Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá điện tăng cao, nhà máy luyện kim châu Âu có nguy cơ đóng cửa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giới phân tích dự báo sắp tới, sẽ có thêm nhiều lò luyện kim ở châu Âu đối mặt với nguy cơ đóng cửa do chi phí năng lượng ngày đắt đỏ sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Với viễn cảnh đó, các tập đoàn sản xuất công nghiệp ở khu vực này thể phải cân nhắc nhập khẩu các mặt hàng kim loại.

Trong tuần này, hai nhà máy luyện kim lớn ở Slovakia và Hà Lan đã thông báo động cửa khi giá điện tăng cao nhiều lần do thiếu khí đốt. Nhà máy luyện nhôm Slovalco của Công ty Norsk Hydro (Na Uy) ở Slovakia sẽ dừng hoạt động hoàn toàn vào cuối tháng này.

Nhà máy luyện nhôm Slovalco của Công ty Norsk Hydro (Na Uy) ở Slovakia sẽ dừng hoạt động hoàn toàn vào cuối tháng này. Ảnh: Nautiv

Trong khi đó, nhà máy luyện kẽm Budel của Công ty Nyrstar (Bỉ) ở Hà Lan sẽ dừng hoạt động kể từ đầu tháng 9. Nyrstar không nêu lý do đóng cửa nhà máy nhưng một nguồn tin nói rằng công ty không thể duy trì hoạt động khi giá điện đã tăng gấp 10 lần, trong khi đó, chi phí lao động, vận chuyển và các chi phí khác đều tăng.

“Động thái đóng cửa nhà máy luyện nhôm Slovalco cho thấy căng thẳng đang dâng cao ở các lò luyện kim khắp châu Âu trong bối cảnh chi phí năng lượng đắt đỏ”, các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan, cho biết.

Tom Mulqueen, nhà chiến lược nghiên cứu thị trường kim loại tại Ngân hàng Citi, nói: “Rõ ràng là việc cắt giảm sản lượng luyện kim ở châu Âu sẽ diễn ra sâu rộng và sớm hơn chúng tôi dự đoán”.

Luyện quặng thô thành kim loại tinh chế là một quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể trầm trọng hơn khi bước vào mùa đông.

Việc đóng cửa các nhà máy luyện kim sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế châu Âu giữa lúc các nhà sản xuất lớn nhất của khu vực trong các lĩnh vực chiến lược như thép, quốc phòng, hàng không vũ trụ và ô tô cố gắng trở nên ít phụ thuộc hơn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Các ngành công nghiệp này dựa vào các nhà máy luyện kim loại như nhôm, kẽm để sản xuất các sản phẩm của họ. Nếu thêm nhiều nhà máy luyện hơn đóng cửa, họ buộc phải chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng này, giúp Trung Quốc và Nga củng cố vị thế của họ trên thị trường toàn cầu.

Động thái đóng cửa này cũng đi ngược lại các mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường năng lực tự chế biến của khu vực đối với các quặng khoáng sản chiến lược, với danh sách mới nhất của khối bao gồm bauxite, một loại quặng được sử dụng để sản xuất nhôm.

Mark Hansen, Giám đốc điều hành Concord Resources, một công ty kinh doanh kim loại toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhôm tiềm tàng thực sự. Một phần năng lực sản xuất nhôm đáng kể của phương Tây đang bị thách thức khi Nga và Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu một lượng lớn nhôm”.

Một nửa sản lượng nhôm và kẽm của EU đã bị mất mát do các nhà máy luyện kim cắt giảm công suất và đóng cửa trong năm nay khi họ phải vật lộn ứng phó với giá điện tăng cao, theo Eurometaux, một tổ chức thương mại về kim loại màu không chứa sắt.

Trên phạm vi châu Âu rộng hơn, bao gồm Na Uy, Iceland và Anh, công ty tư vấn CRU dự kiến ​​tình trạng gián đoạn sản xuất sắp tới sẽ khiến khu vực này chứng kiến sản lượng kẽm giảm khoảng 10%, xuống 2,2 triệu tấn trong năm 2022 so với năm ngoái và năng lực sản xuất nhôm giảm 20% xuống 3,4 triệu tấn so với tháng 9 năm ngoái.

Giá bán điện ở Đức giao cho năm tới, mức chuẩn cho châu Âu, đã tăng lên 543 euro mỗi MWh, cao gấp 12 lần so với hai năm trước, do giá khí đốt tăng kỷ lục sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu lục này. Điều này gây khó khăn đối với các lò luyện kim sử dụng nhiều điện.

Khởi động lại nhà máy luyện kim là một quá trình tốn kém và mất thời gian, đặc biệt là nhà máy luyện quặng nhôm. Adina Georgescu, Giám đốc năng lượng và biến đổi khí hậu tại Eurometaux, nói: “Tình hình thật tồi tệ. Quy tắc kinh nghiệm là một khi bạn đóng cửa một nhà máy luyện kim, bạn sẽ có rất ít cơ hội đưa nó trở lại hoạt động sớm”.

Cuộc khủng hoảng đối với lĩnh vực luyện kim cũng vượt ra ngoài châu Âu. Trong năm nay tại Mỹ, chi phí điện năng cao hơn và giá nhôm tương đối thấp đã buộc Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất nước, phải đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy luyện kim ở bang Indiana và Công ty nhôm Century Aluminium tạm dừng hoạt động nhà máy luyện nhôm khổng lồ ở bang Kentucky.

Và điều đáng báo động hơn là việc đóng cửa hoạt động luyện kim ở châu Âu sẽ gây tổn hại cho nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon vì các nhà máy luyện kim ở khu vực này phát thải carbon ít hơn 3 lần so với các nhà máy luyện kim ở Trung Quốc, nơi than đá thường được sử dụng để sản xuất điện.

Adina Georgescu cho biết khi các nhà máy luyện kim bên ngoài châu Âu tăng mạnh công suất để bù đắp cho công suất suy giảm châu Âu, điều này sẽ làm tăng đáng kể khí thải carbon.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới