(KTSG Online) – Do phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là những nền kinh tế chịu tổn thương lớn nhất nếu giá dầu tăng lên mức 100 đô la/thùng sau quyết định giảm hơn 1,1 triệu thùng dầu mới đây của liên minh OPEC+.
- OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng, giá dầu có thể tiến đến 100 đô la/thùng
- Mỹ sẽ phản ứng ra sao trước quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+?
Cuối tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (hay còn gọi là liên minh OPEC+) thông báo giảm sản lượng tổng cộng hơn 1,1 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm. Ngay lập tức, thị trường dầu đã phản ứng với mức tăng giá mạnh mẽ 8% trong phiên giao dịch mở cửa của ngày 3-4. Giới phân tích dự báo, với nguồn cung thắt chắt hơn trong những tháng tới, giá dầu có thể trở lại ngưỡng 100 đô la/thùng.
Họ cho rằng khi giá dầu cao ở ngưỡng này, những nền kinh tế nhập khẩu dầu như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chịu tổn thương lớn nhất.
“Giá dầu tăng giống như thuế đánh vào mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ. Không phải Mỹ sẽ cảm nhận tổn thương lớn nhất khi giá dầu lên mức 100 đô la, mà là các nước không có nguồn dầu mỏ đáng kể sản xuất trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp”, Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Raymond James, nói
Henning Gloystein, giám đốc của hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, cũng đồng tình với ý kiến này. “Nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất do nguồn cung dầu bị cắt giảm và giá dầu tăng vọt là những khu vực có mức độ phụ thuộc vào dầu nhập khẩu cao và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng sơ cấp của họ”, ông nói.
Cụ thể, ông cho rằng tác động giá dầu cao sẽ được cảm nhận nhiều nhất ở các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu nhập khẩu ở Nam Á và Đông Nam Á cũng như các nền kinh tế có ngành công nghiệp nặng tiêu thụ nhiều dầu nhập khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Henning Gloystein nhận định nếu giá dầu tiếp tục tăng, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng, ngay cả khi nước này mua phần lớn dầu thô giá thập hơn của Nga. Điều này do giá than và khí đốt sẽ đắt đỏ hơn nếu giá dầu lên mức 100 đô la.
Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới, đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu của Nga với giá chiết khấu cao kể từ khi phương Tây giáng đòn trừng phạt kinh tế vào Moscow sau cuộc chiến ở Ukraine. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, trong tháng 2, nhập khẩu dầu thô của đất nước tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Nhật Bản, dầu là nguồn năng lượng lớn nhất, đóng góp đến 40% tổng nhu cầu năng lượng của nước này. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), do sản lượng dầu trong nước rất ít ỏi, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, với khoảng 80-90% đến từ khu vực Trung Đông. Tương tự, dầu đóng góp phần lớn cho nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc, theo Công ty nghiên cứu Enerdata,
“Hơn 75% nhu cầu dầu của Hàn Quốc và Ý phụ thuộc vào dầu nhập khẩu”, Molchanov cho biết.
Henning Gloystein lưu ý châu Âu và Trung Quốc cũng tổn thương nếu giá dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, rủi ro của Trung Quốc thấp hơn nhờ hoạt động sản xuất dầu mạnh mẽ ở trong nước. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của châu Âu dựa vào điện hạt nhân, than và khí đốt, chứ không chỉ dầu thô.
Molchanov cho rằng một số thị trường mới nổi không có đủ nguồn ngoại tệ để nhập khẩu dầu thô cũng bị ảnh hưởng lớn nếu giá dầu tiến lên ngưỡng 100 đô la. Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Pakistan là những nền kinh tế có nguy cơ này. Sri Lanka, nước phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, cũng rất dễ tổn thương nghiêm trọng.
Amrita Sen, người sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói: “Các nước có ít ngoại tệ dự trữ nhất đồng thời phụ thuộc dầu nhập khẩu sẽ chịu tổn thương lớn vì dầu được định giá bằng đồng đô la Mỹ”.
Tuy nhiên, dù viễn cảnh giá dầu 100 đô la có thể xảy ra, mức giá đó sẽ không tồn tại lâu, Molchanov nhận định.
Ông nói: “Trong dài hạn, giá dầu có thể ở mức từ 80-90 đô la /thùng như hiện tại”. Gloystein dự báo khi giá dầu thô đạt 100 đô la và duy trì ở mức đó trong khoảng thời gian dài đáng kể, các nhà sản xuất sẽ tăng sản lượng trở lại.
Theo CNBC