(KTSG) - Giá dầu thế giới đang ở quanh mốc trên 90 đô la Mỹ một thùng và được dự báo sẽ tiến lên mức 100 đô la Mỹ một thùng trong năm nay. Giá xăng dầu trong nước cũng diễn biến cùng chiều khi đã tăng lên gần mức 26.000 đồng một lít. Mặc dù có nhiều lo ngại về việc giá dầu tăng sẽ dẫn đến làn sóng lạm phát tăng mạnh tại Việt Nam nhưng sẽ khó xảy ra kịch bản này trong năm nay.
- Giá dầu lên mức cao nhất trong năm, hướng tới ngưỡng 100 đô la/thùng
- Saudi Arabia khiến Mỹ ‘đau đầu’ khi quyết tâm đẩy giá dầu lên 100 đô la
Giá dầu tăng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn cung thắt chặt
Giá dầu thô đã giữ xu hướng tăng từ tháng 6 và đang tiến dần tới mốc 100 đô la Mỹ mỗi thùng. Xu hướng này xảy ra trong bối cảnh OPEC+ đã có động thái cắt giảm sản lượng trong khi nhu cầu tiêu thụ đang dần hồi phục.
Ở phía cầu, báo cáo tháng 9 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ghi nhận nhu cầu dầu thế giới vẫn trên đà tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên 101,8 triệu thùng/ngày, chủ yếu đến từ sự hồi phục về nhu cầu của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, các đợt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 và vẫn đang duy trì đến thời điểm hiện tại. Với dư địa cho lạm phát vẫn còn, các nhà điều hành sẽ vẫn tập trung vào bài toán tăng trưởng cho năm 2023.
Về phía cung, các quốc gia OPEC+ đã hai lần cắt giảm sản lượng vào tháng 4 và tháng 6 với mức giảm lần lượt là 1,16 triệu thùng/ngày và 1,4 triệu thùng/ngày xuống mức 40,46 triệu thùng/ngày và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng vào tháng 9, theo thỏa thuận chưa được công bố chi tiết với Nga.
Sự chênh lệnh cung cầu đang ngày càng lớn dẫn đến tồn kho dầu toàn cầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 13 tháng. Trong đó, dự trữ dầu của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang thấp hơn so với trung bình năm năm, ở mức 2.814 triệu thùng.
Giá dầu tăng và cuộc chiến chống lạm phát trên thế giới
Giá dầu tăng sẽ là bài toán khó giải cho các quốc gia/ khu vực phát triển như Mỹ và EU, vốn đang vật lộn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Tại các quốc gia/khu vực kể trên, ngân hàng trung ương vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát. Trong đó, Mỹ đang duy trì mức lãi suất 5,25-5,5%, cao nhất trong 22 năm. Tương tự, khu vực EU đang duy trì lãi suất ở mức 4%, cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Ngay cả với mức lãi suất cao kỷ lục này thì cũng phải đến năm 2026 các ngân hàng trung ương mới kỳ vọng đưa lạm phát về gần mức mục tiêu.
Giá dầu tăng trở lại có thể sẽ tạo nên làn sóng lạm phát mới và các ngân hàng trung ương của những thị trường này sẽ phải lựa chọn việc duy trì môi trường lãi suất cao. Điều này có nguy cơ sẽ đẩy Mỹ và EU rơi vào một thời kỳ đình lạm kéo dài, trong đó tăng trưởng tiếp tục trì trệ trong môi trường lãi suất cao trong khi lạm phát vẫn cao dai dẳng.
Giá dầu tăng không gây nhiều áp lực lên lạm phát ở Việt Nam trong những tháng cuối năm
Giá dầu thế giới tăng đang đẩy giá xăng trong nước tăng trở lại. Trong kỳ điều chỉnh gần nhất tuần vừa qua (21-9), giá xăng Ron 95A-III đã tăng lên mức 25.740 đồng/lít, tương đương với giá xăng tháng 8-2022. Việc giá xăng tăng trở lại khiến nhiều người lo lắng lạm phát sẽ mất kiểm soát trong những tháng cuối năm, giữa bối cảnh Việt Nam đang thi hành các chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên giá xăng dầu tăng trong giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát của Việt Nam trong năm 2023.
Lý do đầu tiên đến từ cơ cấu CPI. Trong cấu trúc tính CPI của Việt Nam, CPI hàng ăn và dịch vụ ăn uống và CPI nhà ở và vật liệu xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là khoảng 30% và 20%, tiếp theo là CPI giao thông chiếm khoảng 10%. Giá xăng tăng là yếu tố sẽ kéo CPI giao thông tăng mạnh trở lại, tuy nhiên với tỷ trọng 10%, sự tăng trở lại của CPI giao thông sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong CPI tổng.
Lý do tiếp theo, động lực tăng lạm phát trong năm 2023 không đến từ CPI giao thông như năm 2022. Trong năm 2022, CPI của Việt Nam được dẫn dắt chủ yếu bởi CPI giao thông, vốn bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng mạnh khi xảy ra cuộc chiến Nga-Ukraine trong khi các nhóm ngành hàng khác như ăn uống, xây dựng… có mức tăng thấp.
Tuy nhiên bước sang năm 2023, CPI được dẫn dắt chủ yếu bởi CPI hàng ăn và dịch vụ ăn uống khi giá các loại thực phẩm tăng mạnh từ đầu năm đến nay và CPI nhà ở và vật liệu xây dựng khi giá điện được điều chỉnh vào tháng 5. Trong khi đó CPI giao thông có tốc độ tăng thấp do đã có nền cao từ năm 2022.
Những điều trên dẫn đến lạm phát trong năm 2023 vẫn còn khá nhiều dư địa và sẽ không chịu nhiều áp lực từ giá xăng tăng. Tính đến tháng 8-2023, lạm phát bình quân tám tháng là 3,1%, còn cách khá xa mức mục tiêu 4,5% được Quốc hội đề ra.
Bất chấp xu hướng thắt chặt tiền tệ của các quốc gia lớn như Mỹ hay khu vực EU, các quốc gia khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2023. Tại Việt Nam, các đợt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 4 và vẫn đang duy trì đến thời điểm hiện tại. Với dư địa cho lạm phát vẫn còn, các nhà điều hành sẽ vẫn tập trung vào bài toán tăng trưởng cho năm 2023.