Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải bài toán vốn cho doanh nghiệp là cần thiết vào lúc này

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, mục tiêu kiểm soát các biến số vĩ mô, trong đó có lạm phát đang chịu nhiều áp lực, nhưng dòng vốn vẫn sẽ chảy vào các lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp làm ăn chính đáng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo tại TPHCM ngày 18-6, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú, cho biết tín dụng trong nền kinh tế đang tăng nhanh, với con số tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê hồi đầu tuần của NHNN là tăng trưởng tín dụng khoảng 8,16% thì đến cuối tuần này đã ước khoảng 8,2%.

Theo đại diện NHNN, con số tăng nhanh này cho thấy điểm tích cực là nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang tăng cao.

Trái với những lo ngại về tín dụng bất động sản, thống kê của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro (bất động sản, chứng khoán, trái phiếu) là không cao hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, lĩnh vực tiêu dùng cũng tăng nhanh hơn nhiều so với tín dụng bất động sản có tính chất kinh doanh hay các dự án lớn.

Theo ông Tú, quan điểm của NHNN là tiếp tục điều hướng dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực cần nguồn vốn kinh doanh, phục hồi sau đại dịch.

Về tăng trưởng tín dụng trong năm nay, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng cho biết tốc độ mục tiêu là khoảng 14%, nhưng biên độ tăng giảm có thể lên đến 2%, tùy theo lạm phát và nhu cầu vốn để khôi phục sản xuất.

Một chính sách nhận được nhiều quan tâm là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% quy mô 40.000 tỉ đồng, hiện đang được triển khai. Có ngân hàng đã xây dựng xong quy chế nội bộ, cũng có ngân hàng đang tập huấn hướng dẫn. NHNN sẽ tổng hợp và thông báo chi tiết triển khai đến từng ngân hàng.

Về việc phân bổ dòng vốn chảy vào định hướng sản xuất, tại tọa đàm liên quan do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức mới đây, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng chính sách lớn nhất hiện nay không phải là giảm lãi suất hay đẩy mạnh đầu tư công mà phải "uốn nắn" dòng vốn trên thị trường đi đúng hướng gắn với nội dung phục hồi kinh tế. Nếu để doanh nghiệp không làm ăn được thì nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng vừa lạm phát, vừa trì trệ.

1 BÌNH LUẬN

  1. Có hai vấn đề lớn mà NHNN cần quan tâm lúc này. Quá trình khôi phục kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới ở bước đầu. Chính phủ vẫn chưa công bố hết dịch covid-19. Một số lĩnh vực quan trọng (du lịch/ dịch vụ/ giáo dục…) tốc độ phục hồi còn yếu, thu chưa đủ chi, vì vậy cần được hỗ trợ tiếp tục cơ cấu nợ ít nhất 1 năm nữa. Hai là, triển vọng phục hồi phải đi liền đồng bộ với sự thông suốt về thị trường/ vốn liếng/ nhân lực. Tuy nhiên cả 3 yếu tố này đang diễn ra ở thế bất lợi. Áp lực lạm phát đang cao ngất ngưởng. Thị trường bất ổn vì chiến tranh xung đột và mâu thuẫn giữa các nước lớn. Xét về năng lực làm chủ tình hình, thì bình ổn được dòng vốn và lãi suất trong nước lúc này là mang tính quyết định đối với khả năng phục hồi kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới