(KTSG) - Giá dầu đã vượt 90 đô la Mỹ/thùng trong những ngày gần đây và lên mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua, làm dấy lên lo ngại về lạm phát gia tăng và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu còn có thể tăng tới 100 đô la/thùng.
- Giá dầu lên mức cao nhất trong năm, hướng tới ngưỡng 100 đô la/thùng
- Saudi Arabia khiến Mỹ ‘đau đầu’ khi quyết tâm đẩy giá dầu lên 100 đô la
Nguồn cung thắt chặt đẩy giá dầu lên cao
Theo CNBC, chốt phiên thứ Sáu tuần trước (15-9-2023), giá dầu Brent đã tăng 0,23 đô la, lên 93,93 đô la/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 0,61 đô la lên 90,77 đô la/thùng. Giá cả hai loại dầu đã thiết lập mức cao mới của 10 tháng trong năm phiên liên tiếp, và đạt mức tăng khoảng 4% trong cả tuần.
Không những vậy, giá dầu đã nới rộng đà tăng kéo dài suốt ba tuần qua và đang hướng tới quí tăng mạnh nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi năm 2022.
Sự tăng giá diễn ra trong bối cảnh nguồn cung dầu thắt chặt ngày càng gia tăng sau khi Nga và Arập Saudi lần lượt thông báo gia hạn các biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối năm nay.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo các biện pháp hạn chế sản xuất Nga và Arập Saudi sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt đáng kể trong quí 4 năm nay.
Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết, họ tin rằng giá dầu có thể sớm tăng lên trên 100 đô la/thùng.
Cùng lúc đó, dự báo về việc sản lượng dầu Mỹ sụt giảm cũng hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng đen trong những tuần gần đây. Các số liệu từ công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan dầu của Mỹ hồi tuần trước đã giảm 84 đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu tiêu thụ dầu tăng cao trở lại
Trong khi đó, triển vọng nhu cầu dầu được cải thiện khi các ngân hàng trung ương lớn, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho tới Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều được dự báo sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó giảm bớt áp lực lên nền kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực sau quãng thời gian trì trệ. Chuyên gia phân tích Fiona Cincotta tại City Index cho biết, dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng tại Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu trong tuần qua.
Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được coi là yếu tố rất quan trọng đối với nhu cầu dầu trong phần còn lại của năm nay. Các dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy, hoạt động chế biến tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng gần 20% so với một năm trước đó khi các nhà chế biến cố gắng tận dụng nhu cầu cao trên toàn cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ.
Mức giá 100 đô la/thùng liệu có thực tế?
Với sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ nguồn cung thắt chặt cho tới nhu cầu tăng, chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết việc giá dầu nhảy vọt tới cột mốc 100 đô la là điều hoàn toàn “hợp lý”.
“Tuy nhiên, đợt phục hồi như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới”, chuyên gia Varga chia sẻ với CNBC. Ông cho biết, điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần trước và sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Áp lực lạm phát cao dai dẳng có thể khiến lãi suất được duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn và có thể có tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Ông Varga nói thêm: “Vì lý do này, tôi tin rằng bất kỳ mức tăng vọt nào lên tới 100 đô la/thùng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu và người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần dầu khí tại JPMorgan, cho biết ông tin rằng giá dầu có thể được giao dịch trong khoảng từ 80 đến 100 đô la trong ngắn hạn và khoảng 80 đô la trong dài hạn.
“Khi chúng ta bước sang năm tới, mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận sự phát triển của kinh tế Trung Quốc… Chính phủ Mỹ sẽ làm gì? Và các nhà khai thác dầu đá phiến phản ứng thế nào?” Ông Malek cho biết, đồng thời lưu ý rằng chính phủ Mỹ dường như có rất ít lựa chọn nếu muốn đẩy giá dầu và xăng xuống thấp hơn trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào năm tới.
Trong một bài phát biểu tại bang Maryland hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục cam kết “sẽ giảm giá xăng một lần nữa”. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sau khi đã rút gần 300 triệu thùng từ các kho dự trữ, Washington sẽ có ít khả năng tác động đến giá cả hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng giá dầu sắp quay trở lại mức 100 đô la. Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết lĩnh vực dầu thô có vẻ ngày càng rơi vào tình trạng quá mua và dường như cần phải có sự điều chỉnh lại. Ông Hansen cho biết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 8-9: “Chúng tôi không ủng hộ dự báo về mức giá 100 đô la/thùng nhưng sẽ không loại trừ một khoảng thời gian tương đối ngắn mà dầu Brent có thể giao dịch trên 90 đô la”.
Ảnh hưởng tiêu cực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp
Dẫu vậy, việc giá dầu tăng cao, cho dù là 90 hay 100 đô la/thùng, đều sẽ khiến giá cả tăng nhanh trở lại. Katy Kaminski, Giám đốc chiến lược tại công ty quản lý tài sản AlphaSimplex cho biết “khi giá dầu chạm mức 90 đến 100 đô la, người tiêu dùng sẽ phải đưa ra lựa chọn về mức tiêu dùng của mình, còn các doanh nghiệp cũng phải quyết định xem, liệu họ có cần chuyển chi phí cho khách hàng hay không, và chuyển như thế nào”.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố trong tuần trước, giá xăng cao hơn là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với mức tăng 3,2% trong tháng 7.
Giá tại trạm xăng ở Mỹ - một trong những dấu hiệu lạm phát rõ ràng nhất - cũng đã tăng hơn 25% kể từ đầu năm đến nay, trong khi giá dầu diesel, vốn rất quan trọng đối với vận tải hàng hóa, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, cũng đang có xu hướng tăng, với mức tăng gần 20% trong ba tháng qua.
Còn theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, giá trung bình của nhiên liệu máy bay trong tuần kết thúc vào ngày 8-9 cũng đã tăng 3,3% so với một tháng trước đó.
Theo chuyên gia Kaminski, tác động của giá dầu cao sẽ “thấm vào các khu vực khác nhau của nền kinh tế” như đã từng xảy ra hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, mặc dù không có khả năng ảnh hưởng tới tăng trưởng đến mức cực đoan.
Theo IEA, giá dầu tăng 10 đô la/thùng có nghĩa là sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm tiếp theo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán, ngay cả một mức tăng 5 đô la cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
Rào cản đối với nỗ lực chống lạm phát
The Guardian nhận định, giá dầu giảm đã đóng vai trò lớn trong việc hạ nhiệt lạm phát trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên với đà tăng như hiện nay, giá dầu được dự đoán sẽ đóng vai trò như một lực cản đối với nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn như Fed hay ECB trong nửa cuối năm và thậm chí là sang cả năm 2024.
Hiện tại, lãi suất của Fed được cho là sẽ đạt đỉnh sau khi lạm phát cốt lõi (đã loại bỏ các mặt hàng có giá biến động cao như lương thực thực phẩm và năng lượng) hạ nhiệt vào tháng trước. Tuy nhiên, giới chức Fed đã phát đi tín hiệu rằng cơ hội cho đợt tăng lãi suất cuối cùng có thể xảy ra vào tháng 11 vẫn còn để ngỏ.
Tại châu Âu, ECB đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp vào hôm thứ Năm tuần trước và ngụ ý rằng nhiều khả năng sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, đến thứ Sáu, các nhà hoạch định chính sách cho biết khả năng tiếp tục tăng lãi suất vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn.
“Giá dầu sẽ là một chỉ báo về việc lạm phát sẽ biến động đến mức nào. Chúng tôi không thể dự đoán điều này sẽ kết thúc như thế nào, nhưng giá dầu cao có thể thách thức quan điểm cho rằng lạm phát sẽ sớm quay trở lại mức mục tiêu”, chuyên gia Kaminski kết luận.
Nguồn: CNBC, Financial Times, Reuters, The Guardian, MarketWatch