(KTSG Online) - Trong 8 tháng của năm 2024, các doanh nghiệp đã chi ra gần 1,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ để nhập thịt các loại từ 37 thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
- Thịt bò, thịt heo Chile tiến gần hơn đến bàn ăn người Việt
- Chờ đợi VN-Index ‘bứt phá’ sau kỳ nghỉ lễ!
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng của năm 2024 Việt Nam đang nhập khẩu thịt từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những thị trường nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thịt heo, thịt trâu bò, gia cầm tươi và đông lạnh, các phụ phẩm ăn được của động vật như chân gà, cổ gà, da gà, tim cật, lòng mề…
Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong 10 quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và nguồn cung trong nước đáp ứng khoảng 95% nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn lại 5% đến từ nhập khẩu. Hiện thịt heo cũng là một trong những mặt hàng nằm trong rổ tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng) hàng tháng của Việt Nam.
Ở chiều xuất khẩu, trong 8 tháng của năm 2024, giá trị mang về từ xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt cho Việt Nam là khoảng 105 triệu đô la Mỹ.
Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 717.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt từ 57 thị trường khác nhau với giá trị nhập khẩu là 1,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,5% về lượng và giảm 3% về giá trị so với 2022. Các mặt hàng thịt nhập khẩu chính là thịt gia cầm, thịt bò, thịt bò thịt heo, các phụ phẩm từ thịt ở dạng tươi và đông lạnh. Trong số này, lượng thịt heo nhập khẩu (tươi và đông lạnh) chiếm hơn 113.000 tấn, còn lại là các sản phẩm thịt khác.
Trong năm này, Việt Nam xuất khẩu được gần 22.500 tấn thịt và sản phẩm thịt các loại với giá trị thu về là hơn 110 triệu đô la Mỹ.