Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giấc mơ nông nghiệp đô thị của Singapore trở nên xa vời

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) – Chi phí cao, nguồn vốn cạn kiệt cùng với thủ tục xin giấy phép rườm rà đã cản trở sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trồng rau quả và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở Singapore.

Điều đó cũng cho thấy cuộc vận động tăng năng lực tự cung tự cấp thực phẩm bằng cách phát triển nông nghiệp đô thị (urban farming) của Singapore đang bế tắc.

Karthik Rajan, người sáng startup LiveFresh đang trồng rau theo phương pháp thủy canh tại một trang trại ở Singapore. Ảnh: Bloomberg

Trồng rau công nghệ cao gặp khó vì vốn cạn kiệt

Xét trên hầu hết các khía cạnh, startup nông nghiệp công nghệ cao LivFresh của doanh nhân Karthik Rajan, 46 tuổi ở Singapore là một câu chuyện thành công. Tọa lạc trên một khu đất rộng 2 hecta ở phía bắc của Singapore, trang trại của LivFresh cung cấp rau chân vịt, rau diếp và các loại rau xanh phổ biến khác khác cho các siêu thị lớn ở đảo quốc Sư tử kể từ năm 2022. Công ty bắt đầu có lãi từ tháng Ba vừa qua nhưng vẫn có nguy cơ đóng cửa vào cuối năm nay.

Rajan là một trong số ít doanh nhân nỗ lực sản xuất nông nghiệp ở một thành phố có diện tích nhỏ New York. Giống như hầu hết các đồng nghiệp, ông đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi nguồn vốn cạn kiệt. Dòng tiền đầu tư vào startup nông nghiệp trong nước sụt giảm trong vài năm qua. Kể từ đầu năm 2023, ít nhất 12 trang trại trồng rau công nghệ cao có quy mô lớn ở Singapore đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Tình trạng đó gây trở ngại đáng kể cho cuộc vận động đầy tham vọng của chính phủ Singapore nhằm tạo ra một ngành nông nghiệp công nghệ cao, giúp giảm sự phụ thuộc của đất nước vào nhập khẩu thực phẩm. Năm 2019, trung tâm tài chính châu Á công bố kế hoạch tự cung tự cấp khoảng 1/3 nhu cầu dinh dưỡng vào cuối thập niên này hay còn gọi là “30 by 30”. Hiện tại, khi kế hoạch đã đi được gần nửa chặng đường, Singapore đang sản xuất chưa đến 10% nhu cầu hải sản và rau quả của cả nước.

“Đó là một vòng luẩn quẩn vì chi phí hiện tại quá cao và con đường mở rộng quy mô bị hạn chế. Các nhà đầu tư có cảm giác rằng kế hoạch ‘30 by 30’ đã chết”, Rajan chia sẻ.

Trong vòng sáu tháng tới, doanh nhân này cần phải huy động được 10 triệu đô la Mỹ cho LivFresh nếu không, sẽ phải  rời khỏi thị trường.

Câu chuyện nông nghiệp đô thị của Singapore phản ánh thách thức của các nước nhỏ khi cố gắng cải thiện an ninh thực phẩm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường trực đối với chuỗi cung ứng.

Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) thừa nhận những thách thức mà các startup nông nghiệp đô thị đang đối mặt, bao gồm chi phí vận hành cao và thiếu nhu cầu để mở rộng quy mô.

Theo SFA, số trang trại nông nghiệp trên đất liền và trên biển của Singapore vẫn ổn định ở con số 250 kể từ năm 2019. SFA cho rằng, tầm nhìn “30 by 30” là một tham vọng dài hơi.

Nguồn vốn rót vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và thực phẩm của Singapore giảm gần 90% từ mức đỉnh năm 2021, xuống chỉ còn 187 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Quỹ đất đất nông nghiệp hạn chế

Trong cuộc chạy đua phát triển của Singapore sau khi giành độc lập vào năm 1965, các tòa nhà chọc trời và các dự án nhà ở mọc lên nhanh chóng. Các nông dân sản xuất quy mô nhỏ không còn nhiều đất đai để canh tác.

Khi trung tâm tài chính Singapore ngày càng phát triển, ngành nông nghiệp trở thành “nạn nhân”. Hiện nay, phần lớn diện tích đất dành cho nông nghiệp, khoảng 1% tổng diện tích Singapore, sẽ được đấu thầu và chỉ cho thuê trong 20 năm.

Kết quả là, Singapore, với dân số gần 6 triệu người, phải nhập khẩu phần lớn thực phẩm. Điều đó khiến quốc gia này dễ bị tổn thương hơn khi những cú sốc như đại dịch toàn cầu hoặc thiên tai làm gián đoạn hoạt động vận tải hoặc giảm nguồn cung thực phẩm ở những nơi khác.

Chính phủ Singapore có kế hoạch dựa vào công nghệ cao để sản xuất thực phẩm nhằm bù đắp hạn chế về quỹ đất nông nghiệp.

Một quỹ trị giá 309 triệu đô la Singapore (230 triệu đô la Mỹ) được thành lập vào năm 2019 để hỗ trợ kế hoạch “30 by 30” bằng cách  tài trợ cho các giải pháp canh tác đổi mới. Một quỹ khác, trị giá 60 triệu đô la Singapore, cũng ra mắt vào năm 2021 nhằm hỗ trợ các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mở rộng quy mô. Tính cuối tháng 4, quỹ này giải ngân chưa đến một nửa số tiền đó.

Tuy nhiên, đối với nông dân ở Singapore, nguồn tài trợ tập trung vào công nghệ không thể giải quyết được những vấn đề thực tế.

“Việc điều hành một trang trại ở đây hầu như không bền vững. Nếu không có đầu ra, bạn không thể bắt đầu phát minh và triển khai công nghệ mới”, Kai Wong, người nuôi cá ở lồng bè gỗ ngoài khơi Singapore nói.

Để thúc đẩy nhu cầu cá thu hoạch từ trang trại, Wong đã mở một nhà hàng và quầy bán súp hải sản.

Theo dữ liệu từ Công ty đầu tư mạo hiểm AgFunder, sự sụt giảm nguồn vốn tư nhân trên toàn cầu khiến giá trị các giao dịch đầu tư trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và thực phẩm của Singapore giảm gần 90% từ mức đỉnh năm 2021, xuống chỉ còn 187 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái.

Công ty nuôi trồng thủy sản Apollo Aquaculture Group, được Temasek Holdings, công ty đầu tư của chính phủ Singapore hậu thuẫn tài chính, đang trong quá trình tái cấu trúc nợ. Công ty này gây chú ý năm 2021 khi triển khai dự án nuôi cá trong trong một tòa nhà 8 tầng với vốn đầu tư 65 triệu đô la Singapore.

Sustenir, một startup trồng rau trong trang trại thẳng đứng, cũng được Temasek hậu thuẫn, dự kiến có lợi nhuận trong sáu tháng tới sau nhiều năm thua lỗ,

Theo Chia Song Hwee, phó CEO của Temasek International, đơn vị thành viên của Temasek Holdings, cho biết sẽ không rút lui khỏi lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhưng thừa nhận, các cơ hội đã thu hẹp.

Công ty nuôi trồng thủy sản Apollo Aquaculture Group nuôi cá ở các bể ở một tòa nhà 8 tầng. Ảnh: Straits Times

Mất quá nhiều thời gian để xin giấy phép

Trong lúc đó, thủ tục hành chính cồng kềnh ở Singapore đang làm tăng thêm áp lực cho các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

David Tan, CEO của startup thuật nông nghiệp Netatech, ước tính trong một số trường hợp, cần có sự phê duyệt của 10 cơ quan quản lý để có được một giấy phép canh tác duy nhất.

Victoria Yoong, người sáng lập Atlas Aquaculture vào năm 2019, đã phải chờ hơn một năm để được cấp giấy phép bán cá mú nuôi ở trang trại cá. Quá trình xin giấy phép mất nhiều thời gian đến nỗi các bể nuôi cá của công ty tràn ngập nhưng con cá có trọng lượng gấp đôi mức lý tưởng, ít được thị trường ưa chuộng.

“Làm thế nào tôi có thể tự tin nói với các nhà đầu tư rằng việc làm nông nghiệp ở đây là ổn? Chúng tôi muốn đạt được những điều cơ bản nhưng chính phủ không hỗ trợ”, Victoria Yoong nói.

Tất nhiên, thiếu tiến triển trong kế hoạch “30 by 30” một phần cũng là nhờ Singapore thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm. Là một cảng thương mại lớn, Singapore có thể tiếp nhận nguồn thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới, từ trứng gà Thổ Nhĩ Kỳ đến thịt cừu Tây Ban Nha. Thêm vào đó là những sản phẩm nông nghiệp giá rẻ nhập khẩu từ các nước láng giềng.

Theo Mark Lee, người đã phải đóng cửa trang trại trồng rau trên sân thượng của một tòa nhà cao tầng, điều này có nghĩa là nhu cầu thực phẩm được sản xuất tại địa phương, có giá đắt đỏ hơn sẽ yếu đi,.

Lee cho biết, không có siêu thị lớn nào ở Singapore đồng ý bán sản phẩm của ông. Một siêu thị khuyên nên nhập rau từ Malaysia để bán. “Không ai muốn trả nhiều tiền hơn cho rau trồng tại Singapore”, Lee nói thêm.

Rajan của LivFresh đã sa thải 5 nhân viên hồi năm ngoái để cắt giảm chi phí và chỉ sử dụng 1/3 diện tích đất. Yoong của Atlas Aquaculture cho biết, cô đang xem xét chuyển hoạt động sang các nước như Indonesia, Malaysia hoặc Úc. Yoong kết luận, việc thành lập công ty ở Singapore là “quyết định tài chính tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay”.

“Liệu tôi có muốn tiếp tục nông dân? Đúng, tôi muốn. Tôi có còn muốn trở thành nông dân ở Singapore không? Câu trả lời là không”, cô nói.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới