(KTSG) - Dẫu biết rằng thị trường vàng trong nước đã gần như cắt đứt sự liên thông với giá vàng quốc tế từ lâu, nhưng mức chênh lệch “khủng” như vậy khiến những người ưa chuộng vàng nhất cũng buộc phải nghi ngại.
Chênh lệch khủng
Cách đây hơn 10 năm, giai đoạn 2011-2012, những người từng mua vàng SJC tại vùng giá đỉnh cao trên 46 triệu đồng/lượng, thời điểm mà giá vàng thế giới cũng lập kỷ lục mới ở 1.920 đô la Mỹ/ounce, có lẽ ít ai nghĩ rằng sẽ có ngày được “về bờ” khi chứng kiến thị trường lao dốc sau đó. Nhưng mọi thứ vốn dĩ thường diễn biến ngoài mong đợi của hầu hết mọi người, giá vàng trong nước hiện nay không chỉ đã vượt qua đỉnh cũ mà còn vượt xa hơn những kịch bản lạc quan nhất.
Sau khi lập đáy tại vùng quanh 33 triệu đồng/lượng vào năm 2015, khi giá vàng thế giới cũng có lúc về lại tận vùng 1.000 đô la/ounce, giá vàng SJC phải mất thêm gần bốn năm nữa cù cưa trong một biên độ hẹp 33-36 triệu đồng/lượng, trước khi bắt đầu thiết lập đà đi lên trở lại từ năm 2019 đến nay. Những căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, rủi ro kinh tế đã khiến dòng tiền ưa chuộng những kênh đầu tư an toàn trở lại.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “cơm không lành, canh không ngọt” từ năm 2019 với cuộc chiến thương mại được kích hoạt dưới thời Tổng thống Donald Trump, kế tiếp là đại dịch Covid-19 trong năm 2020, khủng hoảng năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2021 kéo theo bóng ma lạm phát quay trở lại, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine năm 2022 và mới đây là xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas, tất cả đã góp phần đẩy giá vàng leo thang trong năm năm qua.
Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quí 3-2023 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, còn 11,9 tấn, từ mức 12 tấn. Tuy nhiên, sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu nữ trang trong nước giảm 14%, từ mức 3,5 tấn xuống còn 3 tấn. Ngược lại, nhu cầu vàng miếng vẫn tăng 4% lên 8,8 tấn từ mức 8,5 tấn.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn xu hướng của thị trường, giá vàng thế giới chỉ thật sự tăng bứt phá trong năm 2019 và hơn nửa đầu năm 2020, khi leo từ vùng quanh 1.200 đô la/ounce lên đỉnh cao 2.080 đô la/ounce vào tháng 8-2020. Kể từ đó đến nay, giá kim loại quý này chủ yếu dao động trong biên độ 1.700-2.000 đô la/ounce, còn những nhà đầu tư lạc quan hơn tin rằng thị trường đang tích lũy để chờ một giai đoạn bứt phá mới.
Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước đi theo một kịch bản “rực rỡ” hơn, khi tăng từ 36 triệu đồng/lượng lên gần 57 triệu đồng/lượng trong giai đoạn 2019 đến nửa đầu năm 2020; sau đó đi ngang trong vòng một năm và kế đó có giai đoạn bứt phá mạnh từ 57 triệu đồng/lượng lên tận 70 triệu đồng/lượng trong giai đoạn tháng 9-2021 đến tháng 4-2022. Sau khi có giai đoạn điều chỉnh và đi ngang quanh vùng 65-66 triệu đồng/lượng trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, giá vàng đã thiết lập đà tăng trở lại từ đầu quí 3-2023 đến nay (tháng 11-2023) để vượt qua đỉnh cũ 70 triệu đồng/lượng và thiết lập kỷ lục mới nhất ở 73,5 triệu đồng/lượng vào ngày 28-11-2023.
Hệ quả là chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã mở rộng lên mức cao nhất mọi thời đại. Cụ thể, theo giá vàng thế giới gần nhất ở quanh 2.015 đô la/ounce, sau khi tính các loại thuế, phí, với tỷ giá tự do ở quanh 24.550 đồng/đô la, giá vàng quy đổi chỉ ở quanh 59,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng SJC trong nước đang bán ra lên đến 73,5 triệu đồng/lượng, tức cao hơn giá thế giới quy đổi gần 13,8 triệu đồng/lượng. Dù vậy, mức chênh lệch này đã giảm so với mức 14-15 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 10 năm nay.
Dẫu biết rằng thị trường vàng trong nước đã gần như cắt đứt sự liên thông với giá vàng quốc tế từ lâu, nhưng mức chênh lệch “khủng” như vậy khiến những người ưa chuộng vàng nhất cũng buộc phải nghi ngại. Từng có ý kiến cho rằng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quy đổi lên mức 4-5 triệu đồng/lượng là đã có sự đầu cơ làm giá, nhưng có lẽ điều đó chẳng là gì so với mức chênh lệch lớn như hiện nay.
Áp lực nào lên tỷ giá?
Có ba nguyên nhân chính có thể giải thích cho sự tăng vọt của giá vàng trong nước thời gian qua.
Yếu tố đầu tiên là trước những rủi ro của nền kinh tế, cộng thêm lãi suất tiền gửi ngân hàng không còn mấy hấp dẫn, các kênh đầu tư khác như bất động sản hay chứng khoán vẫn ảm đạm, dòng tiền đầu tư đã tìm kiếm nơi trú ẩn là vàng, vốn cũng được kỳ vọng sẽ có suất sinh lời tốt hơn trong giai đoạn tới.
Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quí 3-2023 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, còn 11,9 tấn, từ mức 12 tấn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu nữ trang trong nước giảm 14%, từ mức 3,5 tấn xuống còn 3 tấn, có lẽ do tình hình kinh tế ảm đạm đã ảnh hưởng đến nhu cầu các mặt hàng xa xỉ. Ngược lại, nhu cầu vàng miếng vẫn tăng 4% lên 8,8 tấn từ mức 8,5 tấn, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng.
Yếu tố thứ hai, không thể không nhắc đến lực lượng đầu cơ, vốn đã tăng cường nắm giữ một lượng lớn vàng trong những năm gần đây, khiến cung cầu thị trường ngày càng mất cân đối.
SJC là thương hiệu vàng miếng độc quyền và chỉ có Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được phép sản xuất, nhưng theo giới phân tích, từ năm 2014 đến nay NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường. Công ty SJC chỉ được dập lại các miếng vàng móp méo. Vàng miếng SJC còn được chuyển hóa để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chính vì nguồn cung ít ỏi trong khi nhu cầu vẫn duy trì xu hướng tăng, đặc biệt trong giai đoạn thị trường vàng nổi sóng trở lại, nên chỉ cần lực mua nhỏ, khoảng vài trăm lượng là giá vàng miếng SJC lập tức bị đẩy lên.
Yếu tố thứ ba chính là tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn trong xu hướng đi lên bền bỉ suốt những năm qua. Với thị trường ngoại hối và thị trường vàng trong nước thường có những ảnh hưởng nhất định lẫn nhau, tỷ giá tăng có thể góp phần kéo theo giá vàng trong nước đi lên, trong khi giá vàng trong nước tăng mạnh và mở rộng chênh lệch so với giá thế giới quy đổi sẽ kích thích nhu cầu ngoại tệ để nhập lậu vàng. Với mức giá vàng SJC trong nước tại thời điểm viết bài này lên tới 73,5 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới chỉ quanh 2.015 đô la Mỹ/ounce, tính ngược lại mức tỷ giá cần phải có là ở mốc gần 30.200.
Dù vậy, cách tính toán như trên không có nhiều ý nghĩa, vì giá vàng trong nước đang bị đầu cơ, làm giá, lực mua vào tại những vùng giá cao như vậy không đáng kể. Có thể so sánh với cổ phiếu của một doanh nghiệp, nếu số lượng cổ phiếu cô đặc và đã nằm trong tay các cổ đông lớn, lượng trôi nổi rất ít, giá các cổ phiếu này sẽ dễ dàng bị kéo lên và neo cao, nhưng ít nhà đầu tư nào chấp nhận mua vào ở vùng giá bất hợp lý như vậy.
Ngoài ra, với nguồn cung ngoại tệ hiện nay vẫn dồi dào, nhà điều hành cũng sẽ không để tỷ giá có những biến động mạnh, mà sẵn sàng can thiệp khi cần thiết để sự biến động của tỷ giá luôn nằm trong mục tiêu kiểm soát mỗi năm, cũng như phục vụ cho những chính sách kinh tế khác. Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 28,85 tỉ đô la đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng qua, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Về vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài, con số đạt được cũng khá tích cực, ước đạt khoảng 20,25 tỉ đô la, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tính đến ngày 27-11 chỉ ở mức 23.947, tăng 1,4% so với đầu năm và nếu so với cuối tháng 10 thì đang giảm trở lại 140 đồng. Trong khi đó, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng thậm chí còn giảm hơn 300 đồng so với cuối tháng 10, còn giá đô la Mỹ tự do cũng giảm hơn 100 đồng. Xu hướng này cho thấy dù đang giai đoạn cuối năm, nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa thường gia tăng, nhưng năm nay tỷ giá lại đang có những bước ổn định hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.