Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo quyết định thay thế quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và có hiệu lực từ 15-5 tới đây, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn từ 6 xuống 3 tháng khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên.

Từ ngày 15-5 tới đây, giá điện sẽ được xét thay đổi ba tháng một lần. Ảnh minh họa: EVN

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định số 5 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Thời gian áp dụng từ ngày 15-5 tới đây, theo baochinhphu.vn.

Theo đó, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá.

Giá bán điện bình quân được cập nhật theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán nằm ngoài khung giá thì chỉ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá theo cơ chế quy định tại quyết định này.

Nếu giá bán điện bình quân cần phải tăng cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc có những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Như vậy, ở lần thay đổi này, thẩm quyền điều chỉnh giá điện bình quân được giữ như hiện nay. Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh giá. Thẩm quyền tăng giá là Bộ Công Thương khi giá điện bình quân tăng 5-10% và trên 10% do Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mỗi năm đều gửi đến Bộ Công Thương báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện.

Sau đó, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên. Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra trên trang điện tử của bộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới