Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải bài toán khó hỗ trợ phục hồi kinh tế và kiểm soát nợ xấu

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nền kinh tế đã trải qua một năm rất đáng quên với nhiều khó khăn và thách thức khó có lời giải hữu hiệu mà không tạo thêm những rủi ro lớn hơn.

Việc NHNN nới lỏng tiền tệ, bù lãi suất để NHTM mở rộng cho vay ra nền kinh tế trên quy mô lớn cũng sẽ để lại hậu quả lớn là áp lực lạm phát tăng vọt song hành với quy mô và nhịp độ nới lỏng tiền tệ. Ảnh: THÀNH HOA

Hãy cùng nhìn vào một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của nền kinh tế. Đó là nhu cầu cấp bách về việc cần phải có sớm một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để vực lại hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc thoi thóp cầm cự trong suốt hai năm Covid-19 vừa qua. Một chương trình phục hồi và phát triển như vậy cũng cần phải tính đến hàng chục triệu người lao động và người ăn theo cũng đã bị kiệt quệ cả về vật chất và tinh thần bởi đại dịch. Trên quy mô lớn chưa từng có với con số hàng trăm ngàn, hàng chục triệu thì chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng phải ở quy mô vô tiền khoáng hậu thì mới mong đủ “thấm” và phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, câu hỏi khó ở đây là nguồn vốn nào tài trợ cho chương trình phục hồi nói trên? Giải pháp được nhiều người đề xuất và/hoặc lựa chọn phổ biến nhất hiện nay là giải pháp dựa vào hệ thống ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, rót vốn với lãi suất thấp hoặc bằng 0 cho hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) để từ đó các NHTM cho vay lại doanh nghiệp và người dân với lãi suất bằng lãi suất cung ứng của NHNN cộng thêm chi phí hoạt động cho vay lại của NHTM.

Cách này trở nên phổ biến và dễ được lựa chọn và chấp nhận một phần bởi sự ngộ nhận rằng tiền của NHNN in ra qua nới lỏng tiền tệ là nguồn tiền đương nhiên, sẵn sàng (có), dễ dàng có và giá rẻ, không để lại mấy hậu quả so với không có nguồn tiền này.

Cách làm đỡ xấu hơn là ngân sách nhà nước sẽ trở thành vừa là con nợ, vừa là chủ nợ. Là con nợ khi huy động vốn từ dân và doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu, công trái. Có nguồn vốn huy động rồi, sẽ/cần đóng vai trò là chủ nợ tích cực hơn - là chủ đầu tư trong các dự án đầu tư công hiện tại và mới.

Thoạt nghe thì kiểu cho vay bù lãi suất này đúng là lợi trăm bề mà hậu quả thì ít, bởi NHTM khi cho vay, kể cả là cho vay hộ NHNN, thì vẫn (phải) sát sao với tình hình thực tế của con nợ bởi nợ của khách hàng vay bù lãi suất vẫn là nợ của NHTM cho vay và NHTM này vẫn phải có trách nhiệm xử lý khi nợ cho vay biến thành nợ xấu chứ không phải là một ai khác.

Nhưng trên thực tế đã cho thấy qua các chương trình cho vay bù lãi suất lớn nhỏ trong hai ba chục năm qua (gồm cả hình thức cho vay chỉ định đến một nhóm đối tượng cụ thể) thì hậu quả để lại, tức nợ xấu, là điều không thể tránh khỏi và không hề nhỏ, nếu không muốn nói ngược lại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là NHTM khi cho vay kiểu bù lãi suất này sẽ có rất ít động lực để xét duyệt và kiểm soát việc cho vay cũng như sử dụng tiền vay bởi con nợ, do họ biết rõ rốt cuộc hậu quả có thế nào thì NHNN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là họ, sau khi họ đã thu đủ mọi loại phí và, đương nhiên, cả lợi nhuận “định mức” nữa.

Ở trên bình diện vĩ mô, việc NHNN nới lỏng tiền tệ, bù lãi suất để NHTM mở rộng cho vay ra nền kinh tế trên quy mô lớn cũng sẽ để lại hậu quả lớn là áp lực lạm phát tăng vọt song hành với quy mô và nhịp độ nới lỏng tiền tệ. Cộng thêm với những mất mát, thất thoát, thiệt hại, bất hợp lý trong quá trình cho vay bù lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN rất có thể dẫn nền kinh tế đến tình trạng phục hồi kinh tế đâu chưa thấy mà chỉ thấy có sự phát triển nóng của một số lĩnh vực như bất động sản, trong khi phần còn lại của nền kinh tế (nền kinh tế thực) thì tăng trưởng trì trệ song hành với lạm phát cao. Đến một lúc nào đó, NHNN buộc phải rút lại các biện pháp nới lỏng để kiềm chế lạm phát thì nền kinh tế sẽ lại đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, rơi tự do, nợ xấu tăng vọt khi bị đột ngột “cai” vốn tín dụng rẻ.

Vì vậy, và cũng nên tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam nếu có thì không nên lặp lại lối mòn nguy hiểm trước đây, là NHNN nới lỏng tiền tệ và thực hiện cho vay bù lãi suất thông qua hệ thống NHTM.

Thay vào đó, cách làm đỡ xấu hơn là ngân sách nhà nước sẽ trở thành vừa là con nợ, vừa là chủ nợ. Ngân sách nhà nước sẽ là con nợ trước tiên của nền kinh tế, khi nó phải huy động vốn từ dân và doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu, công trái. Đương nhiên làm vậy sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn là làm tăng mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đang chật vật phục hồi và tăng trưởng. Lúc này, ngân sách phải tính thêm phương án trở thành con nợ trực tiếp của NHNN, như kiểu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mua trái phiếu của kho bạc Mỹ. Bằng cách phối hợp này, mặt bằng lãi suất và lạm phát sẽ tìm được một điểm cân bằng tuy có thể nghiêng về phía này hay phía kia nhiều hơn (tùy thời điểm) so với trường hợp dựa hoàn toàn vào việc bù lãi suất của NHNN nhưng sẽ là an toàn hơn và dễ chấp nhận hơn đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

Có nguồn vốn huy động, ngân sách nhà nước sẽ/cần đóng vai trò là chủ nợ tích cực hơn. Theo đó, ngân sách sẽ đóng vai trò là chủ đầu tư trong các dự án đầu tư công hiện tại và mới, ứng vốn/cho vay các nhà thầu trong nước thực hiện các dự án này. Việc xét duyệt nhà thầu, qua đấu thầu, tuy cũng có lùm xùm, nhưng ít ra thì còn đỡ hơn so với việc để mặc NHTM tự do trong việc tìm và cho khách hàng vay trong chương trình cho vay bù lãi suất.

Ngân sách nhà nước cũng tăng cường vai trò là chủ nợ và/hoặc nhà tài trợ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người dân qua các biện pháp thuế, phí, cho vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp khi đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện chung đặt ra. Ngoài những khoản cấp phát, cho không mà dù có hay không có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì vẫn cứ phải chi, không phải tất cả các khoản chi tiêu còn lại từ ngân sách là cấp phát, cho không, mà là các khoản cho nợ lại và/hoặc cho vay mới các đối tượng, có thể là với các điều khoản ưu đãi. Các khoản cho nợ lại/cho vay mới này, vì được coi là có nguồn từ ngân sách, nên về bản chất phải được công khai, minh bạch hóa. Cho vay trong một môi trường như vậy (tất nhiên thực tế thì vẫn có... nhiều chuyện!) thì sẽ là tốt hơn (ít để lại hậu quả hơn) so với phó mặc cho các NHTM như trong cho vay bù lãi suất.

Và xét cho cùng, dù việc thiết kế và thực thi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thông qua ngân sách nhà nước chắc chắn cũng sẽ để lại hậu quả như thất thoát, lãng phí, nợ xấu (doanh nghiệp không trả nợ ngân sách) nhưng những hậu quả này sẽ được tính vào nợ công. Dù nợ công có tăng lên thì ít nhất Chính phủ cũng vẫn còn lối thoát trong một thời gian dài là dùng nợ mới nuôi nợ cũ. Chứ nếu là nợ xấu phát sinh trong hệ thống ngân hàng, được hạch toán tại các NHTM, thì Chính phủ không được phép, không có cơ sở nào phát hành trái phiếu huy động vốn để trả nợ hộ, giải quyết nợ xấu tại các NHTM. Kể cả NHNN cũng không được phép in tiền để xóa nợ xấu tại các NHTM, ngoài biện pháp kiểu như dùng VAMC để “nuôi” nợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới