Thứ Ba, 20/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá vàng có thể lên 1.900 đô la/ounce vào cuối năm 2023 nếu kinh tế toàn cầu suy thoái

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023, vàng sẽ được hưởng lợi khi giới đầu tư xem đây là nơi trú ẩn tài sản an toàn giữa lúc đà tăng giá của đồng đô la Mỹ suy yếu dần, theo nhận định của các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ.

George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng của Công ty tư vấn State Street Global Advisors, lưu ý rằng trong bảy cơn suy thoái gần nhất của nền kinh tế toàn cầu, giá vàng tăng trung bình 20%. Ảnh: Yahoo Financial

Dự báo đó là tin vui cho những nhà đầu tư vàng vốn đã trải qua một năm khó khăn với lãi suất và đô la Mỹ đua nhau tăng, vô hiệu hóa vai trò của vàng như một công cụ chống lạm phát.

Hai nhà phân tích hàng hóa của ANZ Daniel Hynes và Soni Kumari nhận định, vàng “dường như đang ở điểm xoay trục” khi áp lực lạm phát giảm bớt và các ngân hàng trung ương kìm hãm tốc độ tăng lãi suất.

Họ nhận định vàng sẽ tăng giá vượt trội so với chứng khoán trong năm tới khi các mức lãi suất cao nhất xuất hiện và các dự báo kinh tế toàn cầu suy thoái trở thành hiện thực. Họ nâng dự báo mức giá mục tiêu vào cuối năm 2023 cho vàng họ lên 1.900 đô la Mỹ/ounce.

Họ viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong bối cảnh lạm phát cao có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Bối cảnh này thường tích cực đối với vàng”.

Theo báo cáo, dù lãi suất Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 5% trong năm tới, nhưng việc tạm dừng tăng lãi suất sau đó sẽ khiến tâm lý thị trường nghiêng về vàng.

Các nhà phân tích kỳ vọng trong ngắn hạn, giá vàng sẽ phục hồi kể từ mức thấp nhất trong tháng 11 giữa lúc thị trường không chắc chắn về thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed và biến động của đồng đô la Mỹ.

Họ cho rằng nhu cầu mua vàng để trú ẩn tài sản an toàn sẽ tăng khi Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái trong năm 2023 và châu Âu đối mặt với rủi ro địa chính trị cũng như tình trạng thiếu năng lượng.

Họ cho biết: “Với lạm phát có thể vẫn ở mức cao, Fed có thể sẽ duy trì mức lãi suất cao suốt năm 2023, làm tăng nguy cơ tăng trưởng kinh tế yếu trong năm tới”.

Theo họ, giá vàng có xu hướng chịu áp lực trước suy thoái, nhưng sẽ tăng vượt trội so với các thị trường khác (chẳng hạn như chứng khoán) khi tăng trưởng toàn cầu bắt đầu chậm lại rõ rệt trong quí 2-2023.

Năm nay là một năm khó khăn đối với vàng. Căng thẳng địa chính trị gia tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine lẽ ra phải đủ để giữ giá vàng ở mức cao kỷ lục 2.050 đô la Mỹ/ounce khi các nhà đầu tư chuộng các tài sản an toàn.

Tuy nhiên, thị trường vàng đã diễn biến không như kỳ vọng khi trọng tâm của các ngân hàng trung ương chuyển sang dập tắt lạm phát, khiến lãi suất tăng mạnh khắp nơi và giá đô la Mỹ tăng vọt.

VanEck Gold Miners ETF, quỹ hoán đổi danh mục theo dõi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng hàng đầu thế giới, giảm 27% trong sáu tháng tính đến ngày 30-9 khi giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi là 1.622 đô la Mỹ/ounce, trước khi tăng 23% khi phục hồi về mức khoảng 1.800 đô la Mỹ hiện nay.

Hai nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari cho biết: “Phẩm chất của vàng như một hàng rào chống lại lạm phát đã bị cản trở bởi đà tăng lãi suất mạnh mẽ. Sau đó, kim loại quý này đã đánh mất tất cả thành quả tăng giá kể từ sau đại dịch Covid-19”.

Tuần trước, nỗi lo suy thoái toàn cầu càng gia tăng khi các ngân hàng trung ương lớn quyết định tăng lãi suất chậm lại nhưng gây bất ngờ với cảnh báo sẽ tăng lãi suất tiếp. Điều này khiến thị trường lo ngại các nhà hoạch định chính sách sẽ đẩy các nền kinh tế vào cơn suy thoái để đánh bại lạm phát cao kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, các thị trường theo dõi lãi suất đã hạ thấp triển vọng tăng chi phí vay, thay vào đó, tập trung vào rủi ro tăng trưởng suy yếu sắp xảy ra, người đứng đầu bộ phận kinh tế thị trường của Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB) Tapas Strickland cho biết. Các thị trường kỳ vọng lãi suất đỉnh của Fed là 4,84% vào giữa năm 2023.

Sau khi xem xét dữ liệu từ các cuộc suy thoái trong quá khứ, Hynes và Kumari rút ra kết luận rằng diễn biến giá vàng thường có thể đoán trước được xung quanh thời điểm suy thoái.

Giá vàng có xu hướng chịu áp lực trong sáu tháng trước khi suy thoái xảy ra với mức tăng trung bình chỉ khoảng 2%, trước khi phục hồi với mức tăng trung bình là 16% khi các nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Trong sáu tháng sau khi suy thoái xảy ra, giá vàng thường tăng khá.

Mỗi cuộc suy thoái đều có những điểm khác biệt nhưng hai nhà phân tích của ANZ đã chỉ ra những điểm tương đồng nổi bật giữa cơn suy thoái vào năm 1980 và hiện nay. Điều này bao gồm cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, đẩy lạm phát tăng vọt, khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hầu hết các nước đều trải qua suy thoái kép khi giá vàng tăng từ 230 đô la Mỹ lên 835 đô la Mỹ/ounce vào đầu năm 1980, nhưng có xu hướng giảm xuống vào đầu năm 1982. Các nhà phân tích cho biết: “Vào cuối năm 1982, giai đoạn tăng trưởng kinh tế suy yếu lần thứ hai đã đẩy giá vàng lên hơn 50%”.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã đẩy giá vàng tăng gần 60% khi thế giới bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu và mạnh về tăng trưởng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với Kitco News, George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược vàng của Công ty tư vấn State Street Global Advisors, nhận định giá vàng sẽ có 20% xác suất quay trở lại mốc 2.000 đô la Mỹ/ounce trong năm tới nếu kinh tế toàn cầu suy thoái.

Ông lưu ý trong bảy cơn suy thoái gần nhất, giá vàng tăng trung bình 20%. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng có 20% xác suất giá vàng sẽ rơi xuống 1.500 đô la Mỹ/ounce nếu Fed có thể kiểm soát lạm phát, giúp kinh tế Mỹ tránh được suy thoái. Theo ông, vàng có 60% xác suất sẽ giao dịch trong khoảng giá 1.600-1.900 đô la Mỹ/ounce trong năm mới.

Theo Financial Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới