Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê có thể tiếp tục tăng do Brazil gặp khó khăn trong niên vụ mới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 7 thập niên đang đe dọa làm sụt giảm đáng kể sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2025-2026. Diễn biến này có thể thúc đẩy giá cà phê trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Một vụ cháy gần đây thiêu rụi toàn bộ 2.500 cây cà phê của nông dân Joao Rodrigues Martins ở thị trấn Caconde, bang Sao Paulo, Brazil. Ảnh: AP

Trang trại cà phê của nông dân Silvio Almeida nằm ở độ cao lý tưởng trên sườn đồi ở thị trấn Caconde, một trong những vùng trồng cà phê lớn của bang Sao Paulo. Kết cấu giàu đất sét ở vùng đồi giúp trang trại này có khả năng giữ ẩm tốt từ lượng mưa và hồ chứa nước chứa gần đó. Tuy nhiên, gần đây, nguồn nước trở nên cạn kiện khiến cây cà phê không thể phát triển bình thường.

Tại Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, Almeida và những nông dân khác đang vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 7 thập niên qua. Almeida dự kiến ​​thu hoạch 120 bao cà phê (1 bao tương đương 60 kg) trong vụ mùa hiện này nhưng cuối cùng chỉ được 100 bao.

“Với điều kiện khô hạn như thế này, vụ cà phê năm 2025 chắc chắn bị ảnh hưởng”, ông nói với hãng tin AP khi chỉ vào những nụ hoa cà phê héo úa.

Theo báo cáo hồi tuần trước của Trung tâm Nghiên cứu cao cấp về kinh tế ứng dụng thuộc Trường kinh doanh nông nghiệp của Đại học Sao Paulo, vụ thu hoạch cà phê của Brazil kết thúc vào tháng này có sản lượng bằng với năm ngoái nhưng xuất khẩu lại tăng mạnh. Tình hình hạn hán hiện nay làm phức tạp thời điểm bắt đầu vụ mùa 2025-2026.

Sản lượng cà phê của Việt Nam, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới cũng đang bị thiệt hại do nắng nóng. Theo báo cáo, tình trạng thiếu nguồn cung tiềm năng ở cả hai nước này bắt đầu đẩy giá cà phê toàn cầu tăng lên các đỉnh cao mới.

Theo Felippe Serigati, người điều phối chương trình đào tạo thạc sĩ kinh doanh nông nghiệp của Quỹ Getulio Vargas, những người buôn bán cà phê đang theo dõi sát sao diễn biến ở Brazil, xem cây cà phê đây có thể chịu đựng được thời tiết bất lợi đến cỡ nào. Thông thường, thời tiết khô nóng có thể có thể khiến hoa cà phê ngừng nở, không kết trái hoặc tạo ra hạt có chất lượng thấp.

“Thị trường dự đoán trước những diễn biến này nên cà phê arabica ở thị trường New York và giá cà phê robusta ở châu Âu đã giao dịch ở mức cao hơn”, Serigati nói.

Chốt phiên giao dịch hôm 24-9, giá cà phê arabica giao tháng 12 ở thị trường New York tăng 1,57%, lên mức 2,68 đô la Mỹ/pound (0,453 kg). Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11 ở London tăng nhẹ 0,36%, lên 5.312 đô la/tấn.

Trong báo cáo gửi khách hàng gần đây, Ngân hàng nông nghiệp Rabobank (Hà Lan) cho biết, tình trạng khô hạn khắc nghiệt ở Brazil vẫn chưa giảm bớt. Dự báo, nước này sẽ trải qua một tuần khô hạn nữa trước khi có mưa.

“Đây là cuộc khủng hoảng lớn đối với chúng tôi", José Marcos Magalhães, một nông dân trồng cà phê và chủ tịch hợp tác xã cà phê Minasul ở bang Minas Gerais.

Theo ông, hơn 9.000 thành viên của Minasul cam kết cung cấp một lượng cà phê nhất định mỗi mùa nhưng năm nay chỉ hoàn thành một nửa mục tiêu. Các thành viên của Minasul dự kiến thu hoạch chưa tới 1 triệu bao cà phê trong vụ thu hoạch hiện tại, giảm mạnh so với mức 2,2 triệu bao vào năm 2020.

Giá cà phê tổng hợp vẫn chưa đạt mức cao kỷ lục ​​vào cuối thập niên 1970, khi một đợt sương giá nghiêm trọng làm giảm 70% sản lượng cà phê của Brazil. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê tổng hợp, sau khi điều chỉnh lạm phát, đang ở mức cao nhất trong 13 năm.

Trong tháng Tám rồi, chỉ số giá tổng hợp của ICO, theo dõi giá của nhiều loại phê nhân giao dịch phổ biến trên thế giới, đạt trung bình 2,38 đô la/ pound, tăng gần 55% so với cùng tháng năm trước.

Giá tăng một phần là do nhu cầu cao hơn, đặc biệt là ở châu Á. Tuy nhiên, thời tiết cũng đang thúc đẩy thị trường cà phê. Billy Roberts, nhà kinh tế cấp cao về thực phẩm và đồ uống của ngân hàng nông nghiệp CoBank (Mỹ) cho biết, hạn hán, sương giá và hỏa hoạn đã gây thiệt hại 20% diện tích trồng cà phê arabica ở Brazil.

Các vụ cháy do con người gây ra, không được kiểm soát trên khắp Brazil gần đây cũng tàn phá nhiều trang trại cà phê. Thời tiết khô hạn khiến các đám cháy dễ dàng lan rộng.

Tại thị trấn Caconde, các đám cháy đã lan tới khoảng 50 trang trại cà phê, thiêu rụi khoảng 600 hecta. 2.000 trong số 15.000 cây cà phê ở  trang trại của Almeida bị chết cháy. João Rodrigues Martins, người hàng xóm của Almeida, nhân vật được nhắc đến ở phần đầu bài viết, đã mất tất cả khi đám cháy thiêu hủy toàn bộ 2.500 cây cà phê tại trang trại của ông.

Theo AP

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới