(KTSG) - Người làm chính sách khi đặt trước một số chọn lựa thường phân vân, không biết quyết định thế này thì kết quả sẽ khác như thế nào so với quyết định thế kia. Chẳng hạn, đóng cửa trường học thì tác động như thế nào lên mức lan tỏa đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng chuyện học của các em đến mức độ nào?
Trong y học, gặp trường hợp như thế, người ta có thể tiến hành các thí nghiệm lâm sàng, ngẫu nhiên có đối chứng để so sánh kết quả. Nhưng với nhiều vấn đề xã hội, không thể làm thí nghiệm theo kiểu đó được, chẳng hạn, không thể cho một nhóm học sinh học lên cấp ba trong khi cho một nhóm khác bỏ học giữa chừng để đo lường tác động của số năm học lên thu nhập sau này.
Giải Nobel Kinh tế năm nay trao cho ba nhà kinh tế vì những công trình của họ nhằm giải quyết bài toán khó nói trên, gồm một nửa giải trao cho ông David Card (Đại học Berkeley) và nửa giải còn lại cho Joshua Angrist (Đại học MIT) và Guido Imbens (Đại học Stanford). Dù cả ba đều đang giảng dạy ở các trường đại học Mỹ, ông Card là người Canada, ông Angrist người Mỹ và ông Imbens người gốc Hà Lan.
Trong một loạt công trình nghiên cứu từ đầu thập niên 1990, David Card đã sử dụng phương pháp “thí nghiệm tự nhiên” để phân tích một số vấn đề trong lĩnh vực lao động như tăng lương tối thiểu có làm tăng thất nghiệp, di dân có làm giảm công ăn việc làm của dân bản địa, giáo dục tác động như thế nào lên thu nhập tương lai… Nói là “thí nghiệm tự nhiên” chứ thực chất là chọn và quan sát các tình huống trong thực tế nơi diễn ra các chọn lựa khác nhau một cách ngẫu nhiên.
Nói là “thí nghiệm tự nhiên” chứ thực chất là chọn và quan sát các tình huống trong thực tế nơi diễn ra các chọn lựa khác nhau một cách ngẫu nhiên.
Để tìm hiểu xem tăng mức lương tối thiểu tác động thế nào lên việc làm, David Card cùng đồng nghiệp là Alan Krueger quan sát hai tiểu bang gần nhau trong đó New Jersey vừa tăng lương tối thiểu từ 4,25 đô la/giờ lên 5,05 đô la/giờ còn Pennsylvania thì không tăng. Họ chọn ngành bán thức ăn nhanh nơi mức lương tối thiểu là yếu tố quan trọng.
Trái với các nghiên cứu trước đó, họ phát hiện tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến tổng số công ăn việc làm, tức chủ lao động không vì chi phí nhân công tăng mà giảm việc, thu hẹp quy mô. Hàng loạt nghiên cứu dựa vào phương pháp này đã ra đời cho thấy doanh nghiệp thường chuyển chi phí tăng nếu có cho người tiêu dùng hay lương tối thiểu tăng là động lực để thêm nhiều người tham gia thị trường lao động… Nói cách khác nghiên cứu tiên phong của David Card đã giúp người ta hiểu rõ hơn về thị trường lao động so với cách đây 30 năm.
Tuy nhiên, “thí nghiệm tự nhiên” khác với các cuộc thực nghiệm lâm sàng ở chỗ với thực nghiệm lâm sàng, người tổ chức kiểm soát ai ở trong nhóm nào trong khi “thí nghiệm tự nhiên” thì chịu, các cá nhân hoàn toàn có quyền chọn tham gia hay không tùy họ. Vì thế rất khó diễn giải kết quả của các cuộc thí nghiệm tự nhiên; chẳng hạn, quan sát hai nhóm học sinh, một nhóm tăng thêm một năm học, nhóm kia thì không chưa chắc đã có thể kết luận gì dựa vào thu nhập của hai nhóm sau này.
Có thể nhóm không tăng vẫn có nhiều em tự học ở nhà hay nhóm tăng có nhiều em không còn động lực để học… Công trình của hai người đoạt giải còn lại, Joshua Angrist và Guido Imbens là nhằm giải quyết khó khăn này về mặt phương pháp để vẫn có thể rút ra những kết luận về mối quan hệ nhân quả từ các thí nghiệm tự nhiên.
Công trình của Joshua Angrist và đồng nghiệp Alan Krueger vào giữa thập niên 1990 chọn vấn đề thêm một năm học sẽ tác động thế nào lên thu nhập tương lai. Hai ông dựa vào một quy định ở Mỹ là học sinh có thể ra trường vào năm 16 hay 17 tuổi tùy vào tháng sinh; học sinh sinh vào quí đầu năm có thể ra trường sớm hơn học sinh sinh vào quí cuối năm.
Từ quan sát thấy nhóm đầu có số năm học ít hơn, thu nhập trong tương lai cũng thấp hơn nhóm sau, hai ông tính toán và kết luận có mối quan hệ nhân quả giữa số năm giáo dục và thu nhập, cứ tăng thêm một năm học thì thu nhập sau này sẽ tăng thêm 9%.
Sau này Joshua Angrist và Guido Imbens hoàn thiện các quy trình nhằm đưa ra các chọn lựa giúp cho các cuộc thí nghiệm tự nhiên càng giống các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng càng tốt. Cách hai ông giải quyết vấn đề phương pháp luận đã mở đường cho nhiều nghiên cứu sau này cũng dựa vào dữ liệu quan sát để rút ra kết luận như thể chúng là thí nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng.
Như chúng ta cũng đã thấy, trong các công trình của ba ông, một cái tên cùng hợp tác được nhắc đến nhiều lần - Alan Krueger, nhà kinh tế thuộc Đại học Princeton. Đáng tiếc ông đã mất vào năm 2019 mà giải Nobel thường chỉ trao cho người còn sống; bằng không lẽ ra ông đã được xướng danh cùng ba đồng nghiệp của mình. Tại buổi họp báo David Card cũng nói “Tôi tin chắc nếu Alan còn ở với chúng ta, ông ấy sẽ chia sẻ giải này với tôi rồi”.
Cũng vẫn là câu chuyện muôn thở: Lý luận và Thực tiễn. Lý luận thì chỉ đúng trong khuôn viên trường học. Còn thực tiễn thì muôn hình vạn trạng. Những thực nghiệm, khảo sát, tổng kết của các nhà khoa học Nobel nói trên cũng chỉ phản án một phần nhỏ thực tế cuộc sống. Có vô vàn góc khuất mà họ không thể hình dung và cũng không thể mô tả bằng sách vở được. Để cho thêm công bằng, giải Nobel cũng nên đặt ra tình huống truy tặng cho người có thành tích cống hiến đã chết.