(KTSG) - Nếu đi sâu vào cấu trúc cho vay của các ngân hàng thương mại thì việc giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động kinh doanh sẽ còn có thể thực hiện được nếu Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp phù hợp điều chỉnh chính sách cho vay của các ngân hàng thương mại về đúng bản chất hoạt động kinh tế.
- Vấn nạn doanh nghiệp ma và bài toán quản lý đăng ký doanh nghiệp
- Agribank ưu đãi vay vốn chỉ từ 4,0%/năm đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong thời gian qua, để hỗ trợ phát triển kinh tế sau giai đoạn bất ổn 2022-2023, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục đưa ra các giải pháp để giảm lãi suất, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất điều hành, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất... nhưng thành công nhất đó chính là việc cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện việc mua nợ của nhau.
Có lẽ đây là giải pháp có tính thị trường cao trong nhiều năm trở lại đây, qua đó giúp lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm nhanh chóng để tăng tính cạnh tranh và hỗ trợ tức thì các hoạt động của doanh nghiệp cũng như người dân trong hơn một năm qua.
Nhìn vào mức lạm phát hiện nay cũng như lãi suất huy động của các NHTM, có thể thấy về cơ bản mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó có thể giảm hơn nữa. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào cấu trúc cho vay của các NHTM thì việc giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động kinh doanh sẽ còn có thể thực hiện được nếu NHNN có những giải pháp phù hợp điều chỉnh chính sách cho vay của các NHTM về đúng bản chất hoạt động kinh tế.
Để giảm lãi suất cho hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đã đến lúc NHNN tiến hành thanh kiểm tra và yêu cầu các NHTM đang cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng ẩn mình dưới các khoản vay sản xuất kinh doanh trả về đúng bản chất của nó để một mặt giảm lãi suất đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh, mặt khác làm lành mạnh hóa bảng cân đối kế toán của các ngân hàng.
Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN và sau đó được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các NHTM sẽ dưới mức 30%. Mặc dù cho đến nay, một số NHTM chưa đáp ứng tỷ lệ 30% này, nhưng trên thực tế thì áp lực hạ thấp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kèm với việc các NHTM ưu tiên cho vay ngắn hạn nhằm giảm lãi suất cho khách hàng để tăng tính cạnh tranh đã làm dư nợ cho vay ngắn hạn của các NHTM lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực sự của khách hàng. Điều này đặc biệt đúng đối với các khách hàng cá nhân khi mà các khách hàng này không có hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh với quy mô rất thấp so với khoản vay của khách hàng.
Theo thống kê của người viết, trong các khoản vay ngắn hạn của cá nhân ở các ngân hàng, có đến 15-20% là các khoản vay mà cá nhân không có kinh doanh thực tế, chưa kể hơn 50% khách hàng có quy mô kinh doanh nhỏ hơn rất nhiều so với hạn mức khoản vay. Có nghĩa là các khoản vay ngắn hạn kinh doanh của khách hàng cá nhân bản chất nhằm phục vụ nhu cầu khác chứ không phải là kinh doanh, các nhu cầu này phần lớn để đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Điều này cũng đúng với các khoản vay ngắn hạn của các doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính gia đình khi mà các chủ doanh nghiệp sử dụng doanh nghiệp để vay vốn phục vụ cho nhu cầu đầu tư bất động sản của chủ doanh nghiệp.
Việc các NHTM cho vay sai mục đích như thế này đã dẫn đến tình trạng chèn lấn của vốn đầu tư kinh doanh bất động sản đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế khác và vì vậy làm cho lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh cao hơn bản chất vốn có do các khoản vay kinh doanh phải bù lãi suất cho các khoản vay sai mục đích này.
Do vậy, nếu NHNN điều chỉnh các khoản vay trá hình này về đúng bản chất kinh doanh, đầu tư bất động sản thì lãi suất các khoản vay sai này (trở thành các khoản vay dài hạn) sẽ cao hơn tối thiểu trung bình 2%/năm, đây chính là dư địa mà các NHTM sẽ giảm lãi suất cho các khoản vay kinh doanh.
Nếu các giải pháp này được thực thi nghiêm túc thì sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro nguồn vốn tốt hơn, có nền tảng tài chính vững mạnh hơn, hiệu quả hơn và cũng giúp các khách hàng quản trị rủi ro thanh khoản tốt hơn do không còn tình trạng sử dụng vốn sai mục đích (sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn).
Nói cách khác, để giảm lãi suất cho hoạt động vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đã đến lúc NHNN tiến hành thanh kiểm tra và yêu cầu các NHTM đang cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng ẩn mình dưới các khoản vay sản xuất kinh doanh trả về đúng bản chất của nó để một mặt giảm lãi suất đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh, mặt khác làm lành mạnh hóa bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Việc này hạn chế rất nhiều rủi ro thanh khoản cho cả người vay lẫn ngân hàng, nhất là trong các tình huống NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Nếu làm được việc này, NHNN sẽ nắm được con số thực tế của tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (con số đoán định sẽ cao hơn hiện nay khá nhiều) để từ đó có chính sách phù hợp để giảm tỷ lệ này về mức mục tiêu một cách hợp lý. Đồng thời, để giúp các ngân hàng đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thì NHNN cần có chính sách giúp thay đổi cấu trúc huy động vốn của các ngân hàng.
Trong đó, giảm mạnh lãi suất huy động ngắn hạn và tăng lãi suất huy động trung và dài hạn để hướng dòng tiền theo hướng tăng tiền gửi dài hạn và giảm tối đa tiền gửi ngắn hạn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng các giải pháp về giao dịch sổ tiết kiệm để giúp người dân gửi dài hạn có thể rút vốn mà không bị mất toàn bộ lãi, từ đó sẽ thay đổi cấu trúc tiền gửi toàn nền kinh tế đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn một cách thực chất.
Ngoài ra, việc này cũng định hướng đúng bản chất dòng tiền/vốn trong nền kinh tế khi mà những dòng tiền ngắn hạn, thanh khoản tạm thời sẽ không tạo ra lợi suất đáng kể mà chỉ có dòng vốn dài hạn mới tạo ra lợi suất tốt cho người gửi. Từ đó, kích thích người dân hoặc tăng đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm dài hạn. Đây cũng là cách giảm lãi suất tiết kiệm hiệu quả và từ đó giảm lãi suất vay vốn toàn nền kinh tế - giải pháp kích thích nền kinh tế đáng kể trong giai đoạn hiện nay.