Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá trị thật của tấm bằng đại học

Đông Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Năm nào cũng vậy, thời điểm này, cả hệ thống giáo dục, truyền thông chỉ chăm chú phân tích, đánh giá chất lượng thi cử, tuyển sinh, bài giải… mà thiếu đi những ý kiến đóng góp về tổng quan nhân lực, về giá trị thật sự của tri thức sau khi học đại học ở Việt Nam.

0 giờ ngày 24-7, hơn triệu gia đình có con em tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022 lo lắng, hồi hộp ngóng chờ kết quả. Các em sẽ đỗ trường đại học nào, công hay tư, hay chỉ đủ điểm đi học nghề, hay phải ở nhà chờ một năm nữa thi lại?

Sáng, ra sạp báo đầu phố, lướt một loạt tờ báo lớn, ào ạt đưa tin về điểm chuẩn, tuyển sinh, công bố điểm, bài giải mẫu, tỷ lệ “chọi”…, tôi không giấu được sự thất vọng.

Năm nào cũng vậy, thời điểm này, cả hệ thống giáo dục, truyền thông chỉ chăm chú phân tích, đánh giá chất lượng thi cử, tuyển sinh, bài giải… mà thiếu đi những ý kiến đóng góp về tổng quan nhân lực, về giá trị thật sự của tri thức sau khi học đại học ở Việt Nam.

Đã không nhiều thông cảm cho một lứa học sinh đầy “bất ổn” khi dịch bệnh hoành hành, khiến từ năm lớp 10 đã chệch choạc, học sinh mất cả học kỳ để chờ ngành giáo dục loay hoay với việc nên học trực tuyến như thế nào.

Lớp 11, nhiều giáo viên không biết kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh ra sao, khi trò lười… dần đều, có thể copy nguyên bài mẫu để trả bài trên nhóm, nộp bài kiểm tra qua email.

Đến lớp 12, nhiều thầy cô tôi quen biết hốt hoảng than rằng, tình trạng học sinh ở nhà quá lâu, gần 1/3 học sinh thuộc các tựa game còn thạo hơn nội dung bài học, nên khi tập trung trở lại lớp, chất lượng bài kiểm tra thực sự đáng báo động.

Trước đó từ tháng 5, tháng 6-2022, các trường đại học đã mở các kênh tư vấn trực tuyến để quảng bá, giới thiệu về ngành nghề của mình.

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng chất lượng sinh viên ra trường như thế nào, ra trường có việc làm không, thu nhập ra sao, đặc biệt, nghề được chọn sẽ “hot” cấp độ nào, rất nhiều trường, chủ yếu trường công lập, không dám mạnh dạn tuyên bố, khi sự cạnh tranh, có thể nói là giành giật sinh viên của các trường tư nhân, rất quyết liệt, không khoan nhượng.

Trong cuộc cạnh tranh thu hút bằng được sinh viên như thế, có phải chúng ta đang thiếu thẳng thắn để nhìn nhận chất lượng giáo dục đại học đang có vấn đề, khi dư luận từng đề cập có trường đại học vẫn dễ dãi tiếp nhận những học sinh chỉ có 10 điểm vào học?

Có phải đó là hậu quả của việc "phổ cập" đại học nhiều năm qua, khiến cơ cấu nghề mất cân đối, thầy nhiều hơn thợ? Bản thân các chuyên gia giáo dục cũng không biết lý giải thế nào với tình trạng… thất nghề, thất nghiệp đang phổ biến hiện nay.

Chúng ta cứ tập trung cải cách nhưng dường như vẫn chưa trả lời được câu hỏi: "Tại sao hàng ngàn cử nhân ra trường không có việc làm, trở thành những “cò đất”, những shipper công nghệ?", "Tại sao hàng ngàn cử nhân, kỹ sư quay trở lại học nghề để dễ tìm việc, hoặc học làm nông dân để trở về quê làm ruộng lại từ đầu?"

Và cái sự thiếu này, lời cảnh báo ấy năm nào cũng lặp đi lặp lại song không ai có ý định thay đổi hoặc chí ít dũng cảm nhìn nhận giá trị thật sự ẩn sâu phía sau tấm bằng đại học ở Việt Nam, cùng sự lãng phí do nó đưa lại?!

Giáo dục là nhằm cung cấp tri thức, rèn luyện nhân cách và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Nhưng cần biết rằng phần lớn những thứ đó được giới trẻ hấp thụ từ chính gia đình và môi trường sống.

Riêng về tri thức, là thứ được phân tán rộng khắp trong xã hội, mỗi người biết một ít, có những tri thức phổ biến nhiều người biết nhưng có nhiều thứ người này biết mà người kia không biết… Vì thế, đại học không phải là tất cả.

Giáo dục cũng không phải là công cụ nhào nặn để con em chúng ta sau 4-5 năm học đại học trở thành giống hệt nhau.

Cho nên, rất cần thiết phải lập lại giá trị của tấm bằng đại học, đừng để giá trị ấy xếp trong góc tủ và biến những sinh viên giỏi giang của Việt Nam, khi đi du học không ai muốn trở về cống hiến xây dựng tổ quốc.

Có một sự so sánh hơi khiên cưỡng nhưng dầu sao phải nhìn nhận rằng ở phương Tây từ lâu họ đã làm cái điều mà ở Việt Nam ta hay nói "giáo dục là quốc sách hàng đầu", và họ đầu tư thực sự, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục - đào tạo, cũng như đã làm giàu từ giáo dục - đào tạo. Chính nền giáo dục được đầu tư bằng mọi nguồn lực đã tạo nên giá trị thật cho tấm bằng đại học.

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết thấu đáo, nhất là ngay lúc này ở đâu cũng chỉ thấy thủ khoa hay những danh sách học sinh toàn điểm gần như tuyệt đối.

  2. Học thì phải hành. Học phải có thi. Thi mới có cử. Đây là câu chuyện muôn đời của giáo dục từ xưa đến nay rồi. Không hiểu sao ta cứ loay hoay, bàn cãi hoài ? Giáo dục giống như một ngôi nhà tri thức vĩ đại, có nhiều tầng nhiều lớp khác nhau, như mô hình kim tự tháp, với nhiều lựa chọn để mỗi người xác định cho mình một hướng đi phù hợp với bản thân và xã hội. Đỉnh kim tự tháp phải là “tinh hoa”, chắc chắn có nhiều khó khăn và thử thách, nếu ai vượt qua được vũ môn thì sẽ tận hưởng được vinh dự và vinh quang. Còn những tầng khác, hãy để cho lớp trẻ được quyền cân nhắc. Người lớn chỉ nên tạo điều kiện, định hướng và làm gương mà thôi.

  3. Một quốc gia, nếu không định hình rõ một triết lý căn bản về giáo dục, cứ lan man lăn tăn mãi, thì chắc chắn không thể có định hướng phát triển bền vững được. Giáo dục không chỉ là nền tảng, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho mọi thế hệ, trước sau như một, nhất quán tiến lên, mục tiêu kiên định, lý tưởng trong sáng. Như vậy mới có thể thành tựu và thành công được.

  4. Đã đến lúc Bộ Giáo dục phải có công bố chính thức tiêu chí và xếp hạng vị thế các trường đại học của quốc gia. Hiện nay trường nào cũng có thể tự tôn vinh mình là hàng đầu/số một, trong khi chất lượng đánh giá thì thậm chí người chuyên môn trong cuộc cũng chưa hiểu hết được. Cũng cần xác định rõ ràng, một trường đại học chuẩn mực và uy tín cao thì sẽ không thu nhận học viên đại trà theo kiểu xét tuyển mà phải trải qua thi tuyển công bằng, kể cả rất khắc nghiệt. Một quốc gia muốn thành công và mạnh mẽ thì không thể không có vai trò nhà nước trong việc tập trung xây dựng các trường đại học chuẩn, danh giá, có tầm vóc đáng nể trên những lĩnh vực đào tạo nhân lực chủ chốt, kể cả trong nước và quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới