Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá nhựa PET tái chế tăng gấp đôi vì nhu cầu quá lớn của ngành đồ uống và hàng tiêu dùng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá của loại nhựa tái chế phổ biến nhất tăng gấp đôi trong một năm qua, đạt mức cao kỷ lục mới giữa lúc các công ty tranh giành nguồn cung hạn chế, đe dọa các mục tiêu tăng sử dụng nhựa tái chế đầy tham vọng của nhóm doanh nghiệp đồ uống và hàng tiêu dùng.

Chai nhựa PET được thu gom để tái chế ở Ấn Độ. Ảnh: Money Control

Theo Công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa ICIS, giá vụn nhựa polyethylene terephthalate (PET) từ nguồn tái chế ở châu Âu đã tăng 103% lên 1.690 euro/tấn kể từ tháng 1 năm 2021 sau khi các nhà sản xuất hàng gia dụng, thực phẩm, đồ uống và may mặc nâng các mục tiêu sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm của họ trong nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính.

ICIS cho biết thêm, giá chai nhựa PET đã qua sử dụng, được sử dụng để sản xuất vụn nhựa PET, thậm chí còn tăng mạnh hơn, hơn gấp ba lần kể từ tháng 1 năm 2021. Tại Mỹ, giá nhựa tái chế cũng tăng vọt.

Trong tuần trước, giá nhựa PET tái chế đã vượt qua mức giá nhựa PET nguyên sinh, do nhu cầu đối với sản phẩm nhựa PET sau tiêu dùng lớn hơn tác động của giá nhiên liệu hóa thạch tăng đối với giá PET nguyên sinh (nhựa PET có nguồn gốc từ dầu mỏ).

Các hãng sản xuất đồ uống đã trở thành tâm điểm của sự chú ý về vấn đề sử dụng các sản phẩm nhựa một lần - đặc biệt kể từ khi bộ phim tài liệu Blue Planet II của nhà tự nhiên học nổi tiếng, David Attenborough phát hành vào 2017 giống lên hồi chuông cảnh báo tác động của tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương. Các chai nhựa PET mà ngành công nghiệp đồ uống dùng để đóng gói sản phẩm cũng là nguyên liệu chính của nhựa PET tái chế.

Các tập đoàn đồ uống và thực phẩm đa quốc gia bao gồm Coca-Cola, PepsiCo, Nestlé, Keurig Dr Pepper và Danone đều đặt mục tiêu sử dụng ít nhất từ 25% trở lên nhựa tái chế trong bao bì của họ vào năm 2025, một mục tiêu được Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với chai PET.

Helen McGeough, nhà phân tích cấp cao về tái chế nhựa tại ICIS, cho biết giá cao và nguồn cung hạn chế đang kìm hãm nỗ lực tăng sử dụng nhựa PET tái chế của các tập đoàn này. Ông cho biết nhiều dự án sử dụng nhựa tái chế đang bị đình trệ do thiếu nguồn cung.

Sue Garrard, nhà tư vấn về bền vững, nói: “Nguồn cung nhựa PET tái chế không đáp ứng được nhu cầu bởi vì ngành công nghiệp tái chế không thể mở rộng quy mô đủ nhanh ngay cả khi các doanh nghiệp đồ uống và thực phẩm đã phát đi các tín hiệu mua mạnh mẽ”.

Tháng trước, ba tập đoàn sản xuất đồ uống không cồn đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cho phép họ ưu tiên tiếp cận với chai nhựa PET tái chế trước các doanh nghiệp trong các ngành khác như may mặc.

Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ), cho biết: “Để đạt sự lưu hành đầy đủ đối với chai PET, chúng ta cần tăng số lượng chai PET thu gom để tái chế cũng như đảm bảo rằng chúng sẽ được sử dụng để sản xuất chai PET mới trong một chu trình khép kín, với quyền tiếp cận ưu tiên cho các nhà sản xuất đồ uống”.

Hiệp hội nước giải khát châu Âu (UNESDA) cho hay: “Nếu không có các cơ chế pháp lý thích hợp, mục tiêu tăng sử dụng nhựa PET tái chế của ngành công nghiệp giải khát sẽ vẫn còn nhiều thách thức”.

Jim Andrew, Giám đốc phát triển bền vững tại PepsiCo, cho biết Pepsi đang thúc đẩy các mục tiêu bao gồm chuyển “các sản phẩm chủ chốt mang thương hiệu Pepsi” tại 11 thị trường châu Âu sang sử dụng 100% nhựa tái chế trong năm nay nhằm giảm 30% khí thải nhà kính cho mỗi chai nhựa PET.

Ông nói: “Chúng tôi đang phấn đấu để 100% bao bì của chúng tôi có thể được tái chế, làm phân trộn hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Chúng tôi hiểu rằng việc thu gom chai nhựa PET đã qua sử dụng và tăng nguồn cung của nhựa PET tái chế đòi hỏi phải cải thiện cơ sở hạ tầng và các chính sách thông minh”.

Một số nước châu Âu đang tìm cách áp dụng các chương trình hoàn trả tiền ký quỹ cho khách hàng gửi lại các chai nhựa PET đã qua sử dụng, trong khi một số nước, chẳng hạn như Đức, đã triển khai chính sách này. Các nước châu Âu khác bao gồm Vương quốc Anh cũng đang mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất bằng cách buộc họ phải tài trợ cho các dịch vụ tái chế rác thải bao bì của họ.

Tuy nhiên, nhà tư vấn Sue Garrard cảnh báo tiềm năng của những kế hoạch như vậy bị hạn chế bởi biên lợi nhuận mỏng trong lĩnh vực tái chế nhựa PET.

Bà nói: “Câu hỏi đặt ra là, các nguyên tắc kinh tế vòng tròn có thể đi được bao xa khi bạn xem xét xử lý vấn đề rác thải bao bì nhựa nhưng nhưng rất nhiều bao bì tái chế vốn dĩ phụ thuộc thị trường có tỷ suất lợi nhuận thấp?”.

Sander Defruyt, Giám đốc Sáng kiến kinh tế nhựa mới tại Quỹ Ellen MacArthur (Anh), nhận định việc tăng hàm lượng tái chế trong chai nhựa đựng đồ uống và các bao bì khác sẽ “khó khăn hơn qua từng năm” nhưng tiến bộ gần đây trong nỗ lực này là “chưa có tiền lệ”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới