Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá trị nào cho tương lai?

An An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Không có quyển sách nào đưa ra luật lệ về nuôi dạy con và hẳn là ở thời đại số bây giờ cũng không có. Nhưng mỗi bậc phụ huynh có ý thức đều biết rằng con trẻ đang học từ cách cư xử và hành động của cha mẹ. Trách nhiệm đó không thể coi nhẹ được.

Thế hệ trẻ sinh ra sau năm 2000 không có khái niệm về “thế giới không có Internet”. Các em lớn lên với mạng lưới thông tin liên lạc hoạt động xuyên suốt, các thiết bị hiện đại được nâng cấp liên tục, với việc cập nhật tin tức qua mạng xã hội và các trang báo điện tử. Cả người lớn lẫn thanh thiếu niên đều muốn mọi thứ trở nên nhanh hơn nữa, dễ dàng hơn nữa.

Thật khó mà cản nổi làn sóng cung – cầu này. Để kiếm tiền từ YouTube, Tiktok, “lượt view” đóng vai trò rất quan trọng, do vậy người làm nội dung không cần quan tâm giá trị của thông tin mình đưa lên, mà chỉ cần thu hút được người xem là đủ, dù nội dung có thể nhảm nhí hoặc phản cảm.

Ngập tràn thông tin tôn vinh giá trị vật chất

Không khó để bắt gặp một clip Tiktok ăn mặc hợp thời nhưng hở hang, không mang giá trị thông tin nào ngoài việc phô diễn thân thể như một thành tích. Những trang tin đua nhau mọc lên, thu hút người đọc với những mẩu tin như “Gia đình người mẫu X đi nghỉ dưỡng ở resort đắt đỏ hàng đầu”, “Hoa hậu Y buôn túi hàng hiệu lời cả trăm triệu”, “Ca sĩ Z sắm xe chục tỉ”, “MC A chi nửa tỉ mỗi năm cho con học trường quốc tế”…

Đa số người dân trong độ tuổi lao động, đang đi làm chân chính, đều đủ kiến thức để hiểu rằng dẫu lương đi làm thuê tại Việt Nam có cao đến mức vài ngàn đô la, cũng không thể có cuộc sống ở tầm đó nhưng những đứa trẻ đang lớn kia không biết điều này. Điều gì sẽ diễn ra trong đầu óc non nớt của chúng khi ngoài giờ học, các thông tin chúng tiếp xúc chứa một lượng khổng lồ lời tôn vinh ngoại hình, tiền tỉ… mà có khi cha mẹ chúng làm cả đời cũng không thể có nổi?

Loại thông tin “thức ăn nhanh” tôn vinh giá trị vật chất và soi mói đời tư này gây bệnh cho đời sống tinh thần người xem. Liệu có bao nhiêu phần trăm số trẻ thiếu niên hiểu được bản chất của ngành công nghiệp giải trí và thấu hiểu tầm quan trọng của việc học hành? Hay chúng sẽ suy nghĩ rằng chỉ cần cơ thể đẹp, gương mặt đẹp nhờ thẩm mỹ và trang điểm thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp? Và đương nhiên, chăm chút bề ngoài luôn vui hơn, dễ dàng hơn việc vùi đầu vào những quyển sách hàn lâm.

Đối diện với nạn thông tin tôn vinh những giá trị lệch lạc, gây ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống giới trẻ, những phụ huynh, đặc biệt là thế hệ phụ huynh sinh trong những năm 1970-1980 – những người vốn trải qua thời niên thiếu tương đối ít thông tin tiêu cực, thường chỉ đọc qua sách báo và hiếm khi nghe đến tin giả – không khỏi thấy bối rối trong việc dạy con. Thực tế là không gia đình nào có thể bảo bọc con cái được mãi ngoài việc cố gắng trang bị cho một đứa trẻ kiến thức, điều nên hay không nên làm để bước ra đời và tự “lọc” thông tin.

Gia đình và sự kết nối bằng tình yêu giữa cha mẹ và con cái

Người viết bài cho rằng thế giới như mặt biển cuộn sóng, nhưng tận dưới đáy biển là một làn nước êm đềm trong xanh – chính là những nền tảng bất biến qua thời gian: gia đình và sự kết nối bằng tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Dù cuộc sống có thay đổi ra sao, mái ấm gia đình là nơi để tìm về, và là nơi những thế hệ công dân tiếp theo ra đời.

Từ khoảnh khắc được sinh ra đến thời gian đủ tuổi trưởng thành, đa số những đứa trẻ dành thời gian làm ba việc chính: ở nhà với cha mẹ, ông bà, họ hàng; đến trường; đi chơi, giao lưu cùng bạn bè đồng lứa. Trong ba yếu tố đó, trường học và bạn bè có những ảnh hưởng khác nhau lên đứa trẻ, mà gia đình chỉ có thể lựa chọn, quản lý phần nào.

Yếu tố còn lại, môi trường gia đình của đứa trẻ, là điều cha mẹ hoàn toàn có thể cố gắng tận dụng và giúp đỡ con mình lớn lên trong hạnh phúc và trưởng thành đúng hướng. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng thể chất và tinh thần của mỗi đứa trẻ, và cũng là nơi trao tặng mỗi đứa trẻ những ảnh hưởng đầu tiên. Những năm đầu đời ở bên cha mẹ là thời điểm phụ huynh cần tận dụng tối đa để giúp đứa trẻ lớn lên một cách độc lập nhưng đúng hướng.

Theo một nghiên cứu năm 2014 về “Các thái độ xã hội của thế hệ trẻ” của trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London(1) (thành viên thuộc liên hiệp Viện Đại học London), các yếu tố bạn bè, trường học, cộng đồng, và – quan trọng hàng đầu – cha mẹ, là những yếu tố đồng thời ảnh hưởng lên thái độ xã hội của trẻ em và thiếu niên.

Nghiên cứu đưa ra ví dụ cụ thể: thái độ và trải nghiệm của cha mẹ đối với giáo dục có ảnh hưởng đến mong muốn tiếp tục học cao lên của thiếu niên ở lứa tuổi 16. Bài cũng kết luận: thái độ, cách hành xử của cha mẹ truyền từ cha mẹ đến con cái. Đồng thời, mối quan hệ với cha mẹ cũng là một yếu tố có thể dùng để tiên lượng sự hạnh phúc, vui vẻ của con cái sau này.

Viện Urban Child (2) ở bang Tennessee (Mỹ) cũng chỉ ra rằng con trẻ phản chiếu hành vi của cha mẹ(3). Những thói quen và cách cư xử của cha mẹ mà đứa trẻ chứng kiến khi còn thơ ấu nhiều khả năng sẽ trở thành thói quen và cách hành xử của chính đứa trẻ đó khi lớn lên.

Viện này chỉ ra não của con người phát triển đến 80% trong ba năm đầu đời. Trong thời gian não phát triển và nhận thức mạnh mẽ này, trẻ em dành phần lớn thời gian với cha mẹ, và vì cha mẹ là những tấm gương duy nhất đối với đứa trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần cẩn trọng trong mọi hành vi, lời nói của mình.

Bà Uma Shashikant, lãnh đạo Trung tâm Đầu tư Giáo dục và Học tập, Thời báo Ấn Độ, từng có một báo cáo ngắn đăng trên ấn phẩm trực thuộc – Kinh tế Thời báo – về vấn đề này. Bà chứng kiến một gia đình trẻ cố gắng thuyết phục đứa con không mua sắm một món đồ đắt đỏ không cần thiết, tuy nhiên đứa con hét toáng lên tại siêu thị và khiến cha mẹ xấu hổ(4).

Bài nêu lên khía cạnh cha mẹ đứa trẻ đã quên rằng trẻ con không học hỏi qua lời nói. Cách tiêu tiền, hay nói rộng ra là cách cư xử, của những công dân nhí là từ quan sát và trải nghiệm cách ứng xử của người lớn. Khoảnh khắc khó xử của gia đình nọ tại nơi công cộng chỉ là kết quả của một quá trình đứa trẻ quan sát và ngấm những gì đã diễn ra xung quanh trong một thời gian dài.

Bản lĩnh sống đúng hướng phải từ cha mẹ

Quay trở lại vấn đề tạo nền tảng để trẻ có bản lĩnh sống đúng hướng trong thời đại số. Như các nghiên cứu đã chỉ ra, cha mẹ không thể kỳ vọng con cái suy nghĩ và cư xử khác biệt với những gì mình đã gieo vào cuộc sống và tâm trí con trẻ.

Chỉ có duy nhất cách làm là cho đứa trẻ thấy cha mẹ chúng theo đuổi giá trị gì, tại sao cha mẹ không đề cao những giá trị ảo trên mạng xã hội, vì sao cha mẹ luôn cư xử lịch sự, bởi “bọn trẻ không nghe đâu, chúng quan sát” – theo bà Uma Shashikant. Những gì cha mẹ quan tâm và xem trọng sẽ dễ dàng trở thành những thứ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ về sau.

Một bé mầm non được cha mẹ chơi cùng, chia sẻ và đọc sách cho vào mỗi tối dễ có xu hướng quen thuộc với sách vở, đồ chơi, hơn là một bạn khác chỉ máy tính bảng làm bạn trong khi cha mẹ lướt tin tức trên điện thoại.

Cha mẹ nói chuyện trong bữa cơm về những kế hoạch tốt đẹp với gia đình, tương lai, hay chỉ mải mê mua sắm những món đồ thời thượng nhất? Cha mẹ nóng giận, dùng tiền giải quyết tất cả, hay dùng lời lẽ nhã nhặn để giải quyết vấn đề? Đó chính là những điều tạo ra sự khác biệt trong tư duy non nớt mang đầy tính bắt chước của trẻ từ lúc thơ ấu.

Việc đầu tư, chăm lo cuộc sống vật chất, giáo dục cho con cái là điều đáng mừng cho những thế hệ phụ huynh trẻ. Thế nhưng, để những công dân trẻ có bản lĩnh sống đúng hướng trong thời đại có xu hướng đề cao các giá trị ảo, chính cha mẹ phải có bản lĩnh sống như người mình mong muốn con cái sẽ trở thành.

Xin mượn lời của bà Uma Shashikant để kết luận: “Không có quyển sách nào đưa ra luật lệ về nuôi dạy con. Chúng ta đều làm tốt nhất những gì chúng ta có thể làm. Nhưng mỗi bậc phụ huynh có ý thức đều biết rằng con trẻ đang học từ cách cư xử và hành động của cha mẹ. Trách nhiệm đó không thể coi nhẹ được”.

———–

(1) How do parents influence their children’s attitudes to life? – Parenting for a Digital Future (lse.ac.uk)

(2) About UCI|Urban Child Institute

(3) Children Reflect Parental Behavior | Urban Child Institute

(4) Money management: 8 ways to instil healthy money attitude in your children (indiatimes.com)

2 BÌNH LUẬN

  1. Giáo dục phải đi từ gần đến xa. Gia đình/ Nhà trường/ Xã hội là 3 môi trường căn bản nhất để định hướng sự phát triển toàn diện của con trẻ. Vì nhiều lý do khác nhau, ba nhân tố này đang trở nên dần mờ nhạt, mất liều lượng, nhất là thiếu sự kết nối chặt chẽ nhau, dẫn đến cuộc khủng hoảng mà người ta thường gọi tên là ” Generation Gap” (Khoảng cách thế hệ đề cập đến hố sâu ngăn cách niềm tin và hành vi của các thành viên thuộc hai thế hệ khác nhau. Cụ thể hơn, khoảng cách thế hệ có thể được sử dụng để mô tả sự khác biệt trong suy nghĩ, hành động và thị hiếu của các thành viên thuộc thế hệ trẻ so với những người lớn tuổi. Sự khác biệt có thể là về chính trị, giá trị, văn hóa đại chúng và các lĩnh vực khác. Mặc dù khoảng cách thế hệ đã phổ biến trong tất cả các giai đoạn lịch sử, nhưng bề rộng của sự khác biệt của những khoảng cách này đã mở rộng trong thế kỷ 20 và 21). Thực chất đó là cuộc khủng hoảng lòng tin giữa các thế hệ cũ và mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới