(KTSG Online) - Theo Bộ Tài chính, lũy kế năm 2024, tổng số tiền giải ngân là 548.569,3 tỉ đồng, đạt 72,9% kế hoạch năm còn tính đến hết tháng 1-2025, số tiền giải ngân là 635.579,9 tỉ đồng, đạt 84,47% kế hoạch.
- Đề xuất Hà Nội và TPHCM được tăng thêm không quá 15 phó giám đốc sở
- Hội đồng hợp tác vùng Vịnh ưu tiên ký kết FTA với Việt Nam
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về việc giải ngân vốn năm 2024. Theo đó, tổng số tiền giải ngân đạt 548.569,3 tỉ đồng, tương đương 72,9% kế hoạch và 80,32% kế hoạch Thủ tướng giao, baochinhphu.vn đưa tin.
Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân khoảng 5.624,32 tỉ đồng, đạt 88,45% kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia là 19.936,9 tỉ đồng, đạt 73,24% kế hoạch.
Đến hết tháng 1-2025, ước tính các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân được 635.579,9 tỉ đồng, đạt 84,47% kế hoạch năm và 93,06% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo Bộ Tài chính, trong khi vốn ngân sách trung ương đã đạt được tiến độ giải ngân khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, vốn ngân sách địa phương lại còn chậm.
Kết quả trong 13 tháng, 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước, 84,47%.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Quốc hội (97,56%), Bộ Giao thông vận tải (97,21%); Hải Phòng (99,83%), Sóc Trăng (99,67%), Đồng Tháp (99,4%), Hải Dương (99,4%), Hà Nam (98,28%), Bến Tre (98,13%).
Trong khi đó, có đến 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình chung như Văn phòng Chủ tịch nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tỉnh như Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Kiên Giang.
Việc TPHCM, một địa phương có kế hoạch đầu tư lớn, giải ngân chậm đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Với kế hoạch được giao chiếm 11,8% tổng kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân của thành phố chỉ đạt 72,49% đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung.
Kết thúc năm 2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án giao thông trọng điểm đạt 72,9% kế hoạch, thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương chỉ đạt 33,2%, cho thấy còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án này.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, mặc dù các chủ đầu tư đã nỗ lực không ngừng để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương vẫn còn những vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Việc cấp phép khai thác mỏ tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Nai diễn ra chậm trễ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các dự án giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy một số địa phương đã cố gắng bố trí tối đa nguồn nguyên vật liệu nhưng công suất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp các đề xuất để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về việc gia hạn thời gian thực hiện các dự án sang năm 2025, nhằm đảm bảo tiến độ chung của các công trình.