Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá trị IPO ở Đông Nam Á giảm hơn 60% trong nửa đầu năm

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá trị IPO (niêm yết lần đầu) tại các nước Đông Nam Á đạt 1,54 tỉ đô la, giảm hơn 62% trong nửa đầu năm nay, do nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao và căng thẳng địa chính trị. Đó còn là tình hình kém sắc chung ở khắp châu Á. Trong khi đó, các đợt IPO ở châu Âu và Mỹ đều tăng mạnh, cả về số đợt niêm yết và vốn huy động.

Malaysia chiếm 5/10 thương vụ IPO giá trị lớn nhất ở Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: Nikkei Asia

Các phân tích do Nikkei Asia và hãng nghiên cứu Dealogic của Mỹ cùng thực hiện cho thấy số lượng IPO giảm 12% xuống còn 71.

Không có thương vụ nào tại ASEAN vượt quá ngưỡng 500 triệu đô la trong sáu tháng đầu năm. Trong nửa đầu năm ngoái, các doanh nghiệp Đông Nam Á thực hiện được bốn vụ IPO trị giá hơn 500 triệu đô la.

Bức tranh tương phản ở ASEAN

Malaysia chứng kiến ​​sự gia tăng cả về danh sách niêm yết và số tiền huy động được, nhờ vào việc mở rộng hỗ trợ cho startup. Một nửa trong số 10 vụ IPO lớn nhất về giá trị ở ASEAN đều là của Malaysia.

Hãng sản xuất dầu cọ Johor Plantations Group đứng thứ hai ở ASEAN khi gọi được 156 triệu đô la. Đây là vụ IPO có quy mô lớn đầu tiên tại Malaysia kể từ sau hãng sữa hàng đầu Farm Fresh huy động 2,5 tỉ ringgit (592 triệu đô la) vào tháng 3-2022.

Môi trường kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện cho doanh nghiệp lâu năm và các startup mới nhanh chóng lên sàn. Tháng 3-2024, sàn giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia đã rút ngắn quy trình phê duyệt niêm yết chỉ còn 3 tháng, so với trước đây là 4-12 tháng. Tháng 4, chính phủ đã công bố việc chương trình Unicorn Golden Pass để thu hút các startup triển vọng với các điều kiện thuận lợi hơn như visa miễn phí, ưu đãi thuế và hỗ trợ thủ tục hành chính.

Sự suy giảm đáng chú ý nhất là ở Indonesia, nơi số tiền huy động được đã giảm 90% xuống còn 254 triệu đô la, số vụ niêm yết giảm 30% xuống còn 27.

Indonesia đang trong giai đoạn chuyển giao chính trị từ Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo sang Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đắc cử vào tháng 2-2024. Ông Subianto sẽ nhậm chức vào tháng 10 tới. Nhiều nhà đầu tư đang chờ các quyết sách mới của chính quyền mới, vì thế họ giữ thái độ thận trọng với các vụ IPO.

Trong nửa đầu năm ngoái, một loạt các đợt IPO lớn thuộc về các công ty khai thác tài nguyên, bao gồm thương vụ hãng khai thác đồng và vàng Amman Mineral Internasional huy động được hơn 700 triệu đô la. .

Ancara Logistics Indonesia, một công ty khai thác khác, đã gọi được 55 triệu đô la trong vụ IPO đầu năm. Tuy nhiên, với số tiền này Ancara vẫn là công ty niêm yết lớn nhất ở Indonesia trong sáu tháng đầu năm.

Ngân hàng Thai Credit Bank là công ty niêm yết có tổng số vốn huy động được cao nhất ASEAN, với 206 triệu đô la trong vụ IPO vào tháng 2. Thành lập vào năm 2007, ngân hàng này chuyên cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điểm tín dụng thấp. Ngân hàng có hơn 500 chi nhánh trên khắp Thái Lan và đang phát triển nhanh chóng.

Số vụ niêm yết tại Thái Lan chỉ giảm nhẹ, nhưng giá trị vốn huy động được đã giảm gần 20%.

Trong khi đó, Philippines chỉ thực hiện được hai vụ IPO trong nửa đầu năm, nhưng tổng số tiền huy động được tăng gấp đôi. Sàn giao dịch chứng khoán Philippines đặt mục tiêu tổ chức sáu đợt IPO trong năm nay.

OceanaGold Philippines là đợt IPO lớn thứ tư ở Đông Nam Á trong sáu tháng đầu năm. Là một chi nhánh địa phương của hãng khai thác có trụ sở tại Úc và Canada, OceanaGold đã khai thác vàng và đồng tại Luzon từ năm 2013.

Nhà đầu tư đang dò xét các động tĩnh

Trên toàn Đông Nam Á, các đợt IPO trong nửa đầu năm đã thiên về các công ty vừa và nhỏ đã hoạt động tại địa phương trong nhiều năm. Rất ít startup nhận được vốn từ các quỹ mạo hiểm.

"Với thị trường IPO đang suy thoái, các startup đang chuẩn bị niêm yết có xu hướng ‘wait and see’ chờ xem các động tĩnh", theo Takahiro Suzuki, đối tác chung của quỹ đầu tư mạo hiểm Genesia Ventures của Nhật Bản. Quỹ này đầu tư vào các startup khắp các nước châu Á.

Lãi suất tăng cao khiến dòng tiền rời khỏi các thị trường mới nổi trên toàn cầu. Môi trường thuận lợi hơn cho các đợt IPO ở Đông Nam Á “sẽ khó khởi sắc, ít nhất là trong năm nay”, Sukuzi nhận định.

Triển vọng của toàn bộ thị trường vẫn còn mù mờ, số đợt IPO và giá trị vốn gọi có thể tiếp tục giảm, Nathapol Pongsukcharoenkul tại CGS-CIMB Securities ở Thái Lan dự báo.

Đó cũng là tình hình chung khắp các nước châu Á.

Dữ liệu mới nhất của hãng kiểm toán EY cho thấy các đợt IPO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, không bao gồm Ấn Độ, tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Tính đến 17-6, có 216 thương vụ ở khu vực này, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị IPO giảm 73% xuống còn 10,4 tỉ đô la.

Trong khi đó, các đợt niêm yết mới trên thị trường châu Âu tăng 10% lên 69, số vốn tăng 196% và đạt 15,2 tỉ đô la. Mỹ có 80 vụ niêm yết mới và gọi được 17,8 tỉ đô la, tăng lần lượt 27% và 75%.

Theo Nikkei Asia, Dealogic, EY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới