(KTSG) - Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành y tế trên toàn cầu vẫn có thể tăng trưởng vượt trội do được “hưởng lợi” nhiều từ nhu cầu gia tăng về điều trị và chăm sóc sức khỏe. Thực tế, mức sinh lời của các doanh nghiệp ngành y tế ở thị trường chứng khoán các nước đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại cho thấy một câu chuyện khác, phản ánh những đặc điểm trong cấu trúc đặc thù của ngành y tế Việt Nam.
Mức tăng trưởng thấp của ngành y tế trong năm 2021
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch bệnh và cũng từ đó các nhu cầu y tế của quốc gia này gia tăng đột biến. Thêm vào đó, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành y tế vẫn đang duy trì xu hướng mở rộng từ giai đoạn bùng phát dịch cho đến nay, thậm chí mức gia tăng đầu tư cao hơn so với các giai đoạn trước. Dữ liệu đầu tư bên dưới được tập hợp từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp y tế trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Điều này là một yếu tố chính giúp ngành y tế trở thành ngành đạt mức sinh lời vượt trội hơn nhiều so với các ngành nghề khác ở quốc gia này.
Ngược lại, ngành y tế Việt Nam không những không có sự gia tăng trong các hoạt động đầu tư mà còn đang có dấu hiệu suy giảm bởi những tác động của đại dịch. Thực tế, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp đã không có sự tăng trưởng ở các giai đoạn trước dịch, khi luôn thuộc nhóm thấp nhất toàn thị trường. Điều này đã khiến cho cổ phiếu các doanh nghiệp y tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức sinh lời thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác. Trong giai đoạn đầu của đợt dịch năm ngoái, các cổ phiếu ngành dược cũng nhanh chóng tăng vọt trước những kỳ vọng được hưởng lợi, tuy nhiên đã không thể duy trì được đà tăng và quay đầu.
Ngành y tế và dược phẩm Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn bởi thu nhập và mức sống của người dân ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Fitch Solution, thị trường dược phẩm Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2021-2026, từ 7,7 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 16,1 tỉ đô la năm 2026. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tốc độ già hóa sẽ diễn ra nhanh, mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành dược.
Tuy nhiên, chính những vấn đề đặc thù trong cấu trúc ngành nghề đã khiến cho các doanh nghiệp dược phẩm và các doanh nghiệp y tế nói chung ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để phát triển mặc dù có một nền tảng rất lớn từ đặc điểm thị trường.
Nền tảng ngành ở mức thấp
Khi nói đến các doanh nghiệp y tế lớn đang niêm yết ở Việt Nam thì sẽ chỉ giới hạn vào các doanh nghiệp ngành dược, mặc dù ngành y tế rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả hoạt động chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu y khoa. Điều đó cũng phần nào cho thấy được bức tranh về cấu trúc của ngành.
Ngành công nghiệp dược có tỷ trọng lớn là nhóm thuốc generic và phụ thuộc đa số vào nguồn nhập khẩu. So với các quốc gia tiên tiến thì phần lớn các nhà máy sản xuất thuốc ở Việt Nam không nghiên cứu bào chế thuốc mà chủ yếu dựa vào việc sản xuất các loại thuốc đã hết bản quyền trên thế giới (đọc bài Hoạt động R&D và an ninh y tế quốc gia để hiểu hơn vì sao các doanh nghiệp dược Việt Nam không thể tham gia vào thị trường thuốc bào chế). Đối với các loại thuốc đặc trị, Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài hàng năm với giá trị rất lớn. Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất dược phẩm ở Việt Nam cũng phụ thuộc tới 80-90% vào nguồn nhập khẩu. Dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất thành phần hoạt chất dược phẩm (API) ở Trung Quốc và Ấn Độ tạm ngừng hoạt động hoặc hạn chế xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy hàng năm Việt Nam nhập khẩu lên đến gần 5 tỉ đô la giá trị hàng hóa cho cả nguyên liệu và thuốc cho ngành dược.
Đầu tháng 6, Cục Quản lý Dược đã công bố một loạt đơn vị đủ thẩm quyền nhập khẩu, kinh doanh, bảo quản vaccin phòng Covid-19, trong đó có Công ty cổ phần (CTCP) Dược phẩm Bến Tre, CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1, CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha... Tuy nhiên, hiện tại nhiều đơn vị sản xuất vaccin như Astrazeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson... cam kết chỉ bán cho Chính phủ. Điều đó khiến cho các cổ phiếu ngành dược sau khi được một vài phiên tăng điểm lại tiếp tục thụt lùi.
Kênh ETC sụt giảm, doanh nghiệp dược niêm yết ảnh hưởng nguồn thu
Kênh ETC chiếm khoảng 70% thị phần của thị trường thuốc và đang sụt giảm mạnh do người dân không đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm. Nhiều năm trước, kênh ETC vốn là động lực tăng trưởng chính của ngành dược, nhưng trong năm 2020 chỉ đạt 5%, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 10% của năm 2019. Sự hồi phục của kênh này không được đánh giá cao trong năm 2021 khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù vậy, kênh ETC dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính cho ngành trong dài hạn trước xu hướng thay thế dần các loại thuốc ngoại bằng các loại thuốc sản xuất trong nước.
Triển vọng vẫn sáng sủa nhưng rủi ro bị thâu tóm là rất lớn
Chính bởi tiềm năng tăng trưởng và thị trường còn nhiều phân mảnh nên các doanh nghiệp dược phẩm Việt Nam đang trở thành mục tiêu của rất nhiều doanh nghiệp dược nước ngoài muốn thâm nhập thị trường. Do đặc thù và tiềm năng của ngành dược, thâu tóm doanh nghiệp nội là bước đi nhanh và hiệu quả nhất của các đối tác ngoại. Từ năm 2016 đến nay, các tập đoàn đến từ EU, Nhật Bản, Mỹ đã chi ra hơn 12.000 tỉ đồng để nắm quyền chi phối và có ảnh hưởng lớn đến các công ty dược nổi tiếng của Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tổng giá trị M&A năm 2020 ước đạt 1.680 tỉ đồng, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư ngoại như Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mua 25% cổ phần của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), ASKA (Nhật Bản) sở hữu 25% CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT), hay Stada (Đức) nâng sở hữu tại CTCP Pymepharco (PME) từ 70% lên 76%. Đầu năm 2021, SK Investment Vina III thuộc SK Group trở thành cổ đông lớn nhất tại Imexpharm, sở hữu 29,22% cổ phần. Trước đó, nhiều doanh nghiệp dược có tên tuổi trong nước cũng đã bị thâu tóm bởi các tập đoàn quốc tế. Đơn cử, Abbott (Mỹ) sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC). CTCP Dược Hậu Giang (DHG) cũng đã trở thành công ty con của Tập đoàn Taiso (Nhật Bản).
Thị trường chứng khoán trong dài hạn luôn là một phong vũ biểu của nền kinh tế cũng như thể hiện mức hấp dẫn của các ngành nghề khác nhau. Mức tăng trưởng của ngành dược ở Việt Nam khác biệt so với các nước đã phản ánh nền tảng trong năng lực cạnh tranh của nước ta so với các nước.
-----------------
(*) CEO Babuki
(**) CFA - BUH