Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá nickel đắt đỏ, đe dọa triển vọng của ngành xe điện

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giới phân tích lo ngại chi phí đắt đỏ của nickel sẽ làm tăng giá bán xe điện, cản trở các kế hoạch xe điện đầy tham vọng của các hãng xe trên toàn cầu.  Nickel, thành phần quan trọng của pin xe điện và thép không gỉ, tăng giá phi mã 250%, lên mức hơn 100.000 đô la/tấn chỉ trong hai phiên giao dịch đầu tuần này ở sàn giao dịch kim loại London (LME).

Các bộ pin xe điện di chuyển trên một dây chuyền ở nhà máy lắp ráp pin của hãng xe General Motors ở Brownstown, bang Michigan, Mỹ. Ảnh: Detroit Free Press.

Giá nickel tăng sốc, công ty Trung Quốc đối mặt với thua lỗ 8 tỉ đô la

Trong một động thái bất thường, sàn LME đã phải tạm dừng giao dịch nickel kể từ sáng 8-3 vì mức biến động giá quá lớn.

Sáng 9-3, giá nickel trên sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (Trung Quốc) tăng hết biên độ 17%, lên mức cao kỷ lục 267.700 nhân dân tệ (42.400 đô la Mỹ)/tấn. Sàn này buộc phải dừng giao dịch nickel vào phiên buổi chiều.

Theo các nhà phân tích, chuyển động giá bất thường của nickel trên sàn LME chủ yếu là do giới đầu tư Trung Quốc phải đóng (hoặc bị đóng) các vị thế bán khống sau khi giá kim loại này tăng đến 70% vào hôm 7-3.

Tờ Wall Street Journal đưa tin Công ty Tsingshan Holding Group (Trung Quốc), nhà sản xuất nickel và thép không gỉ lớn nhất thế giới, đối mặt với khoản thua lỗ trên giấy tờ lên đến 8 tỉ đô la Mỹ vì đang nắm giữ các vị thế bán khống nickel với khối lượng lớn trên sàn LME. Trả lời báo chí Trung Quốc, doanh nhân Xiang Guangda, người sáng lập Tsingshan Holding Group, nói rằng các lãnh đạo và ban ngành liên quan ở Trung Quốc rất ủng hộ Tsingshan Holding Group và công ty vẫn duy trì hoạt động bình thường.

Tsingshan Holding Group khẳng định tình hình tài chính của công ty vẫn lành mạnh và có thể chịu dựng các khoản lỗ lớn từ các hợp đồng tương lai liên quan đến nickel. Hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Tsingshan Holding Group đã tìm được một gói vay mới từ các ngân hàng trong nước và quốc tế để đáp ứng các yêu cầu nộp thêm tiền ký quỹ, giúp duy trì các vị thế bán khống nickel.

Đà tăng giá của nickel ban đầu được kích hoạt bởi các lo ngại về rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Nga, nước sản xuất khoảng 17% nickel chất lượng cao của thế giới sau khi Moscow liên tiếp hứng các đòn trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến tranh mà Nga phát động đối với Ukraine.

Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích tại Công ty Swissquote, nói: “Những gì đã xảy ra trong phiên giao dịch nickel hôm 8-3 là một cảnh báo rằng bán khống trong khi các yếu tố cơ bản trên thị trường cho thấy nickel đang trong xu hướng tăng giá là một ván cược rất rủi ro”.

Chi phí sản xuất xe điện tăng thêm 1.000 đô la/chiếc

Tuy nhiên, câu chuyện giá nickel tăng sốc không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đang nắm giữ các vị thế bán khống mà còn có nguy cơ tác động lớn đến triển vọng tăng trưởng của ngành xe điện.

Nickel là một thành phần quan trọng trong các tế bào pin lithium-ion được sử dụng trong nhiều mẫu xe điện cao cấp hiện nay.

Pin lithium-ion thế hệ cũ sử dụng cực âm có 1/3 là là nickel. Trong những năm gần đây, các hãng đã tăng tỷ lệ nickel ở cực âm của pin để tăng mật độ năng lượng và phạm vi hoạt động của xe điện. Hầu hết pin lithium-ion hiện nay sử dụng cực âm có chứa ít nhất 60% nickel.

Một số hãng xe thậm chí còn sử dụng nickel nhiều hơn ở cực âm của pin để giảm hoặc loại bỏ cobalt và một phần là để tăng mật độ năng lượng cho các ứng dụng cao cấp. Ví dụ, cực âm ở các tế bào pin xe điện mà tập đoàn LG Chem của Hàn Quốc cung cấp cho Tesla có đến 90% nickel.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 7-3, Adam Jonas, nhà phân tích ô tô của Ngân hàng Morgan Stanley, viết: “Tính đến thời điểm viết báo cáo này, giá nickel đã tăng 67,2% chỉ trong ngày hôm nay (7-3), có nghĩa là chi phí đầu vào cho mỗi chiếc xe điện ở Mỹ tăng thêm khoảng 1.000 đô la”.

Jonas cho rằng các nhà đầu tư nên giảm kỳ vọng đối với lợi nhuận nhập của các hãng ô tô và doanh số bán xe điện trong vài năm tới. Theo ông, sự tăng giá đột ngột của nickel có thể gây tổn thương cho các kế hoạch sản xuất xe điện tham vọng của các hãng xe toàn cầu bao gồm General Motors và Ford Motor.

Nhu cầu pin LFP (không sử dụng nickel) sẽ tăng mạnh

Pin có hàm lượng nickel cao tạo ra các lợi thế đáng kể cho xe điện. Nhưng ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, giá nickel cũng không được xem là rẻ và các chuyên gia lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nickel khi các hãng xe toàn cầu chạy đua sản xuất xe điện.

Các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cảnh báo nhu cầu nickel cao cấp trên toàn cầu có khả năng vượt xa nguồn cung vào năm 2024.

Các hãng xe cũng phát tín hiệu rằng pin lithium-ion có hàm lượng nickel cao có thể chỉ sử dụng hạn chế cho các ứng dụng cao cấp, chẳng hạn như xe tải nặng hay sử dụng để làm lợi điểm bán hàng cho các mẫu xe sedan điện sang trọng.

Hầu hết công ty pin xe điện ở châu Á đều tránh được tác động ngay lập tức của cú tăng giá phi mã trên thị trường nickel nhờ đã ký các hợp đồng mua nickel dài hạn cũng như xây dựng được chuỗi cung ứng đa dạng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu chi phí nickel vẫn duy trì ở mức cao trong dài hạn, điều này sẽ gây tổn thương cho các hãng xe vốn đang chật vật ứng phó tình trạng thiếu chip.

Những hãng xe chưa chốt các thỏa thuận mua nickel dài hạn trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine sẽ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn. Họ có thể chọn cách chấp nhận tăng chi phí, giảm biên lợi nhuận hoặc có thể cố gắng chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng. Nhiều khả năng, họ sẽ kết hợp cả hai cách này.

Một kỹ sư pin xe điện giấu tên ở Trung Quốc nói: “Nếu giá nickel duy trì ở mức cao trong thời gian dài, các nhà cung cấp không còn sự lựa chọn nào khác là phải thương lượng lại giá bán. Họ luôn có thể viện dẫn điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng để làm điều này. Không ai có thể dự báo được một chiến tranh lại như thế này”.

Tuy nhiên, không phải mẫu xe điện nào cũng bị ảnh hưởng vì giá nickel đắt đỏ. Có một loại pin xe điện, được gọi là pin LFP, sử dụng hợp chất lithium iron phosphate (LiFePO4), có chi phí rẻ hơn ở cực âm, chứ không sử dụng nickel hay cobalt.

Tuy nhiên, pin LFP có mật độ năng lượng thấp hơn so với pin lithium-ion. Có nghĩa là bộ pin LFP sẽ nặng hơn bộ pin lithium-ion có cùng công suất. Trọng lượng pin quá nặng sẽ không phải là điều lý tưởng đối với mẫu xe điện cao cấp vì sẽ hạn chế hiệu suất và khả năng xử lý xe.

Các hãng xe Trung Quốc đã sử dụng pin LFP ở các mẫu xe điện giá rẻ trong nhiều năm qua. Vào mùa thu năm ngoái, hãng xe điện Tesla (Mỹ) bắt đầu sử dụng pin LFP ở các mẫu xe có phạm vi hoạt động trung bình để giảm chi phí sản xuất. Giờ đây, với giá nickel tăng phi mã, nhu cầu pin LFP sẽ tăng mạnh vì các hãng xe lớn toàn cầu khác có thể sẽ đi theo cách làm của Tesla.

Theo CNBC, Reuters

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới