Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá khí đốt ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 13 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ đang tăng mạnh, lên mức kỷ lục kể từ cuộc cách mạng đá phiến hơn một thập niên trước, làm tăng chi phí năng lượng và "đốt nóng" lạm phát ở Mỹ vốn đang tăng cao nhất trong 40 năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí đốt ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi nhưng các tín hiệu trên thị trường cho thấy đà tăng này chưa dừng lại.

Trong tuần này, giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ tăng lên mức mức cao nhất kể từ năm 2008. Ảnh: Bloomberg

Khó dự báo mức giá đỉnh

Thị trường khí đốt, từng gây chán nản cho các nhà giao dịch vì khả năng dễ dự đoán của nó, có thể đang bước vào một đợt tăng giá thậm chí còn mạnh hơn trong vài tháng tới, thu hút các lệnh mua với mức giá dường như cao không thể tưởng tượng chỉ vài tháng trước.

Emily McClain, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, cho biết: “Rất khó để dự đoán mức giá đỉnh của khí đốt”.

Đà tăng giá khí đốt  ở Mỹ được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng vọt trong nước và ngoài nước vì Mỹ đang trải qua mùa xuân lạnh giá bất thường và châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine vẫn căng thẳng.

Hiện nay, lượng tồn kho khí đốt của Mỹ xuống gần 20% dưới mức thông thường. Đồng thời, các nhà giao dịch đang chú ý đến các dự báo về một mùa hè nóng hơn bình thường và điều này gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu khí đốt để sản xuất điện do nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí tăng cao hơn.

Nhưng điều thực sự khiến những người đầu cơ giá lên phấn khích là thị trường điện đã mất nhiều khả năng hạn chế sử dụng tiêu thụ khí đốt khi giá tăng.

Trước đây, khi khí đốt trở nên quá đắt đỏ, các chủ nhà máy điện chỉ cần giảm công suất của một số máy phát điện chạy bằng khí đốt của họ và tăng công suất các tổ máy sản xuất điện bằng than, ngăn giá khí đốt tăng cao hơn nữa.

Nhưng những nỗ lực thoát khỏi than của các công ty điện đã khiến lượng than tồn kho và làm giảm khả năng điều chỉnh công suất điện khí, khiến thị trường khí đốt dễ bị tổn thương hơn trước các biến động giá mạnh mẽ.

“Con đường dẫn đến một số mức giá điên rồ đã được mở ra”, Paul Phillips, nhà chiến lược cấp cao tại Công ty Uplift Energy Strategy ở Denver, nhận định về tình hình thị trường khí đốt.

Tăng gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng

Giá khí đốt cao sẽ chỉ làm tăng thêm áp lực cho người tiêu dùng Mỹ, vốn đang chật vật ứng phó với mức lạm phát hàng năm lên tới 8,5% vào tháng trước. Chi phí năng lượng thậm chí tăng còn nhanh hơn. Giá điện đã tăng 11% trong 12 tháng qua, trong khi đó, giá khí đốt sử dụng để sưởi ấm nhà và nấu ăn tăng 22% trong khoảng thời gian đó, theo Cục Thống kê lao động Mỹ. Nhưng mức tăng đó chưa phản ánh mức tăng 24% của các  hợp đồng khí đốt tương lai chỉ trong tháng này, đưa mức tăng giá trong năm nay lên khoảng 90%.

Eli Rubin, nhà phân tích năng lượng cấp cao của Công ty EBW AnalyticsGroup, cho biết: “Giá khí đốt tự nhiên thường là yếu tố đầu vào cho nền kinh tế nói chung. Do vậy, giá khí đốt đắt đỏ sẽ dẫn đến giá cả tăng lên ở mọi thứ từ nhiên liệu, thực phẩm cho đến điện”.

Các hợp đồng khí đốt tương lai được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa tương lai New York (NYMEX) đạt 8,065 đô la Mỹ/MMBtu (1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong tuần này, mức cao nhất kể từ năm 2008, trước khi hạ nhiệt về mức 7,02 đô la/BBBtu, tăng hơn 3 đô la so với hồi đầu năm. Đây là mức tăng giá bất thường vì trước đây, chỉ cần giá khí đốt tăng thêm 1 đô la, nhu cầu sẽ bị kìm hãm, theo John Freeman, nhà phân tích ở Công ty Raymond James & Associates.

Thị trường quyền chọn đang báo hiệu khả năng giá khí đốt tăng cao hơn nữa. Hôm 31-3, một nhà giao dịch đã mua một số lượng hợp đồng quyền chọn lớn bất thường, cho phép mua khoảng 8,86 tỉ mét khối khí đốt,  tương đương hơn ba tuần xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, với giá 10 đô la/MMBtu sớm nhất là vào cuối tháng 7. Giá khí đốt ở Mỹ chưa bao giờ giao dịch ở mức cao như vậy trong hơn một thập niên.

Một kho cảng LNG ở bang Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Sức ép tăng giá do nhu cầu nước ngoài

Theo Dennis Kissler, nhà giao dịch tại Công ty Bok Financial Securities, các nhà máy máy sản xuất hàng hóa, nơi tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai ở Mỹ, chỉ đứng sau các nhà máy điện, ít có khả năng giảm sử dụng khí đốt trừ phi kinh tế Mỹ suy thoái. Ông cho rằng giá khí đốt ở Mỹ có thể vượt 10 đô la/MMBtu nếu thời tiết trở nên khắc nghiệt vào mùa hè và mùa đông năm nay, đẩy tăng nhu cầu mặt hàng nhiên liệu này đến mức các nhà cung cấp không thể bổ sung kịp các kho dự trữ.

Nhu cầu cầu ở nước ngoài, một áp lực khác đối với giá khí đốt ở Mỹ, cũng khó có thể sớm hạ nhiệt. Khí đốt của Mỹ đã trở thành yếu tố quan trọng để làm dịu bớt tình trạng thiếu hụt toàn cầu và giúp châu Âu cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga như một phần trong nỗ lực cô lập Moscow sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Giá khí đốt tại châu Âu và châu Á hiện cao gấp 4 lần so với Mỹ, tạo ra động lực rất lớn để các nhà cung cấp ở Mỹ xuất khẩu hết mức có thể. Trong quí 1, xuất khẩu LNG của Mỹ tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục.

Theo Gary Cunningham, một lãnh đạo ở Công ty Tradition Energy, với giá khí đốt trên thị trường quốc tế khoảng 30 đô la/MMBtu, khí đốt của Mỹ cần phải tăng lên mức 20 đô la/MMBtu để khiến hàng xuất khẩu bớt hấp dẫn hơn khi chi phí vận chuyển được tính vào. Cunningham nói: “Đó là viễn cảnh thật đáng sợ, nhưng chúng ta đang đối mặt với nó” .

Sản lượng cao hơn có thể giúp khí đốt giảm giá một chút, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp khí đốt của Mỹ đang thận trọng sau một thập niên chi tiêu đầu tư quá lớn, khiến lợi nhuận bị ăn mòn. Nếu bơm nhiều khí đốt hơn, các nhà sản xuất của Mỹ đối mặt với nhiều thách thức  bao gồm chi phí tăng, thiếu lao động và công suất đường ống hạn chế ở các khu vực dồi dào khí đốt bao gồm Appalachia, phía đông nước Mỹ.

Sản lượng khí đốt trung bình hàng ngày trong năm nay ở Mỹ khoảng 2,67 tỉ mét khối, chỉ cao hơn một chút so với mức của cùng kỳ năm 2020, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ dự báo ​​sản lượng khí đốt của Mỹ đạt trung bình là 2,76 tỉ mét khối/ngày trong năm 2022.

Emily McClain, nhà phân tích của Rystad Energy, nhận định: “Tất cả các tín hiệu đều chỉ ra giá khí đốt ở Mỹ sẽ tăng lên mức cao hơn vì những gì chúng ta chứng kiến từ diễn biến thời tiết, các kho lưu trữ, sự chậm trễ của nguồn cung và đà tăng của nhu cầu”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới