(KTSG Online) - Giá xăng dầu thế giới trong 10 ngày qua giảm ở những ngày đầu nhưng tăng trở lại ở những ngày sau đó. Do đó, giới kinh doanh dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm nhẹ 200-500 đồng/lít hoặc đi ngang ở kỳ điều hành theo chu kỳ vào ngày mai (1-8).
- Chỉ số giá tiêu dùng của 7 tháng tăng 2,54%, nguyên nhân do giá xăng dầu tăng cao
- Giá xăng giảm mạnh, về mức 25.000 - 26.000 đồng/lít
Sau đợt điều chỉnh giá ngày 21-7 của liên bộ Tài chính – Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm ở thị trường Singapore liên tiếp giảm ở những ngày liền kề sau đó.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26-7 tiếp tục giảm so với kỳ trước.
Theo đó, xăng RON 92 là khoảng 108 đô la Mỹ/thùng, RON 95 ở mức 111 đô la/thùng. Mức này giảm khoảng 4-5% so với kỳ điều chỉnh liền kề trước đó. Còn giá dầu diesel có lúc giảm về mốc 123 đô la một thùng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá dầu thô mấy ngày gần đây có xu hướng tăng trở lại.
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 10 giờ sáng nay, 31-7 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 104 đô la/thùng, tăng 2,1% so với ngày 30-7. Cùng thời điểm, giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 98,62 đô la/thùng, tăng 2,28% so với ngày hôm qua.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán và việc đồng đô la Mỹ suy yếu được cho là những nhân tố đẩy giá dầu tăng trở lại sau nhiều tuần giảm giá.
Do giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành vào ngày mai 1-8 được giới kinh doanh dự báo sẽ không giảm nhiều.
Theo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, giá bán lẻ xăng trong nước đang cao hơn giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore khoảng hơn 200-hơn 340 đồng/lít. Giá dầu diesel, dầu hỏa trong nước cũng đang cao hơn thị trường Singapore khoảng 600-850 đồng/lít.
Vì vậy, trong kỳ điều hành ngày 1-8, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức giảm sẽ tương đương mức chênh lệch. Theo đó, giá xăng có thể giảm khoảng 200-350 đồng/lít, còn giá dầu diesel có khả năng giảm từ 600-850 đồng/lít.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng mức giảm còn phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nếu cơ quan quản lý trích Quỹ bình ổn nhiều thì giá xăng dầu trong nước vào ngày 1-8 chỉ giảm rất nhẹ hoặc đi ngang.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 4 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29-7 vừa qua, bình quân 7 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 1,79 điểm phần trăm. So với tháng 12-2021, CPI tháng 7-2022 tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%.
Trong 7 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, trong đó có 6 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diesel tăng 7.280 đồng/lít. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.
Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.