Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giá vàng Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Trịnh Duy Viết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giá vàng thế giới đã chứng kiến một phiên giảm mạnh hơn 3,5% vào ngày 8-6-2024 khi dữ liệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tạm ngừng mua vàng sau 18 tháng liên tiếp mua ròng. Xu hướng giảm này chỉ là ngắn hạn hay báo hiệu giá vàng đã đạt đỉnh trong năm 2024?

Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước có lúc lên đến 18-20 triệu đồng, cộng với mức chênh lệch mua và bán khoảng 2-3 triệu đồng nhưng nhu cầu mua vẫn tăng khá mạnh. Ảnh: LÊ VŨ

Giá vàng chịu nhiều tác động tăng giá kể từ năm 2020

Tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 khiến nhiều nước thực hiện nới lỏng tiền tệ quá mức, cùng với đó là hiện tượng đứt gãy nguồn cung khiến cho tình trạng lạm phát tăng cao. Không chỉ vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022 và xung đột Israel - Hamas (Palestine) diễn ra sau đó đã khiến cho tình trạng đứt gãy nguồn cung càng trầm trọng hơn, giữ lạm phát duy trì ở mức cao mặc dù nhiều nước đã nâng lãi suất lên rất cao để kìm lạm phát. Lúc này, vàng được cho là một lựa chọn để phòng ngừa lạm phát hoàn hảo và bắt đầu một xu hướng tăng mới.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây với Nga đã khiến cho thế giới phân cực hơn, thúc đẩy khối BRICs phát triển nhanh hơn và khiến cho họ mong muốn thiết lập một hệ thống tiền tệ mới độc lập trong thanh toán và dự trữ với đô la Mỹ. Để bắt đầu từng bước hạn chế phụ thuộc vào đô la Mỹ thì một trong những lựa chọn thay thế đó chính là vàng, và điều này thôi thúc một số nước đẩy mạnh tăng dự trữ vàng.

Trung Quốc là một trong những nước mua vàng mạnh nhất trong thời gian qua, điều này đã phần nào thúc đẩy giá vàng tăng. Giá vàng đã tăng hơn 13% trong năm 2023 và tăng tiếp hơn 10% trong năm tháng đầu năm 2024. Tới phiên ngày 8-6-2024, giá vàng mới giảm mạnh trở lại 3,5% khi dữ liệu cho thấy Trung Quốc ngừng mua vàng dự trữ trong tháng 5-2024, sau 18 tháng mua ròng liên tiếp.

Diễn biến giá vàng trong nước bắt đầu sôi động từ nửa cuối năm 2023, sau khi giá vàng thế giới gia tăng và lãi suất trong nước giảm. Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước có lúc lên đến 18-20 triệu đồng, cộng với mức chênh lệch mua và bán khoảng 2-3 triệu đồng nhưng nhu cầu mua vẫn tăng khá mạnh.

Trong tháng 4 và tháng 5-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần can thiệp bán vàng cho các tổ chức kinh doanh vàng thông qua chín phiên đấu thầu, lên đến 48.500 lượng, nhưng không thể giảm đáng kể chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước.

Tới đầu tháng 6-2024, NHNN đã chuyển từ phương thức đấu thầu qua bán cho bốn ngân hàng thương mại quốc doanh, để các đơn vị này phân phối trực tiếp tới người dân, qua đó bước đầu đã góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước.

Giá vàng còn tiếp tục tăng hay không?

Nhìn vào các yếu tố vĩ mô, có thể thấy, để giá vàng hạ nhiệt, cần thiết nhất là tình trạng lạm phát toàn cầu phải giảm trở lại và các rủi ro địa chính trị hạ nhiệt. Trong đó, nhìn vào xu hướng lạm phát toàn cầu thời gian qua thì đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên, để có thể đưa lạm phát về mức trước đây, có thể sẽ còn cần một thời gian dài nữa. Điều này liên quan đến hai lý do chính:

Thứ nhất, lạm phát chỉ giảm khi chính sách tiền tệ thắt chặt đủ mạnh, nhưng nhiều nước đang bắt đầu giảm dần lãi suất sau một thời gian dài cố gắng gồng mức lãi suất cao, cụ thể là Canada và khu vực EU đã bắt đầu giảm đợt đầu tiên (trước đó có Trung Quốc).

Thứ hai, nguồn cung hàng hóa phải trở về mức bình thường, phải tìm được nguồn thay thế các nguồn cung bị ảnh hưởng do xung đột địa chính trị, đảm bảo cho hoạt động sản xuất bình thường ngay cả trong điều kiện kinh tế tăng trưởng. Điều này dường như đang khó khăn và khiến cho lạm phát có giảm nhưng rất chậm, khác với những lần tăng lãi suất để kìm lạm phát trước đây.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lâu nay trì hoãn giảm lãi suất trong đó cũng vì chính sách tăng lãi suất chưa thể đưa lạm phát giảm theo đúng kế hoạch, mà yếu tố then chốt đó chính là các nguồn cung thay thế phải được khơi thông. Điều này chỉ xảy ra khi các xung đột địa chính trị hạ nhiệt hoặc kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái (làm tổng cầu giảm).

Vì vậy, việc kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và lạm phát giảm dần sẽ là điều kiện giúp đô la Mỹ mạnh lên, cũng làm giảm đi nhu cầu mua vàng và từ đó hạ nhiệt giá vàng. Nhưng nếu xung đột địa chính trị tiếp tục gia tăng hoặc kinh tế Mỹ xấu đi, điều này sẽ là động lực thúc đẩy giá vàng tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Giá vàng Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2024 (bao gồm cả vàng) được đánh giá không quá dồi dào, chỉ khoảng hơn ba tháng nhập khẩu. Trong khi đó, NHNN đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối - bán vào thị trường khoảng 2-3 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm tới nay, khiến cho nguồn lực bị suy giảm.

Vừa qua, NHNN đã thực hiện một số biện pháp can thiệp thị trường vàng trong nước và bước đầu đã phát huy hiệu quả, giảm chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước xuống mức thấp. Tuy nhiên, biến động giá vàng trong nước cũng sẽ phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nếu như giá vàng thế giới tiếp tục “nhảy múa” sẽ khiến cho một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư tham gia vào kênh này.

Việc NHNN can thiệp vào thị trường vàng trong nước, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và ngoài nước chỉ có thể làm giảm bớt nhu cầu đầu cơ ngắn hạn, nếu điều kiện thị trường vàng thế giới ổn định thì các biện pháp trên có thể thành công. Nhưng nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng trở lại thì NHNN có thể phải nghiên cứu đến biện pháp nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân và doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng chênh lệch giá quay trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới