đây là người tôi yêu” thì câu nói này hoàn toàn không có ý nghĩa của sự chiếm đoạt, chiếm hữu, mà nói lên tình yêu là sự dâng hiến. Những người này ngay cả khi biết người yêu, hay vợ (chồng) của mình không còn yêu mình nữa, đã yêu người khác thì dù rất đau khổ, cũng không bao giờ làm tổn thương vợ (chồng) hay người mình yêu. Độc đáo hơn nữa là họ làm mọi chuyện để cho người mình yêu được hạnh phúc. Ngay cả chuyện chia tay hay ly hôn, sẽ được giải quyết một cách êm thắm đầy nghĩa tình. Đây không phải là chuyện mơ mộng, lý thuyết viển vông đâu. Trên thực tế, dĩ nhiên là hiếm thôi, nhưng chúng ta đã gặp những người sống với tình yêu cao thượng như vậy, dù mất người yêu nhưng họ không ghen tuông theo kiểu đời thường. Bối cảnh này là rất yêu mà không ghen!

Bối cảnh thứ hai. Hai người đã từng yêu nhau, có thể đã thành vợ thành chồng, nhưng sau đó không còn yêu nhau, dù có thể vẫn còn sống chung với nhau. Tuy nhiên, nếu người vợ (chồng) hay người mình đã từng yêu, có một tình yêu khác, thì mình dù chẳng còn yêu thương gì nữa, vẫn ghen, đôi khi ghen rất dữ dội. Sự ghen tuông này xuất phát từ lòng ích kỷ, căm hờn muốn trả thù cho bõ ghét. Bối cảnh này là không yêu mà ghen!

Bối cảnh thứ ba. Đây là dạng tình yêu và ghen tuông phổ biến đối với mọi người. Những người này khi giới thiệu về người mình yêu thì nói rằng “đây là người yêu của tôi, vợ (chồng) của tôi...”. Khi nói đến chữ “của tôi” là nói đến sự tư hữu và đã là tư hữu, là của tôi thì không được mất. Hoặc sự mất, còn, phải do tôi quyết định, hễ ai đụng vào là tôi sẽ chết sống để ngăn chặn. Chính vì vậy khi người yêu hay vợ (chồng) của mình có tình ý gì với ai khác, thì sẽ sinh lòng ghen tuông. Dĩ nhiên hành động ghen này được thực hiện với nhiều cấp độ khác nhau. Cấp độ nhẹ nhàng, vừa phải hoặc dữ dội như đánh ghen, hành hạ, trả thù những người liên quan cho hả dạ. Đôi khi gây ra tội ác và hối hận thì đã muộn. Đây là phản ứng ghen tuông đời thường nhất của con người, bắt nguồn từ một tình yêu sở hữu, chiếm hữu. Bối cảnh này là còn yêu và ghen!

Bối cảnh thứ tư. Đây là sự ghen tuông do bệnh lý, có những người bị bệnh hoang tưởng ghen tuông, bất cứ một hoàn cảnh nào họ cũng có thể ghen với vợ (chồng), hoặc người yêu của mình. Ghen một cách vô cớ, vô lý, không có lý do thực. Chính họ tự dựng bối cảnh ghen tuông trong đầu mình, trong suy nghĩ của mình, rồi biến những tình huống đó thành sự thực. Để rồi ghen, đôi khi ghen một cách dữ dội, có thể xâm hại đến sức khỏe của đối tượng bị ghen. Một số trường hợp hoang tưởng ghen tuông nặng, có thể gây một trận cuồng sát rất kinh khủng.

Nói tóm lại có thể yêu rất nhiều mà không ghen, có thể chẳng còn yêu gì nữa mà lại ghen, có thể còn yêu và ghen và cuối cùng có thể ghen do bệnh tật (hoang tưởng ghen tuông). Trừ trường hợp ghen do bệnh lý, còn những bối cảnh khác, khi cơn ghen nổi lên, nếu không có một cơ sở đạo đức vững chắc và lòng nhân hậu, con người sẽ mù quáng, và cơn giận dữ sẽ đưa đến những hành vi không thể lường trước, đôi khi giống như điên dại vậy. Người mang danh trí thức, có khi ghen nhưng không thể hiện ở sự bạo hành ồn ào (bởi vì họ sợ ảnh hưởng đến thanh danh của bản thân, của gia đình). Họ âm thầm hành hạ, mắng chửi, đay nghiến, trả thù bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, tinh vi, làm cho đối tượng suy sụp dần cả về tinh thần lẫn thể chất.

Ghen tuông là một cảm xúc bản năng. Tuy nhiên nếu không có được một tâm hồn cao thượng, thì chúng ta cũng phải cố gắng bằng cách nào đó, phả vào cơn ghen một chút lý trí, chút lòng bi mẫn, để có thể kiềm chế bớt sự giận dữ, cuồng nộ trong cơn ghen. Bởi vì ranh giới giữa ghen tuông bình thường, chấp nhận được, với khuynh hướng ghen tuông dẫn đến tội ác, để bị biến thành tội đồ, là rất mong manh!

Tôi khuyên bạn “hãy về suy xét lại cho kỹ, xem bà xã của mình ghen tuông thuộc loại nào? Nếu thuộc về ba bối cảnh đầu, thì tùy từng loại mà tìm cách tháo gỡ, sao cho nó ngọt ngào, êm thắm. Nếu rơi vào bối cảnh cuối (thứ tư), lập tức phải đem bà xã đi khám bệnh với chuyên gia về tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xóa dần những hoang tưởng ấy đi. Vẫn với nụ cười buồn, anh bạn gật đầu đồng ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới