Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Giảm chi phí và tăng lợi thế cạnh tranh nhờ ‘xanh hóa’ sản xuất

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, "xanh hóa" nguồn nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng... các doanh nghiệp không chỉ giảm được chi phí sản xuất đáng kể mà còn gia tăng được lợi thế cạnh tranh, nâng giá trị thương hiệu trên thương trường, và có thêm lượng khách hàng mới.

Khu vực tập kết nguyên liệu tại Công ty TNHH Giấy Xuân Mai ở khu công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM. Ảnh: TN

Tiết kiệm hàng trăm ngàn đô la nhờ xanh hóa sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giấy trong nước, Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, nhờ sớm chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững, mà hiện đã tiết kiệm mỗi năm đến 200.000 đô la Mỹ.

Để giảm được chi phí nói trên, ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, cho biết ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo Giấy Xuân Mai xác định kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Từ đó, công ty đã đầu tư các thiết bị, công nghệ nhằm giảm tối đa việc sử dụng nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, và giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng của quá trình sản xuất đến môi trường.

Cụ thể công ty đầu tư hệ thống lọc đĩa để thu hồi bột và tái sử dụng nước. Với việc đầu tư hệ thống này, Giấy Xuân Mai đã giảm được lượng nước sạch sử dụng từ 10 m3/tấn xuống còn 5 m3/tấn đối với sản phẩm giấy Kraft, và từ 30 m3/ tấn xuống còn 25 m3/tấn đối với sản phẩm giấy Tissue, tiết kiệm chi phí mua nước sạch 37.500 đô la/năm.

Ngoài ra, hệ thống lọc đĩa này còn thu hồi được lượng bột giấy khoảng 0,3% so với nguyên liệu đầu vào - tiết kiệm tiền mua nguyên liệu 45.000 đô la/năm.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, công ty đã đầu tư hệ thống lò hơi tầng sôi 30 tấn/giờ có chức năng đồng xử lý, với mục đích là biến toàn bộ rác thải đầu ra của ngành sản xuất giấy thành nguyên liệu đốt đầu vào của lò hơi.

"Việc đốt rác này đã giảm chi phí vận chuyển và phí xử lí rác; đồng thời nguồn năng lượng thu được trong quá trình đốt rác cũng góp phần giảm chi phí nhiên liệu đốt - tiết kiệm chi phí mua than 150.000 đô la/năm", ông Dũng chia sẻ, và cho biết việc kiểm soát khí thải từ lò hơi tầng sôi cũng được trang bị hệ thống quan trắc tự động được nhập khẩu đồng bộ từ Đức.

Công ty cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Hà Lan có mức đầu tư trên 5 triệu đô la. Với hệ thống tiên tiến này, toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất được thu gom và xử lí triệt để, đáp ứng các tiêu chuẩn trước khi chuyển về khu xử lí tập trung của khu công nghiệp Hiệp Phước.

Trong lĩnh vực dệt may, ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang cũng chia sẻ về quá trình chuyển đổi tích cực để thích ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững trong nỗ lực tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.

Tổng công ty Đức Giang đã và đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%… nhằm giảm thiểu dấu chân carbon trên sản phẩm. Bên cạnh đó, đa số các nhà máy trong hệ thống Tổng công ty Đức Giang đã và đang được lắp đặt thiết bị pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất. Đồng thời chuyển đổi các lò hơi đốt than sang các nồi hơi sử dụng điện.

Theo ông Dũng, điều này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tiêu chí thời trang, tái tạo và giảm phát thải, mà còn giúp nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đồng thời có thể tăng thị phần và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Đáng chú ý, Đức Giang đang tìm kiếm và thành lập các chuỗi cung ứng mới đáp ứng các tiêu chuẩn thời trang, tái tạo và giảm phát thải. “Chúng tôi đã đặt nhiều công sức xây dựng các chuỗi liên kết và cung ứng từ thiết kế, sản xuất vải đến sản xuất quần áo và tiêu thụ, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu”, vị Chủ tịch Tổng công ty Đức Giang chia sẻ thêm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ năng lượng xanh

Chi phí cho tiêu thụ điện chiếm một phần lớn trong ngân sách của doanh nghiệp. Do đó, tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh khá khá lớn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã được tiếp cận với các công cụ cải tiến năng suất như TPM, 5S, Kaizen… Đây không chỉ đơn thuần là công cụ để tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả, mà còn góp phần vào việc phát triển con người, giúp mỗi người lao động từng bước nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm hơn với công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Sử dụng thiết bị và dây chuyện sản xuất hiện đại, tự động hóa trong nhà máy sẽ giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ. Ảnh minh họa: website Bộ Công Thương

Một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm nguồn năng lượng là thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Bởi lẽ các thiết bị cũ thông thường sẽ tiêu tốn một lượng điện năng lớn để tải nên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí điện năng. Ngoài ra, một số thiết bị, máy móc cũ lâu đời còn có thể rò rỉ điện và gây nguy cơ cháy nổ.

Câu chuyện thực hiện chuyển đổi tại Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Nhà máy Bia Sài Gòn Củ Chi Sabeco đã góp phần giúp công ty luôn duy trì được tốc độ phát triển vượt trội trên 20% những năm qua.

Trong 2 năm gần nhất, sử dụng năng lượng phân tán, tiên tiến được doanh nghiệp này quan tâm, đầu tư gần 15 tỉ đồng. Trong thời gian vừa qua, nhờ đã áp dụng giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến hiệu quả như là nâng cấp bộ trao đổi nhiệt “Lauter wort heater”, mà doanh nghiệp tiết kiệm 437 tấn hơi/năm; thu hồi nhiệt hơi flash bồn nước ngưng tụ nhà nấu, tiết kiệm 1.000 tấn hơi/năm; tăng cấp bộ trao đổi nhiệt “Wort cooling”, tiết kiệm 204.600kWh điện/năm...

Đặc biệt, tại công ty, các hoạt động nghiên cứu được đặc biệt quan tâm về nhiệt và điện. Các phương án đổi mới sáng tạo để tiết kiệm năng lượng luôn được khuyến khích. Công ty cũng lắp điện mặt trời áp mái, bảo ôn cụm van hơi trong quá trình sản xuất, điều chỉnh và lắp đặt các thiết bị cần thiết để tiết kiệm điện và nhiệt.

Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho thấy khá hiệu quả và mang lại lợi thế cạnh tranh cao. Là đơn vị sử dụng năng lượng (điện, dầu, và gas) rất lớn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó năng lượng điện của công ty chiếm 83% và dầu là 17%. Sài Gòn Food đã đầu tư cho năng lượng phân tán tiên tiến là 7 tỉ đồng/năm.

Công ty luôn ứng dụng những công nghệ mới trong sản xuất, sáng tạo trong việc lắp đặt và thay thế các thiết bị truyền thống như giải pháp thay thế belt phun băng chuyền, giảm công suất giàn ngưng, lắp van cầu tiết giảm 1 máy nén 75 kW, thu hồi nước ngưng... với tổng chi phí tiết kiệm ước đạt 246 triệu đồng/năm.

Theo Ban lãnh đạo công ty, việc tiết kiệm năng lượng là vấn đề cốt lõi để tăng cạnh tranh, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp và tăng thu nhập cho nhân viên. Vì thế, Sài Gòn Food xem đây là ưu tiên hàng đầu và đều đưa vào mục tiêu công ty cần đạt được hàng năm.

Tương tự, ông Gonjanart Kanarat, đại diện nhà máy sản xuất thực phẩm Củ Chi thuộc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết công ty chú trọng vào việc tiết kiệm năng lượng và tái tạo năng lượng. Nhà máy được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời giúp giảm lượng khí thải carbon-dioxide hơn 1.700 tấn trong năm vừa qua.

Hoạt động theo mô hình khép kín “Feed - Farm - Food”, nhà máy thực phẩm Củ Chi đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng phân tán và tiên tiến: áp dụng năng lượng mặt trời, thu hồi và tái sử dụng 15.054 m3/năm nước làm nguội xúc xích tiết kiệm 129 triệu đồng tiền nước và 7020 kWh/năm. Tại đây dùng nước lạnh thay cho đá vảy cấp cho bồn rửa xúc xích tiết kiệm 134784 kWh/năm,… vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Gonjanart Kanarat, các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà quan trọng hơn hết đó là giảm lượng khí thải carbon ra môi trường, hạn chế hiệu ứng nhà kính, đồng thời đẩy mạnh xu hướng dùng năng lượng tái tạo trong cộng đồng.

Nhà bán lẻ Aeon Việt Nam đã đầu tư cải tiến nhiề biện pháp để giảm tiêu thụ điện năng, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Lê Hoàng

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất mà những doanh nghiệp về thương mại, dịch vụ cũng nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm nhiều chi phí khi áp dụng biện pháp tiết kiệm điện năng.

Trong những năm gần đây Công ty TNHH Aeon Việt Nam và các chi nhánh của công ty tại TPHCM đã đạt được các giải thưởng liên quan đến tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả được cấp bởi Bộ Xây Dựng và Bộ Công Thương.

Về giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo công ty cho biết đã sử dụng hệ thống quản lý tòa nhà (BMS) giúp thu thập dữ liệu, giám sát, cảnh báo lỗi bất thường, lắp đặt biến tần cho 59 AHU, 6 bơm nước ngưng, 4 máy thổi khí. Với vốn đầu tư đầu tư 3,85 tỉ đồng, uớc tính tổng công suất triển khai lên tới 1.469 kW, và giúp tiết kiệm kiệm 120.6 MWh/tháng.

Bên cạnh đó, nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này thực hiện thay đổi chế độ vận hành (thời gian hoạt động, tắt/mở) các thiết bị theo điều kiện môi trường và hạn chế vận hành vào các khung giờ cao điểm.

Với hiệu quả cao, Aeon đã nhân rộng giải pháp áp dụng hệ thống biến tần cho các điểm bán lẻ ở các tỉnh thành khác như Aeon Mall Bình Dương, Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) giúp tiết kiệm 20-30% lượng điện tiêu thụ so với khi chưa lắp biến tần.

Aeon kiểm soát tốt về các giải pháp đã đưa ra, cũng như kế hoạch trong tương lai về việc tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng xanh, sạch như điện năng lượng mặt trời áp mái, đèn năng lượng mặt trời,... để áp dụng cho các chi nhánh của Aeon một cách hợp lý và hiệu quả.

Ông John Harris, Phó Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, cho biết năng lượng là đầu vào rất quan trọng phát triển bền vững và việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giúp giảm chi phí năng lượng. Đồng thời các ngành hàng trở nên cạnh tranh hơn.

Chuyển đổi nhanh để bắt nhịp cùng yêu cầu mới của thị trường

Nhu cầu mở rộng tệp nhà cung cấp của các tập đoàn bán lẻ quốc tế trước những biến động toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng thế giới. Cơ hội này càng rộng mở hơn nữa khi doanh nghiệp xoay chuyển đầu tư, cải tiến sản xuất, phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu của các thị trường khó tính.

Chia sẻ về năng lực cung ứng của Tập đoàn Lộc Trời, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc cho biết, Lộc Trời là đơn vị đạt điểm cao trong chương trình sản xuất lúa gạo bền vững SRP, được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo thế giới IRRI và các cơ quan kiểm định độc lập quốc tế.

“Lộc Trời đã 4 năm liên tục kể từ 2020 đạt được số điểm tối đa này. Chứng nhận SRP100 này cũng mang đến cơ hội có tín chỉ carbon được xác nhận có thể giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon quốc tế”, ông Thuận chia sẻ.

Ngoài ra, Lộc Trời còn hợp tác với các Quỹ đầu tư khởi nghiệp đối với các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa gạo như sản xuất khí đốt, năng lượng sinh học, sản phẩm thay thế nhựa...

Nhiều khách hàng, đối tác, nhà bán lẻ tìm hiểu về khả năng cung ứng của Lộc Trời tại một sự kiện triển lãm mới diễn ra gần đây. Ảnh: Hùng Lê

Doanh nghiệp này cũng có khả năng truy xuất nguồn gốc tất cả các hoạt động và sản phẩm, tích hợp tất cả vào siêu ứng dụng để quản lý nông nghiệp tại vùng đất trồng lúa 2 triệu ha trong khi vẫn duy trì sứ mệnh bảo vệ môi trường và hỗ trợ người nông dân về cuộc sống lành mạnh.

“Hiện tại Lộc Trời có thể chứng minh cho tất cả các bên liên quan trong kinh doanh lúa gạo rằng trồng trọt và chế biến gạo có thể là một trong những ngành kinh doanh có lợi nhuận và bền vững nhất trên thế giới”, ông Thuận nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng công ty Đức Giang thì tập trung tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững, ví dụ như sử dụng các loại vải có nguồn gốc tự nhiên, tự hoại hoặc tái chế.

Hoạt động thiết kế cũng được chuyển đổi theo xu hướng thời đại. Với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ làm mẫu 3D, việc phát triển mẫu sản phẩm mới trở nên nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm nhân lực và thời gian. Điều này vừa giúp đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu thay đổi của khách hàng và thị trường, vừa tiết kiệm thời gian trong quá trình tạo mẫu, giảm thiểu việc sử dụng nguyên phụ liệu may mẫu.

Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí, nâng cao vị thế cạnh tranh, uy tín trên thương trường trong bối cảnh cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Hầu hết doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và hiệu quả hơn để đáp ứng xu thế thế giới và nhà nhập khẩu, người tiêu dùng. Tuy nhiên muốn đầu tư công nghệ để sản xuất xanh hay tiết kiệm điện năng thì phải đầu tư thêm thiết bị, công nghệ mới... Điều này phải có nguồn lực tài chính nên họ mong muốn Nhà nước, tổ chức tín dụng tạo điều kiện, hỗ trợ ưu đãi thuế so với đầu tư thông thường để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất xanh.

Mặt khác, theo các doanh nghiệp để chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm tiết kiệm tiêu thụ điện năng rất cần Nhà nước tổ chức đào tạo, huấn luyện về hướng chuyển đổi công nghệ sản xuất xanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới