(KTSG Online) – Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, gồm Việt Nam, đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), thì những yêu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản sẽ có sự thay đổi, đặc biệt tập trung vào yêu tố chất lượng, an toàn thực phẩm, trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.
- Kết nối dữ liệu cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp xanh
- ’Nông nghiệp xanh’… từ việc số hóa ruộng đồng
Nỗi niềm người làm nông nghiệp xanh
Là một trong số những hợp tác xã (HTX) có kế hoạch tham gia Đề án sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm (Long An), cho biết sẽ tham gia sản xuất lúa theo đề án này trên nền tảng là HTX đang sản xuất lúa theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu.
Theo ông Tuấn, việc chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải sẽ có nhiều thuận lợi, vì ngoài việc kiểm soát tốt lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã được HTX làm rất tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường châu Âu. Việc cần làm là quản lý chặt việc sử dụng nước, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.
“Chúng tôi hướng đến mô hình ‘1 phải, 6 giảm’, tức là ngoài việc giảm giống, phân, thuốc… còn phải giảm phát thải", ông Tuấn nói và cho biết nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn giá trị hạt gạo mang lại sẽ không kém các cây khác.
Thực tế, kế hoạch của HTX Cây Trôm và ông Tuấn được ra trong bối cảnh hiện tượng El Nino đe dọa đến sản lượng gạo tại Thái Lan, Indonesia. Thậm chí Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã kêu gọi nông dân trong nước giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước.
Theo đó, HTX này dự định nâng cao chất lượng toàn bộ 500 héc-ta diện tích canh tác theo tiêu chuẩn châu Âu để tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NNPTNT, tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu từ hạt gạo.
“Nhiều quốc gia có những động thái hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo tiêu dùng trong nước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng cao, trong khi đó, diện tích lúa ở nhiều địa phương có xu hướng thu hẹp, do vậy chúng tôi nhận định đang có nhiều cơ hội cho Cây Trôm phát triển”, ông Tuấn kỳ vọng.
Tuy nhiên, không phải đơn vị sản xuất - chế biến nông sản nào cũng quan tâm tới giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất – kinh doanh bền vững.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam - một doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều đưa sang Nhật Bản và EU, cho biết để xuất khẩu nông sản sang những thị trường khó tính thì doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, việc này không hề dễ.
“Giai đoạn đầu rất khó khăn. Bình thường, bà con sản xuất bao nhiêu, thương lái đóng hàng ngay vườn để xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng giờ buộc phải chuyển hướng sản xuất, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, khó khăn lớn nhât với doanh nghiệp là việc tìm kiếm nguồn hàng vì có những thời điểm không tìm được vùng nguyên liệu với sản phẩm vải thiều, cà rốt. Do đó, doanh nghiệp rất cần những vùng sản xuất nông sản xanh với quy trình được đồng bộ, thay vì chỉ một vài HTX sản xuất nông sản xanh.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp đi đâu cũng có nông sản xuất khẩu được, chứ không phải đi đâu cũng phải kiểm tra”, ông Tiến nói và cho biết có trường hợp phải kiểm tra sản phẩm tới năm lần mới thực sự tin tưởng để xuất khẩu.
Bên cạnh khó khăn về nguồn hàng xuất khẩu, vị này cho biết việc xây dựng vùng chuyên sản xuất nông sản xuất khẩu cũng rất khó khăn do chu kỳ, từ khi hỗ trợ vật tư đầu vào cho bà con để xây dựng vùng liên kết đến thu hoạch, thường kéo dài 9–10 tháng.
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội), cho biết đơn vị gặp khó khăn trong việc thay đổi nhận thức cho người nông dân và đội ngũ quản lý.
“Để người nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần quá trình. Hiện HTX đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp, cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái” ông Thám nói và cho biết kết quả vẫn chưa có nhiều cải thiện, dù đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi, tập huấn.
Khó khăn tiếp theo được lãnh đạo HTX Chúc Sơn nhắc đến là nguồn nhân lực. Đơn vị này có 7 kỹ sư, nhưng như vậy là chưa đủ. Thậm chí, việc thu hút nhân lực trình độ phổ thông cũng không dễ dàng.
Hiện có 30 công nhân, nhưng có thời điểm công nhân phải làm12-14 tiếng mỗi ngày mới có thể đáp ứng đủ sản phẩm cho thị trường.
“mời các bạn trẻ về làm việc rất khó. Chẳng hạn, với vị trí marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu một tháng, nhưng vẫn khó thu hút được lao động”, ông Thám cho biết
Về tích tụ đất đai và phát triển hạ tầng, vị này cho biết HTX đã tự bỏ tiền ra để làm đường bê tông vào khu sản xuất. Với những công trình địa phương bỏ không, HTX có thể tham gia quản lý, nhưng thay đổi nhận thức của lãnh đạo địa phương về việc giao các công trình này cho HTX quản lý lại là vấn đề khó.
Về vấn đề tiếp cận vốn, ông Trần Khánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của BacABank, đánh giá thực tế tiếp cận vốn của các HTX, liên hiệp HTX và các đơn vị sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với quy mô và vai trò, đóng góp của đối tượng này với nền kinh tế Việt Nam.
Tìm hiểu của BacABank nói riêng và đánh giá chung của các tổ chức tín dụng tcho thấy nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là phương án sản xuất - kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi. Ngoài ra, năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của đơn vị sản xuất còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và nhu cầu sản xuất - kinh doanh hiện nay.
Các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít HTX được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, nhưng giá trị thấp. Còn liên kết trong sản xuất của các HTX còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô của HTX hiện nay.
Bên cạnh đó, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, vẫn còn chưa thật sự lớn mạnh.
Cùng nhau tiếp cận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế.
Một điều tra do Công ty NielsenIQ thực hiện năm 2023 cũng cho thấy người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường khi mua sắm với 55% người được khảo sát coi yếu tố này là rất quan trọng và 37% coi là quan trọng.
"Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Có thể thấy, phát triển nông nghiệp bền vững giờ đây không còn là vấn đề khuyến khích, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc của nhiều thị trường xuất khẩu”, bà Nga nói tại diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững" ngày 24-11.
Theo bà Nga, các quốc gia phát triển đã và đang triển khai chương trình phát triển xanh, khung pháp lý để nhập khẩu hàng hóa của các nước phải bảo đảm sản xuất xanh.
Cụ thể, Hướng dẫn 79/117/EEC của Ủy ban châu Âu (EC), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0.
“Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu - PV) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố”, bà Nga nhấn mạnh.
Với bối cảnh trên, các yêu cầu nhà xuất khẩu phải tuân thủ các đạo luật về Thỏa thuận xanh châu Âu, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Luật Thẩm định chuỗi cung ứng bắt buộc các công ty quản lý chặt chẽ các tác động về môi trường trong cả sản xuất, kinh doanh.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông sản, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm các mô hình, hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng, trong đó có các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Tuy vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần có các giải pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có phát triển bền vững nông nghiệp.
“Tiếp tục triển khai quá trình quản lý năng lượng, giảm khí nhà kính, quản lý các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn xanh đã được chuẩn hóa; Thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra”, bà Nga nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Vang, Giám đốc Vùng nguyên liệu An Giang thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết để phát triển bền vững thì doanh nghiệp đã đồng hành với chương trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Đồng thời, ký cam kết với 4 tỉnh, gồm An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, sự ủng hộ lớn về chủ trương, đường lối, hỗ trợ của các cấp địa phương với HTX vì bản thân doanh nghiệp không thể một mình liên kết với nông dân.
Ngoài ra, cần nâng tầm mối quan hệ kết nối, liên kết HTX để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, do thực tế liên kết cho thấy có những HTX đủ tiềm lực, nhưng cũng có HTX chưa đạt tiềm lực tương xứng.
Về nhân sự, ông Vang mong muốn sự hỗ trợ của các Bộ ngành tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX vì nguồn lực đào tạo từ doanh nghiệp là chưa đủ.
Về chính sách đặc thù, vị này cho biết Lộc Trời tâm đắc với 2 chính sách đã ban hành về hỗ trợ liên kết, kết nối với địa phương. Nhưng số giải ngân thực tế không cao do thủ tục nhiêu khê.
“Thực tế, số HTX và nông dân được giải ngân chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên tôi mong muốn các các bộ ngành tháo gỡ nút thắt này”, ông Vang kiến nghị.
Về nút thắt tín dụng, vị này cho biết doanh nghiệp đã tìm đến các ngân hàng với mong muốn cung cấp tín dụng thông qua chuỗi liên kết, cho vay dựa trên tín chấp.
Theo quy định của ngân hàng, để mua lúa được thì phải dùng tài sản thế chấp. Nhưng yêu cầu vùng nguyên liệu với diện tích 300ha là lớn nên doanh nghiệp cũng không đủ tài sản để vay vốn.
Để giải quyết vướng mắc tín dụng, ông Trần Khánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp của BacABank, đề xuất cơ quan quản lý HTX cần có chính sách hỗ trợ và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý, thành viên làm công tác chuyên môn, kỹ thuật, tập trung vào các chuyên đề, gồm: Kỹ năng quản lý, điều hành HTX; Nâng cao năng lực lãnh đạo của HTX. Đồng thời, tập huấn tìm hiểu về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng, các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các HTX.
“BacABank sẽ đồng hành phối hợp”, ông Khánh nói và kiến nghị, cần có các buổi kết nối hội thảo, diễn đàn để ngân hàng tham gia cùng các hiệp hội, liên hiệp HTX nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của HTX.
Với bản thân doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Tiến cho rằng đơn vị sản xuất – kinh doanh phải đồng hành cùng với bà con nông dân, HTX trong việ chuyển đổi quy trình sản xuất, vì đầu tư xanh là một khoản đầu tư cho tương lai, chứ không phải khoản chi phí.
“Chúng tôi nói với bà con rằng tham gia giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích tăng, doanh nghiệp cam kết thu mua 10-20% giá trị, ứng trước một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp đồng hành cùng bà con đưa ra sản phẩm bền vững, xanh”, ông Tiến cho biết.
Nông nghiệp, văn minh và sinh thái, vẫn là cách tiếp cận bền vững nhất cho nền kinh tế nông nghiệp VN. Văn minh để hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là người nông dân sống được và sống tốt bằng chính nghề nghiệp của mình. Sinh thái là cách tốt nhất để bảo vệ bản sắc nông sản nhiệt đới, giá trị dinh dưỡng tự nhiên cho người tiêu dùng, tuyệt đối không chấp nhận các loại “tiến bộ năng suất” giả cách và giả hiệu, gây phương hại lâu dài đến sức khỏe giống nòi. Thế giới công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão, Chat (GPT)/ Chip… gì đó, có thể là quan trọng. Nhưng quan trọng nhất với nước ta và dân ta, vẫn là cần tập trung sức lực để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững. Đừng bao giờ sao nhãng bài học thực tiễn này.