Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải ngân vốn đầu tư công: ‘rót’ nhiều, nhưng sử dụng chưa được bao nhiêu

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn rất chậm khi bốn tháng đầu năm nay chỉ mới đạt hơn 16% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Vì sao?

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn còn chậm khi chỉ đạt hơn 16% kế hoạch vốn Chính phủ giao trong bốn tháng đầu năm 2022. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Nhận hơn 479.500 tỉ đồng, chỉ giải ngân hơn 84.700 tỉ đồng

Tại buổi làm việc của tổ công tác Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh, thành để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 diễn ra ở TP Cần Thơ vào chiều 16-5, ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Lao động Văn hoá Xã hội thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đã được Quốc hội quyết nghị là 518.105,89 tỉ đồng, trong đó vốn trong nước là 483.305,89 tỉ đồng và vốn nước ngoài là 34.800 tỉ đồng, còn lại chưa giao là 8.000 tỉ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong số vốn đã được Quốc hội quyết nghị nêu trên, tổng vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 479.527,27 tỉ đồng, tức đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Tuy nhiên, ông Hùng dẫn số liệu báo cáo của Bộ Tài Chính về giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho thấy đến ngày 30-4 chỉ mới đạt 84.765,06 tỉ đồng, bằng 16,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,68% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước là 83.234,89 tỉ đồng, đạt 19,57% kế hoạch; vốn nước ngoài là 1.530,18 tỉ đồng đạt 4,4% kế hoạch.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có 14 bộ, cơ quan trung ương đến ngày 30-4 vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022.

Ông Hùng dẫn ước tính của Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 15-5 đã giải ngân đạt 105.035 tỉ đồng, đạt 20,27% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 103.316 tỉ đông, đạt 21,03% kế hoạch và vốn nước ngoài là 1.719,34 tỉ đồng, đạt 4,94% kế hoạch.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với 8 địa phương khu vực này, gồm Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 39.760,93 tỉ đồng (đến nay đã phân bổ chi tiết đạt 85,67%). Tuy nhiên, tổng vốn ngân sách nhà nước của 8 địa phương nêu trên đã giải ngân đến ngày 30-4 chỉ đạt 5.768,2 tỉ đồng, đạt 14,2%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 15,08%, nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,6%.

Những con số nêu trên cho thấy tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn rất chậm.

Cát, sắt thép tăng 'gây khó' giải ngân vốn

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, vị đại diện của UBND tỉnh Kiên Giang giải thích, giá cát và sắt thép tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án ở địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. “Điều này dẫn đến nhiều công trình trúng thầu hiện có giá thấp hơn giá thị trường, cho nên một số doanh nghiệp kéo dài thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn”, vị này giải thích và cho biết địa phương đang cho xây dựng lại đơn giá mới.

Vị đại diện của UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất trung ương cần có chính sách phân cấp, phân quyền cho các địa phương để đẩy nhanh triển khai các dự án. Chẳng hạn, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện mất rất nhiều thời gian do phải trình ra trung ương.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng tình trạng tăng giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết của các nhà thầu.

Ngoài ra, theo ông Hồng, trong quá trình thực hiện các dự án, địa phương còn vướng một số khó khăn, bao gồm công tác giải phóng mặt bằng khi người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Thậm chí, có hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA, từ đó, dẫn đến khiếu nại, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Cũng theo ông Hồng, trong năm 2022, TP Cần Thơ bố trí khoảng 2.400 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 29% tổng kế hoạch vốn được giao) cho các dự án khởi công mới. Tuy nhiên, hiện các dự án đang trong quá trình thực hiện kê biên, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và triển khai lập thiết kế kỹ thuật- dự toán để đấu thầu xây lắp nên trong 4 tháng đầu năm 2022 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới