(KTSG Online) - Giá cả thực phẩm toàn cầu lần đầu tiên tăng trong một năm qua do đà tăng của giá đường, thịt và gạo, theo dữ liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
- Thị trường gạo toàn cầu dự báo thiếu hụt lớn nhất trong 20 năm
- Giá thực phẩm toàn cầu giảm tháng thứ 10 liên tiếp
Hôm 5-5, FAO cho biết chỉ số giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 4 đạt mức trung bình 127,2 điểm, tăng 0,6% so với mức 126,5 điểm hồi tháng 3, nhưng thấp hơn 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
FAO giải thích đà tăng của giá thực phẩm trong tháng vừa qua phản ánh giá đường, thịt và gạo tăng cao, bù đắp cho mức giảm giá của các ngũ cốc khác, bơ sữa và dầu ăn.
“Khi các nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sẽ tăng lên, gây áp lực tăng giá thực phẩm”, Maximo Torero, nhà kinh tế trưởng của FAO, nói.
Trong tháng 4, chỉ số giá đường tăng 17,6% so với tháng 3 và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10-2011. FAO cho biết gia đường tăng là do các lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt hơn sau khi sản lượng đường của Ấn Độ và Trung Quốc được dự báo giảm, đồng thời, sản lượng đường của Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU) thấp hơn dự kiến.
Chỉ số giá thịt tăng 1,3% trong tháng 4, chủ yếu do giá thịt heo và thịt gia cầm tăng cao hơn trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của châu Á tăng và hoạt động sản xuất bị kìm hãm do các vấn đề về sức khỏe thú y bao gồm dịch cúm gia cầm.
Theo báo cáo của FAO, ngoại trừ gạo, chỉ số giá đối với các loại thực phẩm chính khác đều tiếp tục xu hướng giảm, với giá sữa giảm 1,7%, giá dầu thực vật giảm 1,3% và giá ngũ cốc giảm 1,7% so với tháng 3.
Giá lúa mì quốc tế giảm 2,3% trong tháng 4, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2021, chủ yếu do lượng lúa mì có sẵn để xuất khẩu tăng lên ở Nga và Úc. Điều kiện mùa vụ thuận lợi ở châu Âu, cùng với một thỏa thuận hồi cuối tháng 4 cho phép ngũ cốc của Ukraine quá cảnh ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng góp phần khiến thị trường ngũ cốc dịu lại. Giá bắp trên thị trường thế giới giảm 3,2% trong tháng 4, do nguồn cung theo mùa cao hơn ở Nam Mỹ khi vụ thu hoạch thuận lợi cho thấy sản lượng bắp sẽ đạt kỷ lục ở Brazil. Trong khi đó, nhu cầu tăng cao ở Á đã đẩy giá gạo tăng lên trong tháng 4, đảo ngược hầu hết mức giảm ghi nhận vào tháng 3 -2023.
“Giá gạo tăng là thông tin cực kỳ đáng lo ngại. Điều cấp bách hiện nay là sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen phải được gia hạn để tránh bất kỳ đợt tăng đột biến nào khác của lúa mì và bắp”, Torero nói khi đề cập đến thỏa thuận cho phép xuất Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Giá gạo có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới khi tình hình hạn hán ở châu Âu đang đe dọa sản lượng gạo ở khu vực này.
Giá gạo đã tăng vọt trong năm qua và hiện giá gạo trung bình ở các siêu thị của Anh đắt hơn trung bình 23% so với một năm trước.
Giá gạo tăng chủ yếu là do thời tiết xấu ở các nước sản xuất gạo lớn như Trung Quốc và Pakistan, dự kiến khiến thị trường gạo toàn cầu thiếu hụt lớn nhất trong hai thập niên vào cuối năm nay, theo một báo cáo của Fitch Solutions hồi tháng trước.
Thời tiết như thiêu đốt ở Tây Ban Nha, nhà sản xuất gạo lớn thứ hai ở châu Âu, sẽ làm tăng thêm áp lực đối với nguồn cung gạo. Nhiệt độ ở một số vùng ở Tây Ban Nha đang ở mức hơn hơn 40°C và vùng Catalonia của nước này đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm.
“Lúa được trồng theo cách truyền thống, nhưng với tình trạng thiếu nước và nhiệt độ tăng cao, nông dân Tây Ban Nha đang có kế hoạch chuyển sang các loại cây trồng ít tốn nước và cứng cáp hơn như cây ô liu và đậu nành”, Jason Bull, giám đốc của Eurostar Commodities, nói.
Hãng nghiên cứu tư vấn bán lẻ thực phẩm Mintec (Anh) ghi nhận, giá gạo tăng cao khắp nơi trên thế giới, với giá gạo của Ấn Độ tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá gạo giảm nhẹ trong vài tuần qua, hiện tượng thời tiết El Niño có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lúa gạo trong thời gian tới.
Giá gạo của Việt Nam dự kiến vẫn ở mức cao. “Giá gạo Việt Nam dự kiến duy trì ở mức cao trong ngắn hạn khi những bất ổn về kinh tế và chính trị toàn cầu thúc đẩy các nước tăng cường dự trữ lương thực”, Mintec cho biết
Theo Reuters, The Grocer