Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá vàng, dầu tăng vọt theo lo ngại về khả năng cấm vận

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá vàng, giá dầu thế giới tăng vọt trong mối lo ngại về khả năng Mỹ và phương Tây đưa ra lệnh cấm vận chính thức liên quan đến lĩnh vực dầu và khí đốt.

Giá dầu và giá vàng trên thế giới tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh Mỹ và EU vẫn đang thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó lo ngại về ảnh hưởng đến nguồn cung dầu.

Giá dầu Brent tăng 9,9%, lên mức gần 130 đô la Mỹ/thùng trong phiên giao dịch cuối ngày 6-3, trong khi dầu WTI (Mỹ) tăng 9,4%, lên mức 126,5 đô la/thùng. Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch, có thời điểm cả hai loại dầu tăng mạnh với dầu Brent ở mức 139,13 đô la/ thùng và WTI ở mức 130,50 đô la/thùng.

Giá dầu tăng mạnh được giải thích bởi sự lo ngại về nguồn cung, trước thông tin Mỹ đang thảo luận với đồng minh về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với mức lạm phát đang lên cao nhất trong vòng 40 năm qua, trong đó có sự đóng góp của chi phí nhiên liệu.

Theo các chuyên gia đánh giá, hiện Mỹ và các nước phương Tây đang chịu sức ép cân bằng giữa lựa chọn trừng phạt cấm nhập khẩu dầu Nga, nhưng lại phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường trên toàn cầu.

Điều này dẫn đến một bối cảnh hiện nay là các nhà giao dịch không muốn lấy dầu, các cảng thì không muốn nhận, bên bảo hiểm và ngân hàng cũng lo ngại liên đới kinh doanh. Càng kéo dài thì chuỗi cung ứng càng gặp khó. Trên thực tế các biện pháp trừng phạt Nga trước đó cũng không nhắm đến nhóm dầu và khí đốt vì tính thiết yếu của mặt hàng này. Do đó, một lệnh cấm vận chính thức sẽ càng làm cho thị trường thêm bất ổn.

Bên cạnh đó, giá dầu tăng trong bối cảnh nguồn cung lo ngại tiếp tục bị thắt chặt. Theo đó, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận với Iran nếu thành công cũng sẽ mất vài tháng để khôi phục lại dòng chảy của dầu. Trong khi Libya, thành viên OPEC, lại đóng cửa một số mỏ dầu.

Các nhà phân tích tại Bank of America cho biết nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm, có thể xảy ra sự thiếu hụt 5 triệu thùng hoặc lớn hơn, đồng nghĩa với việc giá dầu có thể tăng gấp đôi lên mức 200 đô la/thùng, tờ Reuters dẫn lại.

Tương tự với giá dầu thô, giá vàng trên thế giới cũng bất ngờ tăng mạnh khi các nhà đầu tư tiếp tục tìm chỗ trú chân trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,9%, lên mức 1.986,83 đô la/ounce sau khi có thời điểm vượt mốc 2.000 trong cùng phiên giao dịch, ghi nhận lần đầu tiên vượt mốc sau 18 tháng.

Ngoài ra còn có thông tin quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust vừa báo cáo tăng 0,4% lượng nắm giữ vàng vào ngày thứ Sáu, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3-2021.

Giá dầu thô và giá vàng tăng cao tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam. Vào sáng ngày 7-3, giá vàng niêm yết tại các cửa hàng kinh doanh cũng điều chỉnh liên tục và tăng vọt lên gần 73 triệu đồng/lượng, sau đó giảm về mức 72,1 triệu đồng ở chiều bán ra và 70,2 triệu đồng chiều mua vào, theo biểu giá của Doji. Theo tỷ giá quy đổi, mỗi lượng vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 15 triệu đồng.

Còn với giá xăng, câu hỏi về khả năng tăng giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục đặt áp lực lên cơ quan điều hành chính sách. Trước đó, giá xăng dầu đã được điều chỉnh từ đầu tháng 3, còn khả năng điều chỉnh tới đâu trong thời gian tới vẫn còn bỏ ngỏ.

Mới đây, Bộ Tài chính đang đưa ra đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít đối với 6 loại hàng hóa xăng, dầu, mỡ nhờn để hỗ trợ giá. Còn Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí nhập khẩu,...) để đảm bảo tính đúng, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới