Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá lúa mì tăng vọt, tăng áp lực lạm phát thực phẩm toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến sự ở Ukraine đã đẩy giá lúa mì tăng vọt lên mức cao nhất trong 14 năm qua, làm nghiêm trọng thêm tình hình lạm phát thực phẩm vốn đã căng thẳng trên toàn cầu.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa mì ở Krasne, tỉnh Chernihiv, Ukraine. Ảnh: AFP

Chốt phiên giao dịch hôm 1-3, các hợp đồng lúa mì tương lai được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) ở Mỹ tăng hết biên độ cho phép 5,4%, lên mức 9,84 đô la/bushel (một bushel lúa mì tương đương 27,2 kg), cao chưa từng thấy kể từ tháng 4-2008.

“Vụ thu hoạch lúa mì bắt đầu vào tháng 7 và sản lượng năm nay dự kiến ​​sẽ ở mức tốt, có nghĩa là nguồn cung sẽ dồi dào cho các thị trường toàn cầu trong điều kiện bình thường. Nhưng một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa mì ở nước này”, Karabekir Akkoyunlu, giảng viên tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London, nói.

Ngoài ra, việc các nước phương Tây loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ​​sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này.

Theo Gro Intelligence, một công ty phân tích dữ liệu nông nghiệp, Ukraine và Nga chiếm khoảng 14% sản lượng lúa mì toàn cầu và cung cấp khoảng 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, còn Ukraine đứng thứ 5. Hai nước này cạnh tranh xuất khẩu sang các thị trường như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Trước khi chiến sự nổ ra, Ukraine đang hướng đến năm kỷ lục về xuất khẩu lúa mì, trong khi xuất khẩu lúa mì của Nga đang chậm lại, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Giá lúa mì tăng là tin vui cho các nông dân Mỹ khi các nước nhập khẩu có thể tăng mua lúa mì của Mỹ nếu nguồn cung từ Ukraine và Nga bị hạn chế trong thời gian dài.

Theo Katie Denis, người đứng đầu bộ phận truyền thông và nghiên cứu của Hiệp hội các thương hiệu tiêu dùng Mỹ, cho dù các công ty sản xuất thực phẩm của Mỹ không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Ukraine, họ không miễn nhiễm hoàn toàn. Bà nói: “Đây là nền kinh tế toàn cầu. Áp lực tăng giá sẽ tác động khắp toàn thế giới”.

Robb MacKie, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà làm bánh mì và bánh ngọt Mỹ, nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến ​​lạm phát thực phẩm tiếp tục diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là bất cứ thứ gì sử dụng ngũ cốc”.

MacKie cho biết với tình hình chiến sự hiện nay, nông dân ở Ukraine không thể trồng lúa mì, bắp và những cây ngũ cốc khác. “Họ có thể mất một năm không gieo trồng vụ mùa nào", MacKie nói.

Viễn cảnh đó có thể sẽ đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng của Mỹ như ngũ cốc và bánh mì lên cao hơn. Ngũ cốc và các sản phẩm bánh nướng tại Mỹ tăng 6,8% trong năm ngoái do lạm phát, theo Bộ Lao động Mỹ. Giá cả thực phẩm tiêu dùng thường thấp hơn giá thị trường của lúa mì, ngô và các loại ngũ cốc  khác vì giá các hàng hóa này đã được ký hợp đồng trước. Điều đó có nghĩa là tác động lên người tiêu dùng sẽ xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Các cuộc tấn công quân sự của Nga đang gây ra sự gián đoạn lớn ở các cảng của Ukraine, gây cản trở hoạt động xuất khẩu, làm thắt chặt thêm nguồn cung lúa mì toàn cầu trong lúc nhu cầu không giảm, thậm chí tăng lên.

Jim Heneghan, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh nông nghiệp tại Gro Intelligence, nói: "Các cảng của Ukraine hiện đóng cửa với các chuyến tàu thương mại".

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng lên 28% trong năm 2021 do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thời tiết khắc nghiệt. Heneghan nói: “Tình hình hiện tại chỉ làm tăng thêm lạm phát giá thực phẩm mà chúng ta đang chứng kiến”.

Ông cho biết các công ty sản xuất thực phẩm Mỹ có thể sẽ tăng giá bán trong vài tháng tới vì giá bắp và đậu nành và dầu thô cũng đang tăng mạnh, chứ không chỉ riêng lúa mì.

Hôm 1-3, giá bắp tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago tăng hết biên độ cho phép, lên mức cao nhất trong gần 10 tháng giữa lúc các chuyến hàng xuất khẩu bắp từ Ukraine bị gián đoạn. Nếu chiến sự kéo dài, điều này sẽ cản trở các vụ gieo trồng trong mùa xuân sắp tới ở Ukraine. Giới đầu tư lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể khiến nông dân Nga giảm gieo trồng các vụ mùa như bắp trong thời gian tới. Nga và Ukraine chiếm khoảng 19% tổng nguồn cung bắp của thế giới.

Theo CNN, Aljazeera

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới