(KTSG Online) - Những biến động của giá bông, cùng với tình trạng thiếu đơn hàng, đã khiến các doanh nghiệp ngành sợi gặp nhiều khó khăn.
- Thí điểm làm cửa khẩu thông minh thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị
- Gần 200 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại phía Nam, có 8 ca tử vong
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), giá bông thế giới đã trải qua nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi tăng lên trên 100 cent/lb, mức giá lại giảm mạnh về 70 cent/lb, làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá sợi.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết sự biến động giá bông không đồng bộ với giá sợi, đặc biệt là khi giá bông giảm. Sự chênh lệch này cùng với thời gian nhập khẩu kéo dài khiến các doanh nghiệp sợi gặp khó khăn.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, cảnh báo rằng thị trường sợi có thể đối mặt với nhiều thách thức, do tác động xấu từ các cuộc xung đột, lạm phát và giá nguyên liệu neo ở mức cao dẫn đến sợi bán ra bị lỗ.
Đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 740.000 tấn bông, tăng 18% về lượng nhưng giảm 10% về giá so với năm ngoái. Xuất khẩu sợi đạt 900.000 tấn, tăng 7% về lượng nhưng giảm 3% về giá.
Theo ông Hiếu, trước áp lực từ giá bông tăng, các doanh nghiệp sợi phải linh hoạt, thích ứng bằng cách chuyển sang các sản phẩm mới như sợi pha, sợi tái chế, nhằm tìm kiếm cơ hội tại các thị trường ngách.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp sợi vẫn đang vật lộn với việc bị ép giá và bán sản phẩm dưới giá thành, do biến động của giá đầu vào, áp lực từ các nhà đầu cơ, cũng như lãi suất cao và khó tiếp cận được nguồn vốn.
Các doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất.
Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi sát sao thị trường, nâng cao năng lực quản lý sản xuất và lựa chọn những khách hàng, sản phẩm phù hợp để tối ưu hóa lợi nhuận.