(KTSG Online) - Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ châu Á đến Mỹ đang tăng lên khi các hãng tàu container cố gắng đảo ngược đà giảm giá cước kéo dài trước mùa nhập khẩu bận rộn.
- Giá cước vận chuyển container toàn cầu giảm 85% so với gian đoạn đỉnh điểm
- Cước container giảm mạnh giúp các chủ hàng Mỹ tiết kiệm một khoản khổng lồ
Trong hai tuần qua, giá cước giao ngay trung bình để vận chuyển một container 40 feet từ châu Á đến Bờ Tây của Mỹ tăng 34%, tương đương 425 đô la, lên 1.659 đô la, theo Công ty dữ liệu vận tải hàng hải Xeneta, có trụ sở tại Na Uy.
Giá cước hiện tại vẫn thấp hơn mức giá trung bình là 9.203 đô la vào một năm trước. Tuy nhiên, mức phục hồi gần đây cho thấy cú lao dốc giá cước từ giữa năm 2022, khi các căng thẳng chuỗi cung ứng dịu lại, có thể đã kết thúc.
Một số hãng vận tải biển tăng giá cước thêm khoảng 600 đô la/container trên tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương vào đầu tháng này. Kể từ đó, dữ liệu của Xeneta cho thấy khách hàng nhìn chung sẵn sàng trả giá cước giao ngay cao hơn cho tuyến thương mại này.
Nathan Strang, giám đốc vận tải đường biển của hãng giao nhận Flexport, ghi nhận trước sự thay đổi về cung-cầu trong thương mại đường biển, các chủ hàng chấp nhận trung bình khoảng 400 đô la của mức tăng giá cước được đề xuất. Ông nói rằng đây là lần tăng giá cước đầu tiên của các hãng vận tải biển trong hơn một năm. Điều này diễn ra khi mùa vận chuyển cao điểm truyền thống sắp đến trong mùa hè này.
Cú bật tăng của giá cước giao ngay dường như đang thúc đẩy các nhà nhập khẩu của Mỹ gấp rút đàm phán ký các hợp đồng vận chuyển cho mùa thu. Trước đó, nhiều công ty trì hoãn ký hợp đồng vận chuyển vì kỳ vọng giá cước có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh tình hình kinh tế bất ổn.
Lisa Leffler, Giám đốc hậu cần toàn cầu của Black Diamond Equipment, nhà bán lẻ đồ thể thao ngoài trời có trụ sở ở Salt Lake, bang Utah, cho biết bà đang liên hệ với các hãng giao nhận để xem xét ký hợp đồng sau đợt tăng giá cước gần đây.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa suy yếu khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất tập trung giảm lượng hàng tồn kho do dự trữ quá nhiều vào đầu năm ngoái. Các cảng và công ty vận tải đường bộ ở Mỹ chứng kiến sự sụt giảm mạnh về khối lượng hàng hóa trong năm nay.
Một số công ty vận tải hàng hóa thận trọng hơn về triển vọng phục hồi trong nửa cuối năm khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng. Hôm 27-4, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quí đầu năm tăng chậm lại ở mức 1,1%.
Theo nhà phân tích Emily Stausboll của Xeneta, vào đầu tháng 4, giá cước vận chuyển một container từ châu Á đến Bờ Tây của Mỹ giảm xuống mức trung bình là 1.242 đô la, dưới mức mà các hãng vận tải biển cần để trang trải chi phí của họ.
Giá cước giảm mạnh khiến tình hình tài chính của các hãng vận tải xấu đi nhanh chóng sau khi họ đạt doanh thu kỷ lục vào năm 2022. Hãng Orient Overseas Container Line, có trụ sở tại Hồng Kông, ghi nhận doanh thu trên tuyến xuyên Thái Bình Dương của hãng giảm 65,6% trong ba tháng đầu năm 2023 so với quí đầu tiên của năm ngoái, dù số lượng container vận chuyển chỉ sụt giảm 6,4%.
Nhiều nhà nhập khẩu lớn của Mỹ như Target và Walmart vận chuyển hầu hết hàng hóa quốc tế của họ theo các hợp đồng dài hạn, thường có giá cước cao hơn giá giao ngay. Các nhà nhập khẩu nhỏ hơn có xu hướng dựa vào thị trường giao ngay hoặc ký hợp đồng vận chuyển với các hãng giao nhận.
Mark Riskowitz, Phó chủ tịch điều hành của Caraway Home (Mỹ), nhà kinh doanh đồ dùng nhà bếp, cho biết ông đang theo dõi xem giá cước hiện nay có hợp lý hay không. Ông dự định vận chuyển nửa số hàng nhập khẩu của công ty bằng các hợp đồng dài hạn, ổn định hơn và dựa vào thị trường giao ngay cho phần hàng nhập khẩu còn lại.
Theo WSJ