Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá nhiên liêu tăng vọt, đe dọa đà phục hồi của ngành hàng không toàn cầu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giữa lúc ngành hàng không đang tăng tốc phục hồi sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, một thách thức khác đang xuất hiện: chi phí nhiên liệu tăng vọt do giá dầu cao. Các hãng bay lớn trên toàn cầu lo ngại việc tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu sẽ tác động xấu đến nhu cầu nhưng họ không còn nhiều sự lựa chọn.

Đà phục hồi của ngành hàng không toàn cầu đang bị đe dọa do chi phí nhiên liệu tăng vọt. Ảnh: travelinglifestyle

Giá nhiên liệu máy bay tăng lên mức cao nhất 14 năm

Trong tuần này, lãnh đạo các hãng bay lớn nhất của châu Âu đã tham dự một cuộc họp trực tiếp lần đầu tiên trong hai năm qua tại Brussels (Bỉ). Tại cuộc họp, họ hồ hởi ghi nhận nhu cầu đi lại hàng không đang tăng bùng nổ sau khi các hạn chế liên quan đến Covid-19 được dỡ bỏ.

Carsten Spohr, Giám đốc điều hành hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa, cho biết công ty ông sẽ bay nhiều đường bay ngắn vào mùa hè này hơn so với năm 2019. Trong khi đó, AIG, chủ sở hữu của hãng hàng không British Airways (Anh) có kế hoạch phục hồi tuần suất bay xuyên Đại Tây Dương về mức trước đại dịch vào mùa hè.

Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu, Ryanair (Ireland) dự kiến ​​sẽ phục vụ 165 triệu hành khách trong năm tài chính này, bắt đầu từ tháng 4-2022, cao hơn so với con số 150 triệu trước đại dịch.

Giám đốc điều hành Johan Lundgren của hãng hàng không giá rẻ easyJet (Thụy Sĩ), nói: “Nhu cầu lớn bị dồn nén sẽ bung ra vào mùa hè, không có ai nghi ngờ gì về điều đó”.

Nhưng giá nhiên liệu, chiếm tới một phần ba chi phí của một hãng hàng không, đang đe dọa khả năng kiếm lợi nhuận của các hãng bay từ đà phục hồi nhanh chóng này.

Nhiên liệu máy bay đã tăng hơn 33%, lên mức hơn 150 đô la/thùng kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, khiến thị trường hàng hóa rơi vào tình trạng hỗn loạn. Giá nhiên liệu máy bay đang ở mức cao nhất trong 14 năm qua và thậm chí đà tăng giá nhiên liệu máy bay còn nhanh hơn cả giá dầu chuẩn quốc tế Brent.

Các hãng bay Mỹ cũng đã cảnh báo họ sẽ chuyển chi phí nhiên liệu sang hành khách vì đặt cược rằng nhu cầu đi lại hàng không vẫn đủ vững mạnh để chịu được mức giá vé tăng thêm. Chẳng hạn, hãng Delta Air Lines cho biết cần phải lấy lại chi phí khoảng 15-20 đô la trên mỗi tấm vé có giá trung bình khoảng 200 đô la để bù đắp cho chi phí nhiên liệu tăng thêm.

Một số hãng bay đã áp dụng phụ phí nhiên liệu, khiến giá vé đắt hơn. Hai hãng bay Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan) cho biết các chuyến bay đường dài sẽ đắt hơn. Một chuyến bay khứ hồi trên máy bay của KLM từ Amsterdam (Hà Lan) đến New York (Mỹ) sẽ tăng thêm 40 euro đối với hạng phổ thông và 100 euro đối với hạng thương gia.

Carsten Spohr, Giám đốc điều hành Lufthansa khẳng định dứt khoát rằng các hãng bay cần “đảm bảo mô hình kinh doanh vẫn hoạt động” trong điều kiện khó khăn bao gồm cả chi phí sân bay và nhân viên đều đang tăng cao hơn. Ông nói: “Lạm phát rốt cục sẽ tác động đến mọi ngành kinh doanh”.

Lợi thế thuộc về hãng bay chủ động phòng vệ giá nhiên liệu

Các hãng bay giá rẻ đặc biệt dễ bị tổn thương vì chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng cao hơn trong giá vé tổng thể so với các đối thủ có dịch vụ đầy đủ, vốn tính giá vé trên mỗi ghế ngồi cao hơn.

Khi lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu, du khách tìm kiếm các chuyến bay giá rẻ có thể nhạy cảm hơn với chi phí, gây khó khăn cho bài toán tăng giá vé máy bay mà không gây tổn thương nhu cầu.

Johan Lundgren, Giám đốc điều hành easyJet nói rằng các hãng bay chắc chắn sẽ phải tự gánh chịu một phần chi phí tăng thêm nhưng các biện pháp cắt giảm chi phí sâu của ngành hàng không trong thời kỳ đại dịch sẽ giúp làm nhẹ tác động này.

"Chúng tôi phải luôn đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp giá vé thực sự hấp dẫn cho hành khách. Và việc định giá sẽ rất linh hoạt”, ông nói.

Michael O’Leary, ông chủ của hãng Ryanair, nói: “Nhu cầu đi du lịch trong mùa hè này rất mạnh, nhưng ngoài thời kỳ cao điểm này, khách hàng vẫn cần những ưu đãi. Tôi buồn khi thông báo rằng tại Ryanair, giá vé đang giảm trong tháng 4 và tháng 5 so với năm 2019. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực phục hồi lượng đặt vé trước trong mùa hè này”.

O’Leary cho biết Ryanair được bảo vệ tốt hơn hầu hết các các hãng bay khác vì đã sử dụng nghiệp phòng vệ rủi ro (hedging) để chốt mua 80% lượng nhiên liệu dự kiến ​​sử dụng trong năm nay ở mức khoảng giá khoảng 63 đô la/thùng, một quyết định giúp công ty có lợi nhuận trở lại trong năm nay.

Khi được hỏi liệu sự gia tăng đột biến về dầu có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh bất ngờ đối với Ryanair hay không, O’Leary cho biết đà tăng trưởng của công ty ông bị hạn chế bởi số máy bay mới mà Boeing giao bị chậm trễ.

Tuy nhiên, ông vẫn kỳ vọng kiếm được lợi nhuận lớn. Ông nói: “Chúng tôi sẽ thất vọng nếu không kiếm được lợi nhuận trên 1 tỉ đô la trong 12 tháng tới. Phần lớn lợi nhuận này là nhờ lợi thế phòng vệ rủi ro giá nhiên liệu. Nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào việc nhu cầu phục hồi mạnh mẽ như thế nào trong mùa hè này”.

Đối thủ giá rẻ Wizz Air (Hungary) chứng kiến cổ phiếu giảm gần 40% trong năm nay vi đã không sử dụng nghiệp vụ hedging khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhưng đã nhanh chóng hành động bằng việc triển khai nghiệp vụ này vào tháng 3 sau khi giá nhiên liệu giao ngay đã tăng vọt.

Martin Gauss, Giám đốc điều hành hãng bay AirBaltic (Latvia), cho rằng các hãng bay không thể đơn giản chuyển chi phí tăng thêm cho hành khách mà không xem xét đến đến giá vé của các hãng khác.

Ông nói: “Về cơ bản, thị trường sẽ quyết định giá vé. Nếu thị trường không tăng giá thì với chi phí nhiên liệu tăng cao hơn, bạn có hai sự lựa chọn: hoặc là không kiếm được khách vì bạn bán vé với giá không hợp lý, hoặc là bạn chấp nhận mức tổn thất chi phí cao hơn”.

Robert Boyle, cựu giám đốc bộ phận chiến lược tại IAG, nhận định Ryanair có thể tận dụng lợi thế của việc bảo hiểm rủi ro giá nhiên liệu và bảng cân đối kế toán mạnh mẽ để giữ giá vé ở mức thấp và gia tăng sức ép các đối thủ cạnh tranh.

Ông nói: “Yếu tố Ryanair sẽ khiến các hãng hàng không khác khó tăng giá vé mà không tác động lớn đến nhu cầu. Nếu họ vẫn tăng giá vé và cắt giảm công suất để bù đắp cho số lượng hành khách mất mát, họ sẽ nhường lại thị phần thậm chí còn lớn hơn cho Ryanair”.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới