(KTSG Online) - Giá xăng dầu trong nước được dự báo tiếp tục tăng theo đà tăng của giá thế giới trong kỳ điều chỉnh vào ngày mai (21-2) dù đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Ngày mai (21-2), Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 17-2 cho thấy bình quân xăng RON 92 có giá 108,8 đô la một thùng, giá xăng RON 95 ở mức 111,32 đô la một thùng. Mức này tăng 7-8% so với kỳ điều chỉnh trước đó.
Nghị định số 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2-1-2022 quy định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ...
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Do vậy, dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh vào ngày mai (21-2). Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo rằng ở kỳ điều hành ngày mai (21-2), giá xăng có thể tăng quanh mức 1.000-1.100 đồng/lít, còn dầu 800-900 đồng/lít.
Trong trường hợp cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước có thể tăng ít hơn.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Hiện giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua.
Trước đó, trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất vào ngày 11-2, nhà điều hành đã tăng mạnh giá xăng dầu, cụ thể, xăng E5RON92 tăng 976 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 962 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 962 đồng/lít; dầu hỏa tăng 958 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 666 đồng/kg.
Kỳ điều chỉnh ngày 11-2 vừa qua đã đưa ra giá xăng RON 95 vượt mốc 25.000 đồng/lít, cao nhất 8 năm trở lại đây.
Ngoài khan hiếm nguồn cung, hoạt động kinh doanh thua lỗ cũng khiến một số đơn vị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương phải treo biển "tạm ngưng bán hàng" hoặc bán theo định mức.
Tình trạng thiếu nguồn cung được các doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tiếp diễn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động với công suất ổn định. Theo Bộ Công Thương, khoảng 10 ngày nữa, cung và cầu thực trên thị trường mới cân bằng.
Ngày 18-2, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động điều hành giá xăng dầu, trong đó cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Văn bản nêu rõ cơ quan điều hành cần chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra, xử lý nghiêm, không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17-2 tăng khá cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 11-2). Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 108,8 đô la Mỹ/thùng, chu kỳ trước là 101,8 đô la/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 111,32 đô la/thùng, kỳ trước là 104,13 đô la/thùng. Như vậy, giá xăng RON 92 và giá xăng RON 95 ở chu kỳ này tăng tới 7-8% so với chu kỳ trước.Tương tự, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17-2 cũng tăng cao so với kỳ tính giá trước đó. Giá dầu diesel đã vượt mốc 110 đô la/thùng.Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, lạm phát cao và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Đóng phiên giao dịch cuối tuần (ngày 19-2), giá dầu WTI tăng nhẹ, lên mức 90,55 đô la/thùng, còn dầu Brent được giao dịch ở mức 91,61 đô la/thùng.Trong tuần vừa qua, giá dầu WTI tăng gần 1%, còn dầu Brent lại giảm 1,7%. Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu đang ở mức cao, có thể lên mốc 100 đô la/thùng trong tương lai gần.
Cách đây nhiều năm, một vị lãnh đạo Bộ CT cho rằng, đối với xăng dầu không nên quan tâm đến giá cả, mà cần quan tâm liệu xăng dầu có/ hay không để dùng. Ý ở đây là, thượng tôn thị trường, giá nào cũng được, miễn là có xăng để xài. Thực ra, xăng dầu cũng chỉ là hàng hóa tiêu dùng thôi. Nếu tôn trọng thị trường thì sẽ không có hiện tượng hụt hẫng cung cầu. Nhưng quan trọng là giá thị trường hay giá thị trường + thêm 40% thuế. Cần làm rõ hơn chỗ này ?
“Giá thị trường” là giá sau thuế, trong môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Còn “Giá + thuế + lợi nhuận định mức…” là giá do nhà nước ấn định, không phải giá thị trường. Lý thuyết này ai cũng hiểu mà. Vấn đề là các bác có chịu làm không thôi.