Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giải ngân vốn đầu tư công TPHCM tăng nhanh trong tháng 12

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ trong 4 ngày, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM đã tăng từ hơn 24% lên 33%, tạo động lực để thành phố đạt chỉ tiêu giải ngân 80% trong năm 2024.

Nội dung này được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, diễn ra ngày 9-12, TTXVN đưa tin.

Từ ngày họp hội nghị thành ủy (ngày 4-12) tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 24%, thì đến ngày 7-12, tỷ lệ này đã tăng lên 33%. Trong ảnh là đường vành đai 3 TPHCM, đoạn qua Hóc Môn. Ảnh: H.P

Theo ông Nguyễn Văn Nên, từ ngày họp hội nghị thành ủy (ngày 4-12) tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 24%, thì đến ngày 7-12, tỷ lệ này đã tăng lên 33%. Như vậy, chỉ trong 4 ngày, tỷ lệ giải ngân đã tăng gần 10%, góp phần đạt chỉ tiêu giải ngân đạt 80% trong năm 2024.

Ông đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố, lãnh đạo các địa phương và chủ đầu tư quan tâm, giám sát, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong đó, các bên tập trung 7 dự án lớn đã lên lịch giải ngân trong thời gian tới gồm dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm còn 11.886 tỉ đồng; dự án Vành đai 2 - đoạn 2; cầu đường Nguyễn Khoái khoảng 770 tỉ đồng; dự án mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21 khoảng 700 tỉ đồng; dự án đường Lê Văn Quới khoảng 600 tỉ đồng; dự án công viên văn hóa lịch sử 337 tỉ đồng; dự án rạch Cung, rạch Lồng Đèn 270 tỉ đồng.

Thông tin tại đây, Bí thư Thành ủy TPHCM mong các đại biểu bàn kỹ giải pháp và chủ đầu tư, địa phương liên quan của những dự án này phối hợp để giải ngân kịp thời theo tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Đối với các dự án nhỏ còn lại, các đơn vị phải chủ động, báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vướng mắc vượt thẩm quyền.

Theo UBND TPHCM, thành phố đã tháo gỡ khó khăn được 9/30 dự án đầu tư và đang tiếp tục rà soát xử lý đối với 21/30 dự án. Tuy nhiên, UBND Thành phố cũng nhìn nhận, tiến độ giải quyết một vài công việc và một số dự án vướng mắc chậm được tháo gỡ. Nguyên nhân là công tác đề xuất dự án, chuẩn bị đầu tư chưa kịp thời, chưa chủ động nên khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, phải dừng lại để xử lý. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng có nơi còn chưa theo tiến độ. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch có lúc thiếu sự chủ động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới