Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp cho Hãng phim truyện Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chính phủ vừa có thông báo về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó, ngoài yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa đơn vị này, còn có yêu cầu “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành để thúc đẩy hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống Hãng phim truyện Việt Nam”.

Việc cổ phần hóa hãng phim truyện xem như thất bại, đầu tiên vì từ lúc cổ phần hóa năm 2016 đến nay hãng phim không cho ra đời phim truyện nào cả. Nơi từng có hàng trăm con người sản xuất hàng chục bộ phim mỗi năm nay chỉ còn vài người bám trụ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, máy móc thiết bị hư hỏng. Củng cố sắp xếp hãng phim như thế nào là một bài toán khó, trước hết là xử lý chuyện cổ phần hóa.

Nơi mua 65% cổ phần là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mong muốn thoái vốn, nhưng thoái như thế nào là hợp lý? Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn Vivaso tính toán chi phí, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần VFS. Đây là chuyện không khả thi vì làm sao tính toán đúng, đủ và khách quan các chi phí để ấn định phần vốn này có giá bao nhiêu để hoàn trả.

Thiết nghĩ cách duy nhất là để thị trường quyết định - họ từng đấu giá để mua cổ phần hãng phim thì nay cũng công khai đấu giá để bán cổ phần này cho cổ đông khác hay bán lại cho Nhà nước trong một giải pháp nêu bên dưới. Ở đây nhân cơ hội xử lý sau thanh tra, cần công khai các điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư tương lai, có rút kinh nghiệm trường hợp Vivaso như tỷ lệ doanh thu đến từ hoạt động điện ảnh bao nhiêu là hợp lý, phương án sử dụng mặt bằng, đất thuê của Nhà nước trong các dự án làm vốn mồi cho điện ảnh...

Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả cho hãng phim là con người, bởi tài sản lớn nhất của một hãng phim nằm ở con người, chính họ mới là yếu tố thu hút khán giả đến với rạp chứ không phải cơ sở hạ tầng. Nếu những nhà làm phim, các nghệ sĩ, diễn viên, người viết kịch bản, đạo diễn... suy tư về số phận một thương hiệu lớn, sẵn sàng lao tâm khổ tứ vì nền điện ảnh nước nhà, Nhà nước hãy mua lại cổ phần của cổ đông chiến lược, giao lại cho cán bộ, nhân viên hãng phim với trách nhiệm rõ ràng, cam kết minh bạch. Đầu tiên là một kế hoạch khả thi để bắt tay sản xuất phim trở lại, đi kèm là một số hy sinh giai đoạn đầu như nhận thù lao tượng trưng để đầu tư tiền bạc, công sức vào sản phẩm tinh thần.

Đặt ra bài toán như thế chúng ta sẽ sàng lọc ngay những người thật sự tâm huyết với tên tuổi, truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam. Phân biệt họ với những người đã quen với cơ chế bao cấp, chỉ đòi hỏi quyền lợi chứ không nghĩ đến trách nhiệm. Một khi đã chọn được người, các vấn đề còn lại tương đối dễ giải quyết như tìm vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở, mua trang thiết bị mới bằng các nguồn vốn vay, nguồn vốn xã hội hóa. Nguyên tắc cần tuân thủ ở đây là ngân sách có thể được dùng để cấp cho các dự án điện ảnh cụ thể với các đề án cụ thể chứ không thể nuôi một bộ máy thua lỗ và không hiệu quả được, dù đã được cổ phần hóa.

4 BÌNH LUẬN

  1. Cho dù có thu phục lại cơ đồ do sai lầm khi tiến hành chủ trương cổ phần hóa, thì liệu Hãng phim truyện VN có thay đổi theo hướng tốt hơn? Không chắc, nếu không muốn nói là không thể. Những tài năng điện ảnh hiện nay, hoặc là đã qua thời vang bóng, tản mác khắp nơi, hoặc là không còn nhiều đất diễn, động lực để dụng võ nữa. Việc kiến tạo một không gian điện ảnh, xây dựng một lực lượng nhân tài thực sự cởi mở, năng động và sáng tạo, năng lực cạnh tranh cao, có tầm vóc trí tuệ sâu sắc… mới là điều cần thiết nhất hiện nay, như thế mới chứng minh được câu chuyện mới và hay của điện ảnh VN. Không chỉ chinh phục được tấm lòng của người hâm mộ, mà còn có năng lực tự sống còn và phát triển một cách kiêu hãnh, là sức mạnh mềm của quốc gia, đủ sức tự hào sánh vai cùng với văn đàn, văn hóa, nghệ thuật khắp năm châu bốn bể.

    • Trả lời tới Bùi Thế Giang: Bạn đã đến Hãng phim truyện VN vào thời điểm này chưa?Nhân tài không phải là không còn. Quan trọng người ta có sử dụng họ không? Sử dụng như thế nào? Đấy là bài toán cho lãnh đạo. Ai giải được bài toán đấy thì sẽ là lãnh đạo.

  2. Diễn viên điện ảnh hiện nay, gần như có hai dạng: Diễn viên Truyền hình – Diễn viên chuyên nghiệp. Truyền hình, sao cũng được. Có phim là có chiếu, có tiền quảng cáo. Chuyên nghiệp thì khác. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Nhưng tương lai sẽ chỉ thuộc về ai có năng lực chinh phục được công chúng mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới