Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá kim loại pin lao dốc, phủ bóng đen lên ngành khai mỏ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cú sụp đổ giá của hàng loạt khoáng sản kim loại sử dụng ở pin xe điện đang khiến ngành công nghiệp khai mỏ lao đao, với nhiều mỏ phải tạm dừng hoạt động và các thương vụ đầu tư giảm hẳn. Điều này dẫn đến tình trạng cạn kiệt tiền mặt của các công ty khai mỏ, có thể gây ra những hậu quả tiềm tàng cho ngành này trong những năm tới.

Quặng lithium tại một mỏ ở Úc. Giá kim loại pin xe điện này hiện giảm hơn 80% so với mức cao kỷ lục cuối năm 2022. Ảnh: Bloomberg

Tính đến đầu tháng 1, lithium, kim loại siêu nhẹ được sử dụng trong pin xe điện, giảm giá hơn 80% so với mức cao kỷ lục cuối năm 2022, khi thị trường chuyển từ mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung sang tình trạng hàng tồn kho dư thừa.

Giá của nickel và cobalt, hai kim loại quan trọng khác của pin xe điện, cũng giảm mạnh do nguồn cung mới tăng lên trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi sang xe điện không diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng như dự đoán.

Đó là một sự đảo ngược đáng kể so với sự sôi động của thị trường kim loại pin xe điện trong những năm gần đây, khiến giá cả tăng vọt và một số công ty lớn nhất trong ngành ô tô phải gấp rút đàm phán chốt mua nguồn cung trong tương lai. Nhưng hiện nay, một số hãng xe đã thay đổi thái độ, từ bỏ các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua kim loại pin từ các mỏ đang phát triển. Giá thấp khiến các công ty khai mỏ khó khăn hơn trong việc huy động tiền từ các nguồn truyền thống, vào thời điểm ngành công nghiệp này đang vật lộn với lạm phát, đẩy chi phí xây dựng các dự án mới tăng cao.

Năm ngoái, Công ty khai khoáng Chemaf Resources (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) rao bán tài sàn sau khi giá cobalt giảm mạnh, khiến công ty khó hoàn thành các dự án quan trọng ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong khi đó, Horizonte Minerals, trụ sở tại London, thu hẹp quy mô hoạt động tại một dự án mỏ nickel ở Brazil giữa lúc chạy đua tìm kiếm vốn để hoàn thành xây dựng dự án này.

Đà giảm giá của kim loại pin xe điện đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các công ty khai mỏ non trẻ. Hồi đầu tháng này, Core Lithium của Úc thông báo tạm dừng các hoạt động khai thác tại một mỏ quặng lithium lộ thiên cho đến khi các điều kiện được cải thiện, đồng thời cảnh báo về nguy cơ phá sản.

Panoramic Resources, nhà khai thác nickel ở Úc, đã đình chỉ hoạt động tại mỏ nickel lớn nhất của công ty sau khi nộp đơn xin phá sản vào cuối năm ngoái do không tìm được bên mua lại hoặc đối tác đầu tư.

Cơn hỗn loạn hiện nay trong ngành công nghiệp khai mỏ có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với nguồn cung kim loại pin xe điện. Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với sự chú trọng ngày càng tăng của các chính phủ trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các khoáng sản quan trọng trong tương lai.

Xây dựng các mỏ mới mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, và các dự án bị đình trệ thường khó có thể khởi động lại. Dù nguồn cung kim loại pin đang dư thừa, nhiều chuyên gia dự báo, tình trạng thiếu hụt sẽ diễn ra vào cuối thập niên này khi quá trình xanh hóa nền kinh tế tăng tốc.

Thị trường lithium từng rất nhỏ bé nhưng gần đây trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu vì vai trò quan trọng của kim loại này đối với pin xe điện. Tuy nhiên, chu kỳ bùng nổ và sụp đổ nhanh chóng trong vài năm qua của thị trường lithium cho thấy rất khó để dự báo sự cân bằng cung-cầu trong tương lai đối với cả nhà sản xuất lẫn nhà đầu tư của họ.

“Không có gì bất ngờ đối với các thị trường vật liệu đầu vào của xe điện như lithium và cobalt. Khi giá của chúng giảm, các dự án và nguồn cung cũng bị cắt giảm, giống như bất kỳ thị trường hàng hóa nào khác”, Tom Price, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum Capital, bình luận.

Kim loại pin là điểm sáng của ngành khai thác mỏ trong những năm gần đây. Với triển vọng nhu cầu dài hạn đối với quặng sắt và than đá suy yếu, nhu cầu mới bùng nổ đối với các vật liệu từ đồng đến lithium tạo cơ hội tăng trưởng khi các chính phủ và nhà sản xuất trên khắp thế giới chạy đua tranh giành những nguồn cung trong tương lai.

Các kim loại xanh này cũng giúp cải thiện hình ảnh của một ngành chịu nhiều tai tiếng về gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường. Các công ty khai mỏ đang thể hiện rằng họ mang đến giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu bằng cung cấp các vật liệu cần thiết cho năng lượng xanh để chấm dựt sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, nguồn cung kim loại pin vẫn tăng trong khi nhu cầu tăng chậm lại, dẫn đến giá cả rơi tự do. Giá lithium đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2021, do tình trạng dư cung ngày càng tăng mà một số nhà phân tích dự đoán sẽ kéo dài đến năm 2028. Giá cobalt đã giảm 2/3 từ mức đỉnh gần đây vào năm 2022, khiến Glencore (Thụy Sĩ), một trong hai nhà cung cấp lớn thế giới, chứng kiến hàng tồn kho tăng mạnh.

Giá nickel giảm 45% trong năm ngoái, do nguồn cung giá rẻ từ Indonesia tràn vào thị trường. Tình trạng giá cả sụt giảm gây khó khăn hơn cho các công ty muốn bán mỏ hoặc cổ phần. Ngành công nghiệp ô tô hứa hẹn trở thành nguồn cung vốn quan trọng khi các hãng xe như Ford Motor, General Motors sốt sắng mua cổ phần trong các mỏ kim loại pin xe điện hoặc ký các thỏa thuận mua trước các nguồn cung trong tương lai.

Tuy nhiên, xu hướng đó đang đình trệ. Nguồn tin từ các ngân hàng đầu tư cho biết các thương vụ mà họ tư vấn năm ngoái cho các hãng xe đã thất bại. Lý do là các hãng xe bắt đầu nhận thấy, nhu cầu xe điện tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​ban đầu, vì vậy, nhu cầu đảm bảo vật liệu pin cũng ít cấp bách hơn.

Thương vụ bán hai mỏ nickel ở  Brazil trị giá 1 tỉ đô la Mỹ của Appian Capital Advisory, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở Anh, thất bại sau khi một công ty mua lại mục đích đặc biệt niêm yết ở London, được Glencore hậu thuẫn và hai nhà sản xuất ô tô hậu thuẫn, “ngó lơ” thương vụ vì nickel giảm giá quá mạnh.

Cuộc chạy đua thu hút vốn ngày càng tập trung vào những nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót tiền vào ngành khai khoáng. Trong năm qua, Saudi Arabia đã nổi lên như “tay chơi lớn” trong bối cảnh vương quốc dầu mỏ này tìm cách đa dạng hóa khỏi nhiên liệu hóa thạch. Saudi Arabia đã đồng ý mua 10% cổ phần trong mảng kinh doanh nickel và đồng của Vale, tập đoàn khai khoáng của Brazil. Hội nghị chuyên đề về khai thác mỏ hàng năm của Saudi Arabia, diễn ra đầu tháng 1, thu hút một danh sách các CEO hàng đầu đến Riyadh, cùng với các chủ ngân hàng, nhà đầu tư quan trọng trong ngành khai mỏ.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới