Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá thiếc lên mức kỷ lục giữa cơn bùng nổ nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá thiếc lên mức kỷ lục giữa cơn bùng nổ nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng

Khánh Lan

(KTSG Online) - Giá thiếc tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử khi giới đầu tư đặt cược rằng cơn bùng nổ nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện tử tiêu dùng và tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Đông Nam Á do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ khiến kim loại này thiếu hụt trầm trọng.

Giá thiếc lên mức kỷ lục giữa cơn bùng nổ nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng
Bên trong một nhà kho thiếc ở Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Tuần trước, giá thiếc kỳ hạn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng vọt lên mức hơn 34.000 đô la Mỹ/tấn, vượt qua mức giá kỷ lục 33.600 đô la/tấn, được thiết lập cách đây 10 năm. Giá thiếc đã tăng 9% trong tháng này và tăng 70% kể từ đầu năm. Nếu tính từ điểm giá thấp nhất trong năm 2020, giá thiếc đã tăng 133%. Giá thiếc trung bình trong năm 2020 chỉ là 18.195 đô la, giảm 9,7% so với năm trước đó.

Giữa lúc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan khắp châu Á và châu Phi, dẫn đến lệnh phong tỏa các hoạt động kinh tế và đi lại, giới đầu tư lo ngại nguồn cung thiếc sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn. Các công ty khai thác thiếc lớn ở Indonesia, Malaysia, Myanmar và Rwanda đang đối mặt với các hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, khiến nguồn cung bị tắc nghẽn. Hơn nữa, tình trạng khan hiếm container cũng gây trì hoãn hoạt động xuất khẩu thiếc từ Đông Nam Á và Mỹ Latin.

John Meyer, nhà phân tích thị trường thiếc ở Công ty SP Angel, cho biết: “Nhu cầu thiếc tiếp tục tăng giữa lúc cơn khủng hoảng vận tải biển và các vấn đề sản lượng do tác động của đại dịch Covid-19 đang kìm hãm nguồn cung”.

Thiếc là kim loại nóng chảy ở nhiệt độ khá thấp so với các kim loại khác, được sử dụng để hàn các vi chip vào các bảng mạch. Nhu cầu thiếc tăng vọt khi làn sóng mua sắm các sản phẩm điện tử tiêu dùng như tivi, laptop, iPad, điện thoại thông minh... trỗi dậy trong thời kỳ dịch bệnh do nhiều người buộc phải học hành và làm việc tại nhà.

Một số nhà đầu tư cũng dự đoán tiêu thụ thiếc và các kim loại công nghiệp khác như đồng sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ 5G được triển khai rộng rãi hơn. Các vấn đề khí hậu cũng góp phần dẫn đến tình trạng thắt nút cổ chai ở chuỗi cung ứng thiếc. Trung Quốc, nước sản xuất thiếc lớn nhất thế giới, đang bị lũ lụt tàn phá nhiều vùng và một số nhà máy tinh luyện thiếc ở nước này cũng đối mặt với thiếu điện do lưới điện quá tải trong mùa hè.

Hiệp hội Thiếc quốc tế cho biết các nhà máy luyện thiếc ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc buộc phải dừng hoạt động 10-20 ngày trong mùa hè qua do thiếu điện, khiến sản lượng thiếc suy giảm khoảng 1.000-2.000 tấn.

“Bạn sẽ phải cần đặt mua thiếc từ 4 nhà cung cấp khác nhau mới có thể hy vọng một trong số họ sẽ giao hàng kịp thời. Nếu lô hàng thiếc của bạn bị giao trễ, bạn có thể mua từ nhà cung ứng khác nhưng người bán sẽ nâng giá”, Edward Meir, nhà tư vấn thị trường kim loại ở Công ty môi giới ED&F Man Capital Markets, nói.

Giá thiếc tăng dù giá của hàng hóa công nghiệp khác hạ nhiệt trong thời gian gần đây do giới đâu tư lo ngại biến thể Delta sẽ làm giảm nhu cầu và Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra thị trường các vật liệu như đồng từ kho dự trữ để kiểm soát cơn tăng giá quá nóng của chúng. James Willoughby, nhà phân tích ở Hiệp hội Thiếc quốc tế,  cho biết Trung Quốc không có lượng thiếc dự trữ đáng kể, nên có ít khả năng nước này sẽ xuất kho dữ trữ thiếc. Giới phân tích dự báo thiếc nhu cầu thiếc của ngành điện tử vẫn còn mạnh mẽ.

Trong năm 2020, sản lượng thiếc toàn cầu giảm 6,4%, về mức 359.000 tấn, đánh dấu năm giảm thứ 3 liên tiếp.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu sản lượng thiếc toàn cầu với thị phần khoảng 47%, tương đương 168.000 tấn.

Ngoại trừ Nga, Congo và Nigeria, tất cả các nước sản xuất thiếc còn lại đều ghi nhận sản lượng thiếc giảm đáng kể trong năm ngoái. Chẳng hạn, sản lượng thiếc của Indonesia, nước sản xuất thiếc lớn thứ 2 thế giới, giảm 15%, còn mức giảm ở Myanmar, nước sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới, lên đến 21%.

Năm ngoái, xét về giá trị, Mỹ là nước nhập khẩu thiếc lớn nhất (540 triệu đô la Mỹ), tiếp đến là Singapore (374 triệu đô la) và Malaysia (368 triệu đô la).

Theo WSJ, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới