Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Già bao nhiêu thì nên nghỉ ngơi?

Lê Cường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những quốc gia có dân số già hoặc đang già luôn lo lắng bởi nhiều nỗi. Vấn đề an sinh xã hội sẽ phải giải quyết ra sao? Tìm đâu nguồn lực lao động bổ sung khi độ tuổi trung bình của dân số ngày càng tăng? Làm sao để không lâm vào cảnh chưa giàu đã già? Nhưng còn một nỗi lo mà chính người già mới thấu hiểu hơn ai hết, đó là mình sẽ làm gì khi đến tuổi nghỉ hưu để cho cuộc sống bớt tẻ nhạt, có ý nghĩa và có niềm vui nếu không phải để kiếm thêm thu nhập bổ sung chi phí sinh hoạt?

Nhu cầu làm việc cũng giống như nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được nói chuyện cùng nhau. Đã quen với việc đi làm mấy mươi năm, nay còn sống sờ sờ ra đó mà không làm gì nữa thì chỉ nỗi buồn thôi cũng đủ khiến người ta chết sớm chứ chưa nói đến bệnh tật. Nên người già nếu còn sức khỏe để làm việc, ai cũng muốn có công việc gì đó phù hợp để cơ thể và đầu óc vận động, để cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi, cũng chính là để cân bằng cuộc sống.

Những người làm việc quên tuổi tác ở nước ngoài rất nhiều. Có những tỉ phú làm việc đến lúc 70, 80 tuổi, và họ có ý định làm việc đến hơi thở cuối cùng, mặc dù họ không thiếu tiền, mặc dù họ đã là tỉ phú mấy mươi năm rồi. Ở trong nước cũng vậy, có nhiều người nổi tiếng, tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài làm việc, có thể là công việc thiện nguyện hoặc trong hội đoàn, hoặc dự án do họ thành lập. Họ không muốn trở thành ông/bà già ngồi ở xó nhà! Đó cũng là câu trả lời mà một nghệ sĩ nhân dân đã nói với con của chị khi được con vận động nghỉ đi làm từ thiện vì tuổi cao, sức yếu.

Làm việc mang lại niềm vui, cho dù người làm việc đó ở lứa tuổi nào. Bên cạnh đó, làm việc sẽ mang đến những giá trị cho cuộc sống, làm tăng của cải cho xã hội cũng chính là làm giàu cho xã hội. Có việc để làm, người già sẽ cảm thấy mình còn khỏe, còn có ích và cảm thấy mình trẻ lại, suy nghĩ tích cực hơn, không để quy luật “nhàn cư vi bất thiện” vận vào mình.

Nếu một ngày làm việc là một ngày vui thì những người ở tuổi hưu mà vẫn còn làm việc chính là những người hạnh phúc hơn người khác vì họ có nhiều ngày vui hơn người khác.

Trong binh pháp ngày xưa, một trong những chiêu khích tướng là không cho vị tướng già nào đó ra trận. Đó là một đòn tâm lý mạnh vì họ sợ bị cho lui về phía sau, bị lãng quên hoặc bị đánh giá thấp và không còn cơ hội lập công. Cuộc sống của vị tướng chỉ có ý nghĩa khi được cầm vũ khí dọc ngang trên chiến trường. Dù làm bất cứ nghề gì, dù không phải là chiến sĩ, con người vẫn luôn thấy mình hữu ích và hạnh phúc hơn khi còn tiếp tục công việc. Đương nhiên, mọi thứ đều có giới hạn của nó nên khi sức khỏe yếu hơn do tuổi già, người ta làm ít việc hơn hoặc chọn công việc phù hợp hơn và giảm tải dần khi tuổi tác tăng lên trong sự lựa chọn giải pháp dung hòa.

Khi đi du lịch ở những quốc gia có dân số già, chúng ta vẫn đồng hành cùng một số hướng dẫn viên du lịch gần bằng tuổi “ngoại”. Họ rất nhiệt tình và vui vẻ. Họ làm việc vô tư và thiết tha. Hôm rời sân bay Seoul về nước, cô hướng dẫn viên lớn tuổi tiễn chúng tôi ra tận cổng cuối cùng, bịn rịn và quyến luyến đong đầy ánh mắt. Đoàn khách và cô gặp nhau trong một chuyến đi, và có thể là lần duy nhất trong đời (vì cô hơn 60 tuổi rồi) nhưng sự thú vị của cuộc sống thì không hề vơi cạn. Chắc cô đi làm không phải vì thu nhập, mà vì không muốn làm “bà già ở xó nhà!”. Cô muốn ăn mặc đẹp, gặp gỡ mọi người, đặc biệt là khách du lịch trẻ từ nước ngoài đến.

Hôm đứa bạn bị áp lực công việc đòi nghỉ hưu sớm, mình nhắc bạn rằng ở Mỹ, một người trên 80 tuổi đang làm tổng thống, còn một người cũng gần 80 tuổi còn đi tranh cử làm tổng thống. Họ không thiếu tiền nhưng tại sao họ vẫn tìm công việc rất áp lực để làm? Những trường hợp ấy chắc chắn cho ta nhiều suy nghĩ và những bài học thú vị. Những người sống thọ không hẳn là những người nghỉ ngơi sớm, mà đôi khi là ngược lại. Chỉ nhìn bằng mắt, có thể thấy cơ thể vận động có sức sống hơn cơ thể ít vận động hoặc đứng yên.

Người đến tuổi hưu, như cây cổ thụ già, còn có thể cho ra những mùa trái rất ngọt mà dưỡng chất dư thừa tích tụ bao nhiêu năm chưa dùng hết. Cây ấy nếu tiếp tục được chăm sóc phù hợp, nếu tiếp tục tồn tại sẽ còn cho đời nhiều mùa trái ngọt hoa thơm. Kiến thức và kinh nghiệm được bồi tụ và tăng giá trị theo thời gian. Không vì lý do hoa mỹ nào mà ta lại đặt dấu chấm hết, đạp đổ và thay thế những đền đài thành quách đó. Phố cổ vẫn có giá trị riêng dù bụi thời gian có phủ mờ hay rêu xanh bám chặt. Dưới lớp bụi rêu đó, là những lớp trầm tích của một thuở rất huy hoàng!

3 BÌNH LUẬN

  1. Già làm việc kiểu già, làm việc mới thấy còn giá trị, cuộc sống vui khỏe, già mà không làm gì thì buồn và mau già hơn, sống chết là bình thường, làm việc mới vui và hạnh phúc, nên người già mà làm việc sẽ có nhiều ngày vui hơn người không làm việc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới