Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết vướng mắc của các dự án đầu tư đến hết ngày 31-8

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành kế hoạch hành động năm 2024-2025 của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư. Trong đó, các bộ, ngành sẽ triển khai thực hiện tháo gỡ các vướng mắc của các dự án này đến hết ngày 31-8.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TPHCM vẫn chờ ngày được tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành. Ảnh: Mình Hoàng

Theo đó, kế hoạch nhằm nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn, tránh lãng phí ngân sách, baochinhphu.vn đưa tin.

Phạm vi gồm các dự án sử dụng vốn đầu tư công, tư nhân, FDI và các nguồn vốn khác, trừ các dự án đã do các Ban chỉ đạo hoặc Tổ công tác khác xử lý.

Kế hoạch đã xác định rõ 7 nhóm nội dung công việc, gồm rà soát, kiểm tra các vướng mắc, tổng hợp báo cáo, đề xuất giải pháp, đôn đốc thực hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền.

Trong giai đoạn từ tháng 1-3, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung vào việc rà soát và giải quyết các vướng mắc của các dự án đầu tư. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp và báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những khó khăn, vướng mắc mà các dự án đang gặp phải, hoàn thành tới ngày 20-1.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, phân loại các vấn đề và xây dựng kế hoạch làm việc, đề xuất phương án giải quyết, trình Thủ tướng, lựa chọn các dự án thí điểm để áp dụng giải pháp và hoàn thành tới ngày 10-2.

Tới ngày 31-3, các bộ, ngành, địa phương sẽ được đôn đốc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, các địa phương sẽ có báo cáo trình cấp có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo.

Từ tháng 4-6, các dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải quyết vướng mắc cho các dự án đầu tư sẽ được hoàn thiện theo từng giai đoạn. Trong đó, hoàn thành dự thảo cho lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo trong tháng 4 và hoàn thành dự thảo cho lĩnh vực giao thông, BOT và các dự án khác trong tháng 5.

Để đảm bảo tính toàn diện và khả thi của các Nghị quyết, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức lấy ý kiến đóng góp từ các thành viên trong thời gian quy định. Cụ thể, đối với các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo, thời hạn đóng góp ý kiến là ngày 15-5. Với các dự án còn lại, thời hạn đóng góp ý kiến là ngày 15-6. Sau khi tiếp thu ý kiến, các dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình Ban chỉ đạo họp thông qua trước khi trình Chính phủ.

Từ tháng 6-8, các bộ, ngành sẽ triển khai thực hiện nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án đầu tư. Các bộ, ngành sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết cho từng lĩnh vực, đảm bảo việc thực hiện nghị quyết được thống nhất và hiệu quả, phải hoàn thành trước ngày 31-8.

Trong tháng 9 và 10, Ban chỉ đạo sẽ tiến hành đánh giá toàn diện tình hình thực hiện tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Kết quả đánh giá sẽ được tổng hợp và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp tiếp theo.

Trong tháng 11, Ban chỉ đạo tổ chức tổng kết đánh giá 1 năm triển khai hoạt động, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới