(KTSG Online) - Nguồn cung dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi nhưng sức mua lại yếu cộng với áp lực từ rau nhập khẩu đã khiến giá rau tại vườn xuống thấp. Người nông dân đối diện với nguy cơ thua lỗ vì không tìm được đầu ra cho nguồn hàng.
- Giá rau xanh các tỉnh miền Trung tăng vọt sau đợt ngập lụt
- Xôi, chè, rau câu cá chép không tăng giá ngày Tết ông Công ông Táo
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Phước An, huyện Bình Chánh, TPHCM, cho biết hiện nay thương lái thu mua rau với giá thấp hơn nhiều so với trước Tết. Chẳng hạn, xà lách chỉ còn 8.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 18.000 đồng/kg trước đó. Cải ngọt, cải xanh cũng chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg trong khi trước Tết dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Thích, hợp tác xã có khoảng 30 hecta trồng rau màu các loại nhưng hiện nay chỉ cung ứng dưới 1.500 tấn rau, giảm mạnh so với mức gần 3.000 tấn/ngày ghi nhận vào trước Tết Nguyên đán.
“Giá giảm sâu khiến nhiều nông dân lỗ vốn, thậm chí phải tự mang rau ra chợ bán lẻ để gỡ chi phí. Mặc dù các bếp ăn, trường học đã quay trở lại lấy hàng nhưng số lượng vẫn rất ít, có những bếp ăn 1 tuần chỉ lấy 1-2 lần rau thay vì 4-5 lần như trước Tết khiến lượng rau bị dư ra, hư hỏng và bỏ đi rất nhiều vì không thể tiêu thụ kịp sau khi thu hoạch”, ông Thích nói.

Tình trạng này cũng được ông Lê Văn Giấy, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn 12, tỉnh Long An xác nhận. Theo ông, lượng rau bị bỏ đi khá lớn do thương lái thu mua với giá thấp và số lượng hạn chế, chỉ bằng một nửa so với trước Tết. Nguyên nhân chính là nguồn cung rau vụ Đông Xuân dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh trong khi nhu cầu tiêu thụ sau Tết lại giảm đáng kể. Mặc dù giá rau đã xuống thấp, sức mua vẫn rất yếu.
“Ngày thường hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn rau, mùa Tết thì hơn 20 tấn rau/ngày nhưng hiện tại thương lái đến mua chỉ còn khoảng 5-6 tấn. Tình hình tại hợp tác xã đang rất khó khăn vì không tìm được đầu ra cho lứa rau chuẩn bị thu hoạch” ông Giấy chia sẻ.
Theo báo cáo nhanh từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), lượng rau nhập chợ cũng đã giảm mạnh. Nếu như trước Tết mỗi ngày lượng rau về chợ khoảng hơn 2.000 tấn rau ngày thì nay chỉ còn khoảng 1.500 tấn.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng rau củ trong nước còn chịu áp lực từ nguồn hàng nhập khẩu. Lượng rau củ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam với giá rẻ đã khiến nguồn cung vượt cầu, làm cho giá trong nước càng giảm sâu.
Không chỉ rau xanh, các loại củ như su hào, cà rốt cũng chịu chung số phận. Hiện thương lái chỉ thu mua cà rốt loại đẹp với giá khoảng 5.000 đồng/kg còn những củ xấu thường bị bỏ lại. Nông dân buộc phải bán số cà rốt loại này cho các sạp chợ truyền thống với giá rất thấp nhưng vẫn không đủ bù chi phí sản xuất.
Để ứng phó với tình trạng tiêu thụ chậm, nhiều hộ dân đã tìm cách làm chậm quá trình sinh trưởng của rau bằng cách tưới nước ít hơn, thậm chí hoãn gieo trồng vụ mới để chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi rau xanh có chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ hơn một tháng là đến kỳ thu hoạch. Nếu không bán kịp, rau sẽ già, buộc phải nhổ bỏ.